(vhds.baothanhhoa.vn) - Miền núi xứ Thanh được thiên nhiên ưu đãi với nhiều tài nguyên đa dạng, với những khu rừng nguyên sinh, thảm thực vật phong phú, nhiều loài động vật quý hiếm. Xứ Thanh cũng là vùng Tây Bắc kéo dài, vừa mang đậm sắc thái văn hóa bản địa, lại cũng là nơi hội tụ và giao lưu với các nền văn hóa khác.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào Mường Thanh Hóa

Miền núi xứ Thanh được thiên nhiên ưu đãi với nhiều tài nguyên đa dạng, với những khu rừng nguyên sinh, thảm thực vật phong phú, nhiều loài động vật quý hiếm. Xứ Thanh cũng là vùng Tây Bắc kéo dài, vừa mang đậm sắc thái văn hóa bản địa, lại cũng là nơi hội tụ và giao lưu với các nền văn hóa khác.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào Mường Thanh HóaHát séc bùa - hát chúc đầu năm mới của đồng bào Mường, huyện Ngọc Lặc.

Trên những đồi núi thấp và ruộng nước là địa bàn cư trú của người Mường. Ở tỉnh Thanh, người Mường đứng thứ hai sau người Kinh và sinh sống chủ yếu ở các mường lớn như: Ống, Ai, Khô, Phẩm, Danh, Trám, Chếnh, Rặc... thuộc các huyện Ngọc Lặc, Lang Chánh, Bá Thước, Cẩm Thủy, Thạch Thành. Từ xa xưa, đồng bào Mường đã sáng tạo và trao truyền nhiều loại hình văn hóa phi vật thể, bao gồm: ngôn ngữ, chữ viết, truyền thuyết, cổ tích, lễ hội, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, dân ca, dân vũ, dân nhạc, tri thức dân gian, văn hóa ẩm thực... in đậm sắc thái văn hóa Mường xứ Thanh, góp phần làm nên nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng.

Miền núi xứ Thanh, nơi cư trú tự bao đời của đồng bào Mường cũng là một trong những cái nôi của những giá trị văn hóa phi vật thể. Trong kho tàng truyền thuyết, truyện cổ của đồng bào Mường tỉnh Thanh bắt gặp quả bầu - biểu tượng về nguồn gốc và sự ra đời của các dân tộc anh em; cây Thần - cây Si trong mo Đẻ đất đẻ nước của ng­ười Mường cành ngả ra tới đâu thành bản, thành làng tới đó. Hệ thống các nhân vật khổng lồ như: ông Thu Tha, bà Thu Thiên, mụ Dạ Dần... là những vị thần khổng lồ kiến tạo trời và đất sáng tạo ra muôn vật, dạy cách trồng trọt, truyền nghề, lập nên những chiến công và kỳ tích phi thường, đánh đuổi kẻ thù bảo vệ cuộc sống... Vùng Đông Bắc và Tây Bắc nước ta có rất ít sử thi, khác với Tây Nguyên - cái nôi của sử thi phong phú và đặc sắc. Thế nhưng ở tỉnh Thanh có sử thi “Đẻ đất đẻ nước” của người Mường nổi tiếng. Sử thi Đẻ đất đẻ nước - áng mo đồ sộ với trên 2 vạn câu phản ánh quan niệm của Mường - Việt cổ về tự nhiên, xã hội, con người. Truyện thơ với hệ thống các truyện: Nàng Nga - Hai Mối, Út Lót Hồ Liêu, Nàng Ờm chàng Bồng Hương, chuyện nàng Con Côi... đặc sắc, do dân gian sáng tạo, tích hợp, chọn lọc những truyện thơ của cả nước nhưng vẫn mang những nét riêng của truyện thơ Mường tỉnh Thanh. Những truyền thuyết, chuyện cổ về đồi Lai Ly, Lai Láng, nơi có cây chu đá, lá chu đồng, bông thau quả thiếc trên ngọn núi thiêng mường Ký, xã Kỳ Tân; núi Làn Ai soi bóng xuống dòng sông Mã có cây Bồ yêu năm rụng một lá thuộc xã Hạ Trung (Bá Thước); núi Cửa Hà với cây thuốc trường sinh cứu sống nhân gian... giúp mọi người hiểu biết, khám phá và tìm thấy những quan niệm và triết lý biện chứng về vũ trụ, nhân sinh, vòng đời, lễ tục, tín ngưỡng, phương thức sản xuất của những người tối cổ buổi hồng hoang lịch sử, để thả hồn mình theo trí tưởng tượng bay bổng mà hình dung và mường tượng về những con người và địa danh thời sơ sử in đậm trong hệ thống truyền thuyết, truyện cổ Mường tỉnh Thanh.

Lời ăn, tiếng nói, phương ngữ cũng là nét riêng tạo nên sắc thái văn hóa xứ Thanh không lẫn vào đâu được. Giữa người Mường Trong (Thanh Hóa) và người Mường Ngoài (Hòa Bình) cũng có phát âm, cách nói và giọng điệu khác nhau, người Mường Trong vẫn tự hào: Đất thì xường, mường thì rang/ Kẻ Chợ, Mường Ngoài còn đang có tiếng. Vì vậy, muốn hiểu ngôn ngữ của người Mường của cả nước thì phải hiểu ngôn ngữ của người Mường và lời ăn, tiếng nói của người Mường Trong - Thanh Hóa là hiện tượng “hóa thạch” về ngôn ngữ không còn nhiều và đang bị mai một, khó bảo lưu trong cuộc sống hiện đại.

Đối mặt với thiên nhiên và môi trường sống khắc nghiệt để tồn tại, qua quá trình lao động, trải ngiệm, đồng bào Mường đã đúc rút ra nhiều thành ngữ, tục ngữ có giá trị. Những tri thức đó đã được họ ghi nhớ và trao truyền cho các thế hệ: Lúa dưới nước, cá dưới nước/ Khéo làm có ăn, siêng nằm chết đói. Hay: Khách đến nhà đừng đánh chó/ Có bạn đến nhà chớ đánh con... Vốn tri thức dân gian, kinh nghiệm trong cách ứng xử, quan hệ không chỉ đối với con người: Nói nhau đừng nói nặng/ Mắng nhau đừng mắng đau/ Đời còn có lúc thương nhau trở lại, mà còn giữa con người với thiên nhiên rất được coi trọng: Sống rừng nuôi, chết rừng chôn.

Là miền đất của giao lưu buôn bán từ xuôi lên ngược và từ ngược về xuôi theo dòng Mã giang lắm thác nhiều ghềnh. Song cũng chính nơi cuối sông, đầu núi này (Cẩm Thủy) đã từng xuất hiện chợ Quan Hoàng - chợ tình duyên nàng Nga mở hội kén chồng để rồi kết duyên cùng Hai Mối làm nên bản tình ca đẹp “Chuyện nàng Nga - Hai Mối” làm đắm say lòng người nhiều thế hệ. Địa điểm mở chợ tình là miền bán sơn địa, địa bàn sinh sống của cư dân Mường Việt.

Về dân vũ, đồng bào Mường có múa pồn pôông, kết hợp giữa múa hát, diễn tấu cồng chiêng và cây hoa đủ sắc màu tượng trưng cho cây vũ trụ, cầu mong vạn vật sinh sôi, cuộc sống đủ đầy. Cùng với múa pồn pôông còn có múa Mụ Chầy, múa khăn, múa kiếm, múa quạt... sôi nổi và duyên dáng, đó là cơ sở để hình thành và phát triển của nghệ thuật sân khấu sau này.

Đồng bào Mường từ bao đời nay đã sáng tạo và thực hành nhiều loại hình dân ca phong phú và đa sắc màu. Dòng Mã giang chảy qua những cánh rừng, làng bản chở theo những làn điệu dân ca say đắm lòng người. Với vốn văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc nh­ư hát x­ường, rang, bọ mẹng, hát séc bùa, hát ru, hát đúm, dân ca nghi lễ, dân ca hôn lễ, hát mo..., người Mường tự hào với: Xường Mường Trám/ Ngâm xuống nước đến tám mươi đời/ Khi vớt lên vẫn còn tươi nguyên giọng ấy/ Xường Mường Trám/ Không đem bán lấy lúa lấy tiền/ Ai vừa tình vừa duyên thì ta cùng hát. Với nhiều loại hình: hát giao duyên, hát đối đáp, hát ru... diễn tả tâm hồn của đồng bào Mường với nhiều cung bậc tình cảm tinh tế, thiết tha đằm thắm, ngợi ca con người, cuộc sống và cảnh vật thiên nhiên, đậm đà hương sắc.

Tộc người Mường ở Thanh Hóa cho đến nay vẫn còn giữ được dấu ấn của văn hóa Đông Sơn qua ngôn ngữ, tín ngưỡng và đặc biệt với nghệ thuật thêu dệt hoa văn trên trang phục. Phụ nữ Mường giỏi trồng bông, trồng dâu, nuôi tằm, kéo sợi... không chỉ làm ra nhiều y phục đẹp, phục vụ cho cuộc sống ngày thường, đặc biệt những bộ sắc phục, váy áo, khăn thêu thổ cẩm được trưng ra trong ngày hội lễ tựa như một rừng hoa muôn sắc, thu hút sự trầm trồ của du khách và lời ngợi khen về khiếu thẩm mỹ, sự tinh tế về kỹ thuật hòa sắc của các tác phẩm nghệ thuật do chính những con người lam lũ với cuộc sống đầy vất vả, gian khó này tạo nên.

Âm nhạc dân gian chứa đựng nhiều sắc thái tình cảm. Đặc biệt, trống đồng, cồng chiêng là loại hình âm nhạc tự thân vang có từ thuở Vua Hùng và in đậm trong tâm thức mỗi người dân, trong từng bản mường hướng về cội nguồn dân tộc. Ngoài ra, người Mường còn có đàn đỉnh, trống chiêng, khua loóng... với muôn thanh âm và cung bậc tình cảm phong phú, đặc sắc.

Văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Mường tỉnh Thanh gần như­ hội đủ các tín ngưỡng và tôn giáo bản địa cũng nh­ư ngoại nhập được người dân ở đây ngưỡng vọng và chiêm bái. Tín ngưỡng thờ đá, thờ cây, thờ nhiên thần, thiên thần, nhân thần... xuất hiện khá rõ nét. Đặc biệt, đồng bào Mường sinh sống gắn với tục thờ thần Núi, thờ Mẫu Thượng Ngàn, thờ Mẫu Thoải; thờ nhân thần là những người anh hùng có công dựng bản, lập mường, bảo vệ cuộc sống của Nhân dân như: Lê Lợi, Lê Lai, Phạm Thị Ngọc Trần... Mặc dù có sự giao thoa và tiếp biến về văn hóa và tín ngưỡng với các vùng miền khác nhau trong cả nước và khu vực Đông Nam Á, song văn hóa và tín ngưỡng nơi đây vẫn mang đậm sắc thái văn hóa Mường xứ Thanh.

Cũng như lễ hội cổ truyền của đồng bào các dân tộc trên phạm vi cả nước, đồng bào Mường xứ Thanh có các loại hình lễ hội tiêu biểu, đó là lễ hội gắn với các hiện tượng của tự nhiên: lễ hội thờ trời đất, lễ hội tôn vinh, tri ân ngọn núi, dòng sông, cánh đồng, bến nước; lễ hội thờ các nhân vật huyền thoại có bóng dáng lịch sử; lễ hội thờ các vị thành hoàng làng có công dựng làng, lập bản, truyền dạy nghề; lễ hội tôn vinh các anh hùng lịch sử và lễ hội của các tôn giáo. Cứ “xuân thu nhị kỳ”, đến đâu cũng đều bắt gặp đủ sắc màu hội lễ xốn xang, lay động lòng người, biết ơn tiền nhân, hướng về cội nguồn dân tộc. Các làng bản người Mường mở hội khai hạ, xuống đồng; Làng Ngọc, Cẩm Lương mở hội cầu nước cho cây trồng quanh năm tươi tốt; người Mường vùng chân núi Nưa cấy cây mạ xuống ruộng đầu tiên, mong ước mùa về “lúa tốt bằng mây, lúa xây sậm hạt”...

Với vùng địa lý đặc thù và thiên nhiên hào phóng ban cho: Đất mường ta cơm trắng/ Nước mường ta, nước trong/ Đất mường ta lắm moong, nhiều cá/ Một mẻ chài được trăm con cá/ Một phát ná được trăm con chim... Mỗi vùng miền nơi có người Mường sinh sống đều có những sản vật nổi tiếng gắn với văn hóa ẩm thực: cơm đồ, lợn thui, cá hấp, cá nướng, canh lóng, canh đắng, trứng kiến, bánh sờn, bánh khổ, thịt chua, cá nướng, nhái nấu măng, vịt Trạc Nhật, tôm Vụng Chiếng, cá lăng sông Mã; nếp cẩm, xôi đồ và những món ăn nổi tiếng: Cơm nếp, đùi gà/ Nhà ta có ngọc; đồ uống: rượu siêu, rượu cần...

Di sản văn hóa của đồng bào Mường tỉnh Thanh kết tụ trí tuệ, tinh hoa và tâm hồn của cha ông trong trường kỳ lịch sử của dân tộc. Để di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào Mường trở thành nguồn lực phát triển trên đất tỉnh Thanh, nhiệm vụ đặt ra đối với các cấp ủy đảng, chính quyền, ngành văn hóa, thể thao và du lịch và đồng bào dân tộc Mường tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục tuyên truyền, quảng bá sâu rộng giá trị của di sản văn hóa nhằm không chỉ đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của đồng bào mà còn giới thiệu, thu hút du khách đến với vùng đồng bào Mường. S­ưu tầm, nghiên cứu, phục dựng và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể: ngôn ngữ, chữ viết, tục ngữ, phương ngôn, dân ca, dân vũ, dân nhạc, tri thức dân gian, hương ư­ớc, quy ước, lễ tục, hội hè... của đồng bào Mường; loại bỏ những yếu tố lạc hậu, bảo thủ nhằm xây dựng đời sống tinh thần văn minh, tiến bộ.

Những giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào Mường góp phần hình thành sắc thái văn hóa xứ Thanh, tạo nên tính cách con người xứ Thanh anh dũng, quật c­ường mà giàu tính nghĩa nhân, vì lợi ích và sự trường tồn của cộng đồng. Những giá trị văn hóa phi vật thể đó cần khai thác và phát huy để phát triển du lịch bền vững, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống giàu đẹp, nhân văn ở miền núi Thanh Hóa nói chung, đồng bào Mường nói riêng trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước, quê hương.

Bài và ảnh: Hoàng Minh Tường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]