(vhds.baothanhhoa.vn) - Hai ông bạn đồng niên, sau bao năm từ mái tranh quê nhà lên thị xã, rồi nay là thành phố lập nghiệp, sinh con đẻ cái. Thỉnh thoảng cuối tuần ghé lại thăm nhau, vừa là giải tỏa chuyện gia đình con cái, vừa để thông tin về bạn bè và những buồn vui thế sự.

Chuyện của hai người lính già

Hai ông bạn đồng niên, sau bao năm từ mái tranh quê nhà lên thị xã, rồi nay là thành phố lập nghiệp, sinh con đẻ cái. Thỉnh thoảng cuối tuần ghé lại thăm nhau, vừa là giải tỏa chuyện gia đình con cái, vừa để thông tin về bạn bè và những buồn vui thế sự.

Chuyện của hai người lính già

(Tranh minh họa)

- Cuối tuần ông lại gieo mấy luống rau ạ?

+ Cả tuần bận bịu trông cháu, cuối tuần 2 ông bà mới luyện tay chân được ông ạ? Mời ông đá cái chân chống xe xuống, vào đây làm ấm trà. Tôi vừa pha mà chờ mãi không có ai uống cùng.

- Mấy nay tình hình thế giới căng thẳng, ông có theo dõi không đấy?

+ Từ chuyện nhà thằng Huân con trai tôi đây. Nôm na là thằng hàng xóm định bắt tay với cái thằng mà thằng Huân rất ghét và hay cãi nhau để xây cái bể toa lét ngay cạnh bếp ăn nhà mình. Nếu thằng Huân mà để im là cả gia đình sẽ thối um. Nặng hơn là phải bán nhà đi chỗ khác. Chả nhẽ nó ngồi im chờ đợi và nhìn người ta ngang nhiên xây, hay là mặc kệ, chịu đựng được ngày nào thì được không thì cả nhà chuyển đi chỗ khác? Không được chứ, con giai mình to cao, trẻ khỏe hơn thằng hàng xóm. Thua thắng gì chưa biết, phải “đấu tranh” để con cháu mình được sống trong thơm tho, sạch sẽ.

- Cái ông này hay nhể. Từ chuyện quốc gia đại sự mà móc sang việc nhà mình. Tự hỏi, nhân loại có ngôn ngữ, hà tất gì không biết cách sử dụng sức mạnh của nó, lấy nhu thắng cương. Một vài giờ đàm phán để cứu lấy hàng chục, thậm chí hàng trăm sinh mạng không xứng đáng hơn sao. Chiến tranh là thứ man rợ nhất mà chúng ta đã phải chứng kiến và trải qua, ông còn nhớ không?

+ Cứ nhìn hình ảnh những người dân thường vô tội nơi đất nước xa xăm kia mà tôi buồn quá. Họ có quyền mưu cầu về một cuộc sống tốt đẹp chứ không phải ngày ngày lo kiếm nơi trú ẩn, tị nạn. Hôm qua, tôi xem một đoạn phim ngắn ghi lại hình ảnh người đàn ông hôn lên trán đứa con gái của mình trước khi vợ con anh dời đến nơi an toàn, không chiến sự. Rồi lại nhìn thấy bức ảnh 2 vợ chồng trẻ nhanh chóng làm lễ lại nhà thờ, và ngay sau buổi lễ đi thẳng đến trung tâm tình nguyện. Trong ngày cưới, họ vừa trở thành vợ chồng, vừa trở thành quân nhân. Họ cùng khoác lên mình cây súng với hai lời thề song song: chết với tư cách một người vợ - một người chồng, và chết với tư cách một người yêu nước. Cũng giống như bao câu chuyện ngày xưa của thế hệ mình. Vợ chồng tuổi mới lớn, hai gia đình gán ghép cho rồi vội vã kết hôn để một người nhập ngũ. Ngày cưới còn rụt rè cầm tay nhau, chưa có một đêm trọn vẹn. Sáng hôm sau, kẻ khoác ba lô lên đường ra chiến trường, kẻ ở lại, vừa cáng đáng cả việc nước lẫn việc nhà, vừa lo lắng chờ tin người chồng phương xa tử trận. Chiến tranh đâu phải trò đùa, chỉ nghe thấy hai chữ “Chiến tranh” tôi đã rùng mình. Thế nên tôi vừa nhẹ nhàng nhắc thằng Huân: Đó, chuyện mối quan hệ hàng xóm, láng giềng là phải khéo léo. Cha ông mình có câu "Bán anh em xa mua láng giềng gần”. Chuẩn, quá chuẩn, ông nhỉ?

- Thế hệ chúng mình đi qua chiến tranh mới thấu hiểu cái chết và sự sống. Tất cả mọi cuộc xung đột, chiến sự đều do kẻ mạnh điều khiển, áp đặt lên kẻ yếu thế. Nhưng điều tôi sợ nhất hiện nay là nhiều người trẻ, họ chưa hiểu hết mất mát của chiến tranh, họ không cảm nhận đủ đầy giá trị của bình yên. Họ có vẻ khá hả hê về bên nọ bên kia, nguyên nhân thế nào? Thôi, ông ạ, nói một hồi mà vết thương của tôi lại nhói lên. Ông cũng lựa lời khuyên thằng Huân nhé, giữ hòa khí, mỗi người nhún một tí...

+ Tôi chỉ cầu mong mãi bình yên thế này. Để những buổi sáng cuối tuần tôi và ông còn được ngồi với nhau uống ngụm trà và kể cho nhau nghe vài ba câu chuyện ngày xưa ơi là xưa.

- Thôi, tôi về nhé, ông nhanh nhanh trồng xong luống rau rồi nghỉ đi, không mai lại kêu đau lưng đấy.

CHI ANH


CHI ANH

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]