(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Trong tòa soạn có một thứ lao động khá đặc trưng: Hy sinh hết mình, nhưng thậm chí đến cuối đời làm báo họ vẫn chưa được bạn đọc biết tên đúng nghĩa của nghề.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nghề đặc thù, nghề cao quý

(VH&ĐS) Trong tòa soạn có một thứ lao động khá đặc trưng: Hy sinh hết mình, nhưng thậm chí đến cuối đời làm báo họ vẫn chưa được bạn đọc biết tên đúng nghĩa của nghề.

Phóng viên Đài PTTH Nghệ An thực hiện Ký sự sông Giăng. (Ảnh: Duy Ngoãn)

Họ là những biên tập viên, những người trực xuất bản. Họ vừa giống người gác khung thành trên sân bóng, lại giống đầu bếp với khả năng chế biến món ăn.

Họ sẽ chẳng có nhiều thời gian cho chuyện riêng tư.

Tôi đã có gần 18 năm gắn mình với công việc "sửa văn bản" mỗi ngày tại tòa soạn. Mà nhiều khi cũng chẳng phải cứ là tòa soạn. Phóng viên có tin lúc nào mình lại vào việc. Dù có trong chăn ấm cũng vùng dậy để tin được phát lên mạng kịp thời.

Công việc của người trực xuất bản không thể khác được, với những con chữ cứ thế, những bức ảnh cứ thế, các chuyên mục cứ thế, đều đặn qua tay, đến mức nhiều khi thèm tụ bạ một không gian cà phê sáng cũng là điều xa xỉ.

Chừng ấy năm gắn mình với tòa soạn báo, cũng là ngần ấy năm tôi chưa có trọn vẹn một dịp nghỉ lễ, tết cho đúng nghĩa, cho dù ngày nghỉ có kết hợp với cuối tuần để thành một kỳ nghỉ dài. Chưa một chuyến du lịch với gia đình ở xa thành phố giống như anh bạn hàng xóm vẫn hay kích động bà xã tôi.

Những đứa con tôi, hình như chúng cũng biết điều đó, nhận rõ sự thiệt thòi khi ngủ dậy bố đã đến tòa soạn, và khi lên giường có thể bố còn gặm bánh mì trên bàn làm việc.

Đó là những ngày làm báo tết. Lắm lúc mệt đến muốn đứt hơi vẫn phải là công việc ấy. Nhưng cũng chẳng sao. Khi mình đã chọn được niềm đam mê, thì nhiều ham muốn dường như vô nghĩa.

Dù sao, đó cũng là những người làm báo còn may mắn được "ngồi máy lạnh". Còn biết bao người làm báo khác hy sinh vì nghề. Họ phải ở những hoàn cảnh khắc nghiệt hơn để "nuôi dưỡng" tình yêu nghề.

Lao động của họ lắm lúc cảm giác đến phi thường.

Đêm giao thừa mưa và rét nhưng không ít phóng viên vẫn phải xa cái tổ ấm đoàn viên trong thời khắc thiêng liêng để lên đường tác nghiệp. Đi nhiều đến mức thành quen. Đôi khi ngày tết, ngày lễ với họ chỉ còn là cái tên gọi.

Thậm chí, 1 tháng 5 ngày Quốc tế Lao động cả thế giới nghỉ việc, nhưng nhiều nhà báo vẫn không có ngày nghỉ đúng nghĩa. Bởi một điều hết sức bình thường, đó là nhà báo phải biết dấn thân và hy sinh. Nhà báo chân chính không chấp nhận ngồi máy lạnh để xào xáo tin bài.

Họ phải “chạy” để có những dòng tin cho số báo ngày mai, cho những hình ảnh lên sóng ngay trong đêm. Kệ ai đó shopping với người thân hoặc với giấc ngủ vùi, phóng viên vẫn phải đưa tin hiện trường từ một nơi nào xa lắm, có thể rất hiểm nguy. “Đàn ông thì mau già, còn đàn bà thì mau xấu”. Đồng nghiệp của tôi cảm thán về nghề mình đã chọn.

Nhưng rồi sau bao nhiêu lần tự trào, chị vẫn gắn mình với cái nghề nhọc nhằn nhưng vinh quang ấy. Nhà báo không có danh hiệu Nhà nước như nhà giáo, thầy thuốc hay nghệ sỹ, và không phải ai cũng có huy chương.

Nhưng có tấm huy chương - một danh hiệu lớn đến từ công chúng báo chí. Đó là niềm tin yêu, sự trân quý và chờ đợi. Bởi vậy, họ phải dấn thân cho nghề, cho đời, như một lẽ rất tự nhiên.

Họ đi bất cứ lúc nào khi có thông tin để "hạ sinh" ra những đứa con tinh thần tốt nhất phục vụ công chúng báo chí. Nhà báo không chỉ là thư ký thời đại, còn phải biết định hướng dư luận trước mỗi sự đúng - sai. Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo càng phải thể hiện rõ nét trong bối cảnh các thế lực thù địch đang dùng nhiều thủ đoạn diễn biến hòa bình để chống phá chúng ta.

Trong hơn 300 nhà báo ở xứ Thanh hôm nay có không ít cái tên dung dị, bình thường thôi, đôi khi chẳng chức tước gì, nhưng họ vẫn miệt mài ngày đêm "cày ải" trên "cánh đồng làng báo". Cho ai? Cho nghề, cho đời, và góp phần vào một trật tự xã hội. Vì nhuận bút ư? Biết bao nhiêu nghề đem lại tiền bạc, chứ đâu chỉ riêng nghề báo.

Nhuận bút cho bài viết đôi khi chẳng thể đủ một chuyến xuyên rừng, một lần làm phóng sự điều tra. Vì đam mê ư? Hiển nhiên rồi. Nghề nào chả cần nhiệt huyết, nhưng nghề báo đòi hỏi trên cả nhiệt huyết - đó là sự dấn thân. Một cách chọn có phần đặc biệt!

Dấn thân bởi nghề báo vinh quang đấy, nhưng thấm đẫm nhọc nhằn, cả rủi ro. Nhà báo bị thương tích đã nhiều. Bị phá phách phương tiện tác nghiệp, xúc phạm nhân phẩm cũng nhiều, và chưa phải đã hết. Cả những tai nạn nghề nghiệp bởi con chữ tạo ra... Nhưng có sao đâu, họ đã chọn nghề, và nghề đã chọn mình. Vậy nên cứ "cháy" hết mình đi, "phiêu" hết cỡ đi cho những đứa con tinh thần thêm hấp dẫn.

Lao động tất thảy là vinh quang, nhưng dường như sự vinh quang của nghề báo trở nên gấp bội, và cũng vất vả hơn hẳn. Nhiều khi nó đòi hỏi cùng một lúc cả trí tuệ lẫn cơ bắp.

Không có sức khỏe ư? Vậy thì làm sao có thể xuyên rừng cả ngày chỉ với chai nước, chiếc bánh mỳ trong túi và chiếc máy quay, đồ đoàn lỉnh kỉnh trên vai. Làm sao có thể theo những ngư phủ lênh đênh trên sóng dữ cả tuần để có những thước phim, bức ảnh sống động? Lại còn phải "nhào nặn" con chữ, cấu trúc cho phù hợp.

Báo chí hiện đại không còn là chuyện đơn giản là: xảy ra lúc nào, ở đâu, ra sao. Mà hơn thế, phải là một sự xâu chuỗi sự việc, trình bày khoa học, đưa ra dự báo, định hướng dư luận để bạn đọc cảm nhận được đầy đủ bản chất thông tin. Nhiều khi tòa soạn còn phải theo những đề tài “mở” đến tận cùng, bằng những lý giải, đánh giá khác nhau.

Có thể nói, lao động của người làm báo để có bài báo sống động và xúc động chính là sự "dâng hiến" lớn nhất của họ cho bạn đọc.

Biết rằng bây giờ có nhà báo vẫn xào xáo tin bài sau laptop. Có nhà báo vẫn lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi. Đó là những người không biết trân trọng nghề, sự vinh quang mà lao động đích thực đem lại. Họ chỉ là số ít.

Tháng 6 này có ngày 21 tôn vinh nghề báo, những người làm báo và công chúng báo chí càng biết ơn và nhớ về một nhà báo cách mạng kiệt xuất: Nhà báo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Bác đã đi xa nhưng đạo đức làm báo của Người còn để lại. Càng nhớ Bác, người làm báo càng phải ghi nhớ trách nhiệm cầm bút của mình mà Bác đã căn dặn, đó là: Báo chí phải là tiếng nói của chính nghĩa... Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết.

Nghĩ về nghề đúng dịp kỷ niệm 91 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam để cảm nhận thêm sự đặc thù và cao quý.

Vũ Tuấn Anh

(Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa,

nguyên Phó Tổng biên tập Báo Văn hóa và Đời sống)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]