(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Rèn luyện đạo đức, lối sống, đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị của người làm báo cách mạng luôn là vấn đề được công chúng, dư luận xã hội quan tâm. Việc nắm bắt thông tin nhanh nhạy, kịp thời và xử lý, sử dụng thông tin đó thật sự khách quan, phù hợp đúng với quan điểm, định hướng của Đảng là trách nhiệm và bản lĩnh của nhà báo, lực lượng xung kích của Đảng trên mặt trận tư tưởng văn hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nâng cao trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề báo

(VH&ĐS) Rèn luyện đạo đức, lối sống, đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị của người làm báo cách mạng luôn là vấn đề được công chúng, dư luận xã hội quan tâm. Việc nắm bắt thông tin nhanh nhạy, kịp thời và xử lý, sử dụng thông tin đó thật sự khách quan, phù hợp đúng với quan điểm, định hướng của Đảng là trách nhiệm và bản lĩnh của nhà báo, lực lượng xung kích của Đảng trên mặt trận tư tưởng văn hóa.

Phóng viên, người làm báo tác nghiệp tại Lễ khởi công Cảng Tổng hợp quốc tế Gang thép Nghi Sơn. (Ảnh: Đỗ Đức)

Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đất nước ngày càng hội nhập sâu vào khu vực và thế giới. Qua 30 năm đổi mới chúng ta giành được nhiều thành tựu quan trọng trên các mặt chính trị, KT-XH, QP-AN, ngoại giao. Vị thế, hình ảnh đất nước ngày càng nâng cao trên trường quốc tế.

Cùng với đà tăng trưởng, phát triển của đất nước, tỉnh Thanh Hóa cũng có sự phát triển khá toàn diện. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư tu bổ, nâng cấp ở khắp các vùng miền trong tỉnh. Các khu công nghiệp được quy hoạch, xây dựng và phát triển với tốc độ khá nhanh đã kích thích tạo đà thúc đẩy KT-XH các vùng, miền trong tỉnh. Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp được quan tâm chú trọng. Thương mại, dịch vụ đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân. Nhờ đó đời sống nhân dân ở các vùng miền được cải thiện nâng cao.

Song, tỉnh ta đất rộng, người đông, có nhiều dân tộc; kinh tế ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, trình độ dân trí còn thấp là những thách thức không nhỏ. Bởi vậy trách nhiệm và nghĩa vụ của những người làm báo cách mạng phải tuyên truyền kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiến thức khoa học- kỹ thuật, truyền thống và giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng của quê hương đến từng người dân.

Những người làm báo qua những bài viết phải biết khơi dậy lòng tự tôn, tự hào về truyền thống quê hương, động viên cổ vũ mọi người vươn lên hăng hái học tập, lao động, sản xuất làm giàu cho bản thân, gia đình và quê hương, xử sở.

Bối cảnh và tình hình chính trị thế giới những năm gần đây có nhiều diễn biến phức tạp. Xung đột sắc tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, can thiệp nội bộ, chủ quyền ở nhiều quốc gia như Trung Đông, Bắc Phi, biển Hoa Đông, Biển Đông… đang nóng lên. Lực lượng Hồi giáo cực đoan IS đã trở thành nỗi ám ảnh đe dọa đến an ninh hòa bình thế giới.

Mặt khác, tác động của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới. Việc làm và đời sống của một bộ phận nhân dân còn thiếu thốn, khó khăn. Khi hội nhập sâu vào khu vực và thế giới nước ta được tiếp thu nhiều thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, nhiều giá trị văn hóa của nhân loại.

Song, bên cạnh những luồng gió “lành” cũng không ít những luồng gió “độc” không phù hợp với thuần phong mỹ tục tràn đến. Chúng len lỏi vào mọi gia đình, làng quê, đường phố… như tệ sùng bái đồng tiền, lối sống hưởng thụ, thực dụng, dâm ô, trụy lạc… Chính những thứ độc hại đó đã làm tha hóa về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong nhân dân, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trở thành vấn đề nóng và bức xúc của xã hội.

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch đang dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” tinh vi và xảo quyệt gây nghi ngờ chia rẽ mất đoàn kết nội bộ. Chúng đồn thổi, thông tin thất thiệt, bịa đặt, vu khống nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín cá nhân lãnh đạo qua các trang mạng xã hội nhằm làm “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” trong nội bộ Đảng, Nhà nước, Chính phủ, chính quyền các cấp hòng hướng lái Việt Nam đi theo quĩ đạo của phương Tây qua các cuộc “cách mạng màu”.

Hơn lúc nào hết những người làm báo cách mạng phải luôn luôn kiên định vững vàng, thường xuyên cập nhật, nắm bắt mọi thông tin, biết phân tích, mổ xẻ, lý giải vấn đề một cách sáng suốt, khoa học theo quan điểm, định hướng của Đảng, Nhà nước. Nhà báo phải thường xuyên học tập nâng cao trình độ kiến thức về mọi mặt từ sách vở và thực tiễn. Phải thực sự hòa mình vào thực tiễn sinh động và phong phú của đời sống với con mắt tinh tường, với tấm lòng nhân hậu trong sáng thì mới có những bài báo phản ánh trung thực, khách quan đời sống có sức lay động lòng người.

Trách nhiệm xã hội và lương tâm của người làm báo chân chính là phải cổ vũ, nêu gương các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước, lao động sáng tạo như: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chung sức xây dựng nông thôn mới, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa... để cái tốt, tích cực được lan tỏa, nhân rộng, cái xấu, tiêu cực bị ngăn chặn, đẩy lùi.

Đồng thời nhà báo cũng phải có dũng khí trong việc đả phá chống lại các quan điểm sai trái thù địch, những tiêu cực và tệ nạn xã hội nhằm góp phần ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin của dân đối với Đảng, Nhà nước.

Khi hội nhập sâu vào khu vực và thế giới Đảng, Nhà nước ta chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tạo sự cạnh tranh bình đẳng, phát triển lành mạnh của các thành phần kinh tế - xã hội… Nhờ đó những năm qua các doanh nghiệp, doanh nhân trên các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông, lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng, thương mại, dịch vụ, văn hóa, thể thao, du lịch của đất nước và tỉnh ta phát triển khá nhanh… Nhiều sản phẩm mặt hàng đa dạng, phong phú có chất lượng đáp ứng nhu cầu của người dân.

Song, bên cạnh mặt tích cực đó nền kinh tế thị trường đã bộc lộ những mặt trái làm xói mòn đạo đức, lối sống, thuần phong, mỹ tục dân tộc. Để tồn tại và phát triển các doanh nghiệp, doanh nhân phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thương trường. Một số doanh nghiệp doanh nhân vì lợi nhuận đã nhiễm thói làm ăn “chụp giật” dùng mọi chiêu trò “lăng xê”, “đánh bóng” thương hiệu để làm sao thu về lợi nhuận nhanh và nhiều nhất mà họ quên cả đạo đức nghề nghiệp làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững và quyền lợi người tiêu dùng. Sản xuất của họ đã tàn phá môi trường nghiêm trọng, tổn hại trực tiếp tới sức khỏe con người.

Trong sản xuất, kinh doanh họ sử dụng những chất kích thích tăng trưởng, bảo quản, chất phụ gia nằm trong danh mục cấm của nhà nước để đánh lừa người tiêu dùng. Trách nhiệm đạo đức và dũng khí của người làm báo chân chính là phải đi sâu vào thực tiễn đời sống để tìm hiểu, điều tra làm rõ căn nguyên, cội nguồn của vấn đề chỉ ra những “căn bệnh” đó. Nội dung thông tin, phản ánh phải bảo đảm tính khách quan, trung thực trên tinh thần xây dựng để các doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn sai trái đó nhận thức đúng lỗi lầm, hậu quả tai hại mà họ gây ra cho xã hội.

Hiện nay đời sống của một số cán bộ, phóng viên ở các cơ quan báo chí còn gặp nhiều khó khăn. Hàng năm họ phải đối mặt với lượng tin bài, thu tuyên truyền, quảng cáo cũng như phát hành báo trên địa bàn. Nếu không tự rèn luyện tu dưỡng đạo đức lối sống họ sẽ dễ rơi vào sự sa ngã bởi cám dỗ của tiền tài, vật chất. Nếu nhà báo đó chỉ vì lợi ích bản thân, hoặc lợi ích nhóm mà thông tin, phản ánh thiếu trung thực, khách quan về hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân, một ngành, một địa phương không chỉ gây tác hại trong đời sống xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín tờ báo trong lòng bạn đọc.

Họ đâu có biết những thông tin sai lệch đó gây thiệt hại lớn đến quá trình sản xuất sản phẩm, lưu thông hàng hóa, ảnh hưởng đời sống, việc làm của nhiều người, hoặc phá vỡ tổ ấm, hạnh phúc của nhiều gia đình. Những việc làm thiếu ý thức và trách nhiệm lương tâm đó vô tình đã tiếp tay cho kẻ thù trong “diễn biến hòa bình”. Với trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp thiết nghĩ nhà báo luôn phải tự đặt câu hỏi trước những vấn đề “nóng”, “nhạy cảm” những thông tin, nội dung mình phản ánh có đem lại lợi ích thực sự cho cộng đồng, xã hội hay không.

Nhà báo phải thường xuyên đi sâu, đi sát cơ sở, cùng hòa chung, những niềm vui, chia sẻ những khó khăn, thách thức cần phải vượt qua. Phương châm hành động của các nhà báo chân chính là phải tích cực tuyên truyền, cổ vũ, động viên và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến của tập thể, cá nhân ở tất cả các ngành, các cấp, các lĩnh vực của đời sống xã hội để cái tốt, tích cực được lan tỏa sâu rộng.

Đồng thời cũng dám nêu sự thật về tệ quan liêu, tham nhũng, sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống nhằm lấy cái tốt ngăn chặn, đẩy lùi cái xấu hướng con người vươn tới chân thiện mỹ để xây dựng xã hội dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thời cơ và vận hội mới với tỉnh ta thời gian tớirất nhiều nhưng khó khăn và thách thức cũng không ít. Nghĩa vụ và trách nhiệm của người làm báo là phải luôn rèn luyện tu dưỡng để làm sao lòng phải thật trong, tâm phải thật sáng, bút phải thật sắc để có nhiều bài báo phản ánh sâu sắc đời sống xã hội có sức lay động lòng người góp phần xây dựng quê hương Thanh Hóa anh hùng ngày một giàu đẹp, văn minh và xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.

Phạm Minh Trị



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]