(vhds.baothanhhoa.vn) - Cánh đồng sẽ lớn hơn khi cái đầu của chủ nhân cánh đồng rộng ra. Tôi nghe được điều đó từ một số chuyên gia nông nghiệp và lấy làm tâm đắc.

Cánh đồng phải lớn lên đúng nghĩa

Cánh đồng sẽ lớn hơn khi cái đầu của chủ nhân cánh đồng rộng ra. Tôi nghe được điều đó từ một số chuyên gia nông nghiệp và lấy làm tâm đắc.

Cánh đồng phải lớn lên đúng nghĩa

Ở Thanh Hóa, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, và sau 5 năm chúng ta đã có những cánh đồng được ví là “thẳng cánh cò bay”.

Tuy nhiên, theo cách mà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan từng nói, thì cánh đồng lớn dường như chưa “lớn” như mong đợi. Trên cánh đồng ấy, doanh nghiệp thì xoay xở bài toán khát vốn, liên kết thu mua; nông dân thì loay hoay tìm kiếm đầu ra ổn định. Rồi cứ mỗi mùa vụ lại tái diễn tình trạng “lật kèo”, hợp đồng liên kết bị phá vỡ khi thì do bên bán, lúc tại bên mua. Niềm tin vừa chớm nở ở mùa trước, lại mất đi chóng vánh ở mùa vụ tiếp theo. Chính quyền đôi khi ở vào tình thế khó xử, bất lực.

Tâm tư của người đứng đầu ngành nông nghiệp nước nhà ở tầm vĩ mô, nhưng tôi thấy thấp thoáng trên đồng đất làng mình. Một chủ tịch UBND xã từng rất hồ hởi mời tôi về trang trại của anh thăm và thưởng thức thành quả của một quá trình đầu tư nghiêm túc. Anh nói rằng, nhà báo cứ về đi để tận mắt chứng kiến, chỉ có dưa và cá thôi, nhưng toàn đồ sạch, ăn thoải mái.

Anh còn nhờ tôi mời một số người “trên tỉnh” về để cùng kiểm chứng. Tôi mừng cho anh, vì đã tiên phong sắm vai cán bộ đi trước để làng nước theo sau. Mỗi lần đi trên con đường liên xã qua cánh đồng có trang trại của anh tôi thấy một sự ấm áp toát lên, khi mà những giá trị vật chất hiện lên trên cả một đoạn đường dài. Nơi ấy có nhiều trang trại đã mọc lên sau thời gian kiên trì dồn đổi ruộng đất. Facebook của anh liên tục xuất hiện những thông tin vui về việc sản phẩm được xuất bán đi nơi nọ, nơi kia...

Sản lượng ngày càng nhiều hơn từ những cánh đồng lớn nhờ vào thủy lợi hóa, cơ giới hóa. Bẵng đi thời gian tôi không nhận được những tin mới, đến lần gần nhất tôi gặp anh thì biết anh đã cho thuê trang trại, và nghe đâu họ cũng đã chuyển nhượng sang tay thứ ba rồi. Những khó khăn trong liên kết sản xuất và tiêu thụ đã khiến cho trang trại của anh, lớn hơn là cánh đồng làng tôi không thể nào lớn lên được, đầu ra bí bách, nông sản nhiều phen phải kêu gọi giải cứu. Những HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đã ra đời ở nhiều địa phương, đóng vai trò liên kết nông hộ với doanh nghiệp. Ở quê tôi cũng thế, nhưng rồi nó vẫn rất khó để theo kịp sự “ẻo lả” của thị trường và thực dụng của không ít “nhà buôn”.

Chính Bộ trưởng Lê Minh Hoan từng nói rằng, để cánh đồng “lớn lên” cần có những HTX nông nghiệp kiểu mới được dẫn dắt bởi những người có đủ kiến thức thị trường, kỹ năng, quan hệ với doanh nghiệp. Tuy nhiên, vì tư duy của một bộ phận nông dân vẫn chưa thoát ra khỏi sự cổ hủ, nên dù cho nhiều HTX nông nghiệp ra đời, nhưng họ vẫn đứng ngoài, để làm theo kiểu của riêng mình. Lợi ích của cánh đồng lớn là rất rõ ràng, nhưng để vận hành thì cần phải có những cái đầu biết suy nghĩ rộng hơn.

Kiên định với mục tiêu cánh đồng lớn và để những cánh đồng lớn lên đúng nghĩa thì cần phải có nhiều “cái đầu” biết làm lớn, mà điều đó thì chưa dễ gì có ngay lúc này.

Hạnh Nhiên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]