(vhds.baothanhhoa.vn) - Mỗi hoạt động thiện nguyện đều có sức lan tỏa trong cộng đồng, thu hút đông đảo người dân tham gia. Tuy nhiên, đây cũng chính là “miếng mồi béo bở” để các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhằm chiếm đoạt tài sản.

Cảnh giác với chiêu trò trục lợi từ “lòng nhân ái”

Mỗi hoạt động thiện nguyện đều có sức lan tỏa trong cộng đồng, thu hút đông đảo người dân tham gia. Tuy nhiên, đây cũng chính là “miếng mồi béo bở” để các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhằm chiếm đoạt tài sản.

Thực trạng lừa đảo trên không gian mạng ngày càng biến tướng dưới nhiều hình thức khó lường. Dạo một vòng trên các hội nhóm mạng xã hội, dễ dàng bắt gặp hình ảnh cá nhân, tổ chức tự phát kêu gọi và chia sẻ thông tin hỗ trợ nạn nhân bệnh tật, tai nạn, giúp đỡ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, gia đình khó khăn, thậm chí mượn danh cả các nhà chùa, sư thầy để kêu gọi ủng hộ thông qua tài khoản ngân hàng.

Các đối tượng lừa đảo tự “vẽ” lên những câu chuyện lâm li bi đát, lay động lòng người nhưng trên thực tế những hình ảnh họ đăng tải là “cắt ghép, xào nấu” hình ảnh cũ được cóp nhặt đâu đó trên mạng mà đến chính họ còn chẳng biết người cần giúp đấy là ai, ở đâu, tên tuổi, gia cảnh thế nào.

Cảnh giác với chiêu trò trục lợi từ “lòng nhân ái”

Thông tin kêu gọi từ thiện được đăng tràn lan, khó kiểm chứng. (Ảnh chụp màn hình)

Mặt khác, để tăng thêm độ uy tín, phía dưới bài đăng họ đính kèm hình ảnh một số nhà hảo tâm đã thực hiện giao dịch chuyển khoản. Sau khi tiếp nhận tiền do những nhà hảo tâm ủng hộ, các đối tượng sẽ chiếm đoạt, đồng thời xóa bỏ dữ liệu hoặc hủy bỏ thiết bị. Nhiều nhà hảo tâm sẵn sàng bỏ tiền túi giúp đỡ người khác, người ít thì vài trăm, người nhiều đến cả tiền triệu nhưng lại chẳng thể ngờ được rằng “lòng tốt bị đặt nhầm chỗ”.

Sức hút của mạng xã hội giúp người dân tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, dễ dàng và tiện lợi. Từ đại dịch COVID-19, lũ lụt ở miền Trung đến gần đây vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội và vô vàn những hoạt động mang ý nghĩa nhân văn và sâu sắc khác. Nhiều hoạt động thiện nguyện đã được tổ chức như: “Vì người nghèo”, “Tất cả vì khúc ruột miền Trung”, “Áo ấm cho em”... thu hút người người, nhà nhà ủng hộ, quyên góp của cải vật chất để giúp đỡ những cảnh ngộ éo le này thông qua kênh truyền thông mạng xã hội.

Cảnh giác với chiêu trò trục lợi từ “lòng nhân ái”

Mạng xã hội như “con dao hai lưỡi” đòi hỏi người dân cần hết sức tỉnh táo trước những thông tin sai sự thật. (Ảnh minh họa)

Là một người thường xuyên tham gia, ủng hộ các chiến dịch thiện nguyện nhưng chị L - nhân viên văn phòng cũng không thoát được chiêu trò của các đối tượng lừa đảo: “Hôm đấy trong nhóm chợ cư dân tôi thấy có tài khoản T.K đăng tải thông tin kêu gọi từ thiện giúp cho một em học sinh có bố mắc bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Tài khoản T.K kêu gọi cộng đồng cư dân chung tay giúp đỡ bạn nhỏ bằng cách gửi tiền ủng hộ vào số tài khoản ngân hàng cho sẵn bên dưới và cam kết sẽ chuyển toàn bộ số tiền mọi người ủng hộ đến tay bố con bạn nhỏ kia. Tôi có nhắn tin riêng và chuyển khoản 500.000 đồng với mong muốn hỗ trợ một phần gia đình người bị bệnh trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Tuy nhiên, chưa đầy 3 giờ đồng hồ sau đó, bài đăng đã biến mất và số tiền của tôi có lẽ cũng chẳng đến được tay người nhận”, chị L bày tỏ.

Với thủ đoạn tương tự như trường hợp trên, tình trạng lừa đảo từ thiện qua mạng xã hội đã và đang diễn ra phức tạp. Vì vậy, mỗi người cần nâng cao cảnh giác, tỉnh táo trước các thủ đoạn kêu gọi từ thiện; tham khảo thông tin chính thống và đóng góp tiền ủng hộ tại những địa chỉ uy tín để đồng tiền đi đúng mục đích, lòng tốt được đặt đúng chỗ, giúp đúng người, đúng việc. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo cho ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.

Phú Lan


Phú Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]