(vhds.baothanhhoa.vn) - (Vh&ĐS) Bác Hồ, vị lãnh tụ thiên tài của nhân dân ta, ngay từ ngày đầu bước vào con đường hoạt động cách mạng Bác đã xác định: Làm cách mạng thì phải tố cáo kẻ thù, thuyết phục bầu bạn, vận động quần chúng. Muốn vậy cần phải học viết báo, phải làm báo. Vì báo chí có thể chuyển tải được thông tin xa hơn, rộng hơn và lâu dài hơn. Báo là công cụ, là vũ khí sắc bén để tuyên truyền cho các mặt hoạt động cách mạng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bác Hồ viết báo

(Vh&ĐS) Bác Hồ, vị lãnh tụ thiên tài của nhân dân ta, ngay từ ngày đầu bước vào con đường hoạt động cách mạng Bác đã xác định: Làm cách mạng thì phải tố cáo kẻ thù, thuyết phục bầu bạn, vận động quần chúng. Muốn vậy cần phải học viết báo, phải làm báo. Vì báo chí có thể chuyển tải được thông tin xa hơn, rộng hơn và lâu dài hơn. Báo là công cụ, là vũ khí sắc bén để tuyên truyền cho các mặt hoạt động cách mạng.

Với Bác, trước khi viết một bài báo Bác luôn đặt ra câu hỏi: “Viết cái gì? Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?”. Đó là những yếu tố cơ bản của báo chí cách mạng. Nếu đối tượng là những kẻ xâm lược, những bè lũ vua quan bù nhìn Bác viết rất sâu xa, ý nhị và châm biếm, hài hước…

Đối với nhân dân Việt Nam thì Bác viết giản dị, mộc mạc, nhiều khi có vần có đối như những câu ca dao, tục ngữ. Với trí thức Bác viết sâu sắc, khoa học, thơ ca và nghệ thuật… Như vậy cốt để phù hợp với mọi đối tượng.

Trong bài báo “Lời than vãn của Bà Trưng Trắc” đăng trên báo L’Humanité, tức Báo Nhân đạo ngày 24-6-1922, mượn lời của bậc tiền nhân dựng nước để nói với Thiên tử đương thời (Vua) về nỗi nhục mất nước, nỗi nhục của người trị vì để con dân sống trong nô lệ, Bác viết: “...Mi có nhận ra ta không, đứa con khốn khổ kia ơi? Ta là một trong những người khai sáng nước Nam tươi đẹp này. Ta là Trưng Trắc, năm 39 đã cùng với em là Trưng Nhị cùng đồng bào đánh đuổi bọn xâm lăng trả thù chồng, giải thoát quê hương. Đừng có run lên như thế con ơi! Mà phải lắng nghe lấy lời mẹ bảo! Chẳng hay mi có biết rằng theo tập tục nghìn năm của nước Nam ta xưa cũ thì Hoàng đế là chịu mệnh Trời để trị dân, vì thế mà được coi là con của Trời, cha mẹ của dân. Vua muốn xứng đáng với lòng trời và làm tròn nhiệm vụ chí lớn của mình thì phải chịu khổ trước dân và chia sướng cho dân. Vua phải tuân lệnh Trời, mà tiếng dân chính là truyền lại ý trời. Bằng không thì ấy là Trời đoạn tuyệt, tổ tiên từ bỏ, nhân dân ruồng rẫy... Ôi hãy nhìn nào, đứa con thảm thương kia ơi! Hãy nhìn quanh mi, thấy chăng Trung Hoa đang thức tỉnh, Nhật Bản đang duy tân...? Thấy chăng hoàn cầu đang tiến? Chỉ có dân mi là nhờ mi và lũ quan thượng của mi mà cứ phải ngập mãi trong vũng lầy dốt nát và tôi đòi khốn nạn? Bài báo đã chứa đựng “hiện thực huyền ảo”, thể hiện kiến thức lịch sử và văn hóa của Bác.

Đặc trưng các bài báo, tiêu đề bài báo mà Bác Hồ viết phần lớn đều ngắn gọn. Trong bài dưới tít chính Bác còn chia ra các tít phụ cho từng vấn đề, như bài: “Đông Dương và Triều Tiên” đăng trên tờ Le Popularia tức báo Dân chúng ngày 4/9/1919 nói về sự bành trướng của chủ nghĩa đế quốc và phong trào giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa.

Bài báo chỉ dài 1.300 từ nhưng Bác chia ra làm 4 tít phụ như: Một sự so sánh thú vị; Tự trị ở Triều Tiên; Nhồi sọ người da vàng; Sự hy sinh của người An nam trong chiến tranh. Trong bài “10 trường học, 1.500 đại lý rượu” đăng trên tờ La vie Ouvriere (tức báo Đời sống thợ thuyền) số 100 ngày 1/4/1921 Bác cũng rút tít phụ và đây là một trong những tít phụ: “Kẻ đầu độc người bản xứ” và dưới tít phụ đó Bác viết: “Ông Sa rô (Sarraut) tốt bụng”, Bộ trưởng cấp tiến Bộ thuộc địa, cái người bố của dân bản xứ (ông ta nói thế) âu yếm người An nam và được họ quý trọng. Để truyền thụ nền văn minh của Pháp mà ông ta là tác nhân chính ông ta đã không lùi bước trước một cái gì hết, kể cả những hành vi hèn hạ và tội ác. Đây là một bằng chứng, một lá thư mà với cương vị Toàn quyền Đông Dương và để cho phồng túi của những kẻ cướp ở thuộc địa vào túi ông ta, ông ta gửi cho các viên chức cấp dưới.

Tiếp đó Bác đưa toàn văn thư của Sa rô: “Kính gửi ông Công sứ, tôi trân trọng yêu cầu ông hết sức giúp đỡ Nha Thương chính đặt thêm đại lý thuốc phiện và rượu theo chỉ thị của ông Tổng Giám đốc Nha Thương chính Đông Dương. Để công việc có kết quả tôi xin gửi ông một bản danh sách những đại lý cần đặt trong các xã đã có tên, tới nay phần đông các xã này vẫn hoàn toàn chưa có rượu và thuốc phiện…”. Sau khi kết thúc bức thư, cuối bài báo Bác đưa ra một thông tin rất vắn tắt: “Lúc đó có 1.500 ty rượu và thuốc phiện cho 1.000 làng trong khi chỉ có 10 trường học cũng cho bấy nhiêu làng. Ngay cả trước bức thư nổi danh đó người ta đã cho 12 triệu người dân bản xứ kể cả đàn bà và trẻ con nốc 23 đến 24 triệu lít rượu mỗi năm. Bài báo rất ngắn chỉ khoảng hơn 400 chữ mà Bác tố cáo được hết dã tâm của bọn thực dân pháp đối với nhân dân ta. Còn có những bài viết khác của Bác tít rất ngắn và ấn tượng như: Tập đoàn kẻ cướp; Chính sách ngu dân; “văn minh” của Pháp ở Đông Dương; Bỏ cách làm tiền ấy đi; Quỷ trắng, quỷ đen… Đôi khi Bác còn dùng lối chơi chữ khá thú vị trong các tít bài của mình như bài: “ONG TROI CO MAT”. Ngay đầu bài Bác viết luôn: Đó là một câu nói của Việt Nam, nghĩa của nó là: “Ông Trời có mắt”. Khi Pháp thất bại phải đầu hàng ở Điện Biên Phủ thì câu nói đó rất thịnh hành trong nhân dân ta.

Bước vào kháng chiến chống Mỹ, Bác viết nhiều bài báo với những tít đối nghịch rất ngắn: “Tay lo rồi chân cũng lo”, “Mỹ mà không đẹp”, “Mỹ mà phong không thuần, tục không Mỹ”, “Ta thắng lớn, Mỹ thua to”, “Ta nhất định thắng, địch nhất định thua”… Phần nhiều các bài viết của Bác nội dung đều ngắn gọn, súc tích chỉ từ 300 đến 500 chữ, nên rất dễ đọc, dễ hiểu và dễ nhớ. Theo Bác ngắn nhưng phải có đầu có đuôi. Viết phải đúng sự thật, không được viết ẩu, chưa điều tra, chưa nghiên cứu để biết rõ đâu là bản chất, đâu là hiện tượng thì đừng có viết, vì tính chân thật là linh hồn của báo chí cách mạng.

Kể từ tác phẩm đầu tiên: “Quyền của các dân tộc thuộc địa” đăng trên báo L’Humanite (báo Nhân đạo) ngày 18/6/1919 cho đến tác phẩm cuối cùng: “Thư trả lời Tổng thống Mỹ” đăng trên báo Nhân dân ngày 25/8/1969 Bác đã viết hơn 2.000 bài báo đăng trên các báo trong và ngoài nước với nhiều bút danh khác nhau nhưng người đọc ai cũng nhận được văn phong và cách thể hiện luôn có 4 yếu tố của Bác, của một nhà báo kiệt xuất đã khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Văn Như Tước



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]