Cận cảnh Bảo vật Quốc gia Bộ chân đèn và lư hương gốm men thời Mạc
Bảo vật Quốc gia Bộ chân đèn và lư hương gốm men thời Mạc trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Nam Định. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)
Được tìm thấy tại một ngôi đình và một ngôi chùa ở xã Phương Định, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, bộ chân đèn và lư hương gốm men thời Mạc có niên đại hơn 400 năm hé lộ nhiều thông tin quý giá về phong cách tạo hình, nghệ thuật trang trí đặc trưng của thời Mạc, cũng như nghề thủ công gốm sứ Bát Tràng và các địa danh lịch sử hành chính của Nam Định thế kỷ 16.
Hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Nam Định, bộ chân đèn và lư hương thời Mạc thu hút sự quan tâm của nhiều khách tham quan bởi sự độc đáo về hình thức với các hoa văn trang trí cầu kỳ, tinh xảo.
Bộ chân đèn và lư hương gốm men thời Mạc đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia vào đợt 2 ngày 30/12/2013 theo Quyết định số 2599/QĐ-TTg.
Đây là những hiện vật độc bản và nguyên vẹn, thể hiện rõ phong cách kỹ thuật-mỹ thuật bổ ô đắp nổi để mộc, kết hợp vẽ lam dưới men đặc trưng của gốm sứ thời Mạc thế kỷ 16.
Chân đèn là hiện vật độc bản thời Mạc còn nguyên vẹn. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)
Tính đến thời điểm này, chân đèn là hiện vật duy nhất thời Mạc ở Việt Nam có đầy đủ các bộ phận hợp thành, hoàn thiện về hình thức.
Chân đèn có kích thước đường kính miệng 17cm; đường kính đáy 21,2cm; cao 76cm. Dáng thon cao, gồm 2 phần cổ và thân ghép với nhau. Cổ đèn hình trụ tròn nhỏ cao, miệng loe, hai bên đắp 2 tai hình rồng có cánh để mộc chạy dọc cổ, đầu hướng xuống dưới.
Phần trang trí nổi không men gồm các hoa văn rồng, phượng, hoa thị 4 cánh, lá đề, rồng trong cánh sen, chữ Hán “Phật” và hoa văn hình học; kết hợp vẽ lam đề tài rồng, phượng.
Thân đèn có vai ngang, thân nở, eo thon, chân đế cao loe rộng, đắp nổi hình một con rồng không men, đầu hướng vào dòng chữ Hán khắc chìm theo chiều dọc với nội dung “Hưng Trị tam niên bát nhị thập nhật tạo” (nghĩa là chế tạo ngày 20 tháng 8 năm Hưng Trị 3 - 1590).
Phần thân đèn sát chân đế tạo một băng cánh sen vuông đầu, lòng để mộc trang trí nổi hoa văn.
Ngoài ra còn nhiều loại hoa văn như lá đề, hoa cúc, hoa sen, mây và hoa văn hình học trang trí bằng kỹ thuật đắp nổi để mộc, đắp nổi phủ men nâu, kết hợp vẽ lam xanh dưới men trắng.
Nhìn hình dáng bề ngoài thì chân đèn gốm giống như bình cắm hoa nhưng thực tế là dùng để đặt đĩa đèn dầu lạc hay đĩa hoa trên miệng bình phục vụ cho cúng lễ.
Chân đèn gốm thời Mạc được đánh giá là đẹp hơn các thời khác và trở thành một chuẩn mực để đánh giá phần nào phong cách của mỹ thuật thời Mạc.
Trong khi đó, lư hương cũng là tiêu bản duy nhất có hình thức, hoa văn trang trí cầu kỳ tinh xảo khác xa với các lư hương khác thời Mạc.
Hiện vật có kích thước đường kính miệng 20cm; đường kính đáy 20cm; cao 40,4cm, gồm 2 phần chồng lên nhau. Phần trên giống một bát hương độc lập có miệng bằng loe, cổ hình trụ, thân phình gắn 4 chân hình đầu thú uốn cong ra ngoài
Lư hương được trang trí đắp nổi kết hợp vẽ lam các loại hoa văn hoa cúc, hoa chanh, hoa sen, lá đề, rồng trong ô, lân, ngựa có cánh, mặt hổ phù, mây và hoa văn hình học.
Phần đế giống chiếc hồ lô, thân trên dáng búp sen, thân dưới hình trụ tròn, cổ nhỏ ngắn, vai nở, đế loe tô son nâu.
Lư hương gốm men thời Mạc với minh văn 27 dòng chữ Hán ở đế. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)
Ngoài phần trang trí nổi không men hình rồng trong ô, điểm gây nhiều chú ý cho giới khảo cổ khi tìm ra bảo vật này là trên chân lư hương còn khắc chìm một minh văn với mật độ chữ Hán dày đặc, lên tới 27 dòng, cho biết nguồn gốc của chiếc lư hương là do ông Đỗ Xuân Vi ở xã Bát Tràng chế tạo vào ngày 20 tháng 8 năm Hưng Trị 3 (1590) và tên các tín đồ dâng cúng lư hương vào chùa.
Nét độc đáo của 258 chữ Hán ghi dày đặc trên đế lư hương phản ánh nhiều thông tin về tên người, các địa điểm, địa danh lịch sử hành chính của Nam Định thế kỷ 16.
Bảo vật bộ chân đèn và lư hương là những hiện vật gốc độc bản về số lượng, hình thức, đề tài trang trí, phong cách nghệ thuật, niên đại tuyệt đối.
Một điểm độc đáo nữa của bộ hiện vật này là được tìm thấy ở 2 di tích khác nhau nhưng chúng đều được sản xuất cùng một thời điểm, đó là ngày 20 tháng 8 năm Hưng Trị 3 (1590) thời Mạc Mậu Hợp.
Điều đó cho thấy rất có thể hai đồ thờ này được dân địa phương đặt hàng và đều được sản xuất bởi một người thợ gốm làng Bát Tràng, Hà Nội.
Căn cứ vào hoa văn trang trí, đặc điểm hình dáng, nhất là niên đại tuyệt đối ghi trên hiện vật, các nhà nghiên cứu có cơ sở quan trọng để nhận biết phong cách tạo hình, nghệ thuật trang trí đặc trưng của thời Mạc thế kỷ 16, đồng thời có thể đối chiếu, so sánh, xác định niên đại cho các hiện vật cùng thời cũng như những hiện vật sản xuất trước và sau đó.
Hệ thống minh văn trên hiện vật ngoài việc giúp các nhà khảo cổ nghiên cứu, tìm hiểu về cách hành văn, phong cách, kiểu chữ của thế kỷ 16 mà còn khẳng định Bát Tràng là một trong những trung tâm sản xuất gốm nổi tiếng, đồng thời bổ sung tư liệu nghiên cứu về các nghệ nhân làm gốm Bát Tràng nói riêng và nghệ nhân nghề thủ công truyền thống nói chung./.
Theo TTXVN
- 2024-09-13 15:00:00
Phát triển đa dạng sản phẩm du lịch tại “Vịnh Hạ Long trên cạn của xứ Thanh”
- 2024-09-13 13:22:00
Khắc đi... Khắc đến - Bản lĩnh vững vàng của một người từng trải
- 2024-06-03 15:12:00
Liên hoan phim hoạt hình quốc tế Trung Quốc thu hút hơn 9 triệu lượt khách
Nhà của Mén
Bảo vệ rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái
Lối về ấu thơ
Hành trình tìm lại chính mình trong thế giới nội tâm
Bảo tồn và phát huy giá trị hát ru của đồng bào các dân tộc Thanh Hóa
Phát triển du lịch cộng đồng ở Thành Lâm
“Chung đỉnh” là gì?
Đánh thức tiềm năng, lợi thế từ rừng để phát triển du lịch cộng đồng
Nhà sách Fahasa Lam Sơn - “điểm hẹn” mùa hè