(vhds.baothanhhoa.vn) - Đồng nghiệp của tôi kể rằng, trong chuyến đi thực tế vùng cao chị gặp một bà mế bán mèo và mật ong rừng ở bến sông. Chị hỏi mèo có bắt được chuột không, mế bảo chuột thì tao chưa thấy, nhưng gà con thì phát một.

Để lòng tin không còn “đánh cắp”

Đồng nghiệp của tôi kể rằng, trong chuyến đi thực tế vùng cao chị gặp một bà mế bán mèo và mật ong rừng ở bến sông. Chị hỏi mèo có bắt được chuột không, mế bảo chuột thì tao chưa thấy, nhưng gà con thì phát một.

Để lòng tin không còn “đánh cắp”

Mèo mà bắt gà thì nuôi làm gì. Mế già thấy gì nói nấy cho thấy rất đáng tin. Đồng nghiệp của tôi hỏi mua mèo thực ra chỉ là muốn thử lòng người bán hàng, chứ sức đâu mà đưa con mèo về xuôi. Mục đích của chị là muốn mua mật ong rừng. Chị đã có sự phòng vệ bằng việc thử lòng bà mế và sau khi sự phòng vệ có câu trả lời, chị đã tin tưởng mua hết số mật ong mà không biết rằng bà mế ấy đã mượn sự chân thật của đồng bào vùng cao để làm mồi nhử bán thứ hàng giả. Chỉ chưa đầy tháng sau, những chai mật kia đã chuyển màu và đổi vị. Chị đã rất cảnh giác, nhưng rồi vẫn bị lừa khiến lòng tin bị tổn thương.

Cách đây khoảng mươi ngày, Chương trình chuyển động 24h trên VTV1 phát một phóng sự điều tra tình trạng lợi dụng lòng tin của khán giả để bán thực phẩm chức năng và nam dược. Kẻ cơ hội đã thuê người vào những vai diễn là bệnh nhân nặng, thậm chí vô sinh, chỉ đến khi uống thuốc do chúng bán mới khỏi bệnh, khiến nhiều người cả tin là thật mà mua hàng. Cho đến khi phóng viên vào cuộc những bệnh nhân giả này mới lộ ra chân tướng. Họ hoàn toàn là người bình thường, được trả công 300.000 đồng cho một lần xuất hiện trước máy quay để nói ra những lời trong kịch bản.

Câu chuyện lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng càng ngày càng trở nên phức tạp và rất tinh vi. Trên thị trường nhiều người đã đưa ra cam kết hàng hóa là nông, thổ sản chính hiệu và họ là nông dân đang bán sản phẩm do mình làm ra. Cam kết được viết bằng những chữ sai lỗi chính tả, hoặc người bán cố tình nói những câu có tính phương ngữ để đánh lừa người mua tin rằng họ là nông dân bản địa chính hiệu.

Sự nhốn nháo của thị trường ở nhiều nơi, nhất là trên các sàn thương mại điện tử thời gian gần đây đã làm cho nhiều sản phẩm chính hiệu phải chịu thiệt thòi. Để ứng phó với tình trạng giả mạo, nhiều người sản xuất chân chính đã phải phòng vệ một cách tự phát rất buồn cười và cho thấy cả sự tội nghiệp.

Tôi biết chủ một trang trại nuôi vịt trời, ngoài việc đầu tư để có vịt trời thương phẩm chất lượng, còn phải làm cái việc không đành chút nào, là viết ra một bảng thông báo cam kết bán vịt trời thật 100% kèm địa chỉ, số điện thoại liên hệ và để tạo lòng tin anh còn dán cả bức ảnh của mình vào đó cắm bên con đường liên huyện. Anh làm thế vì sản phẩm vịt trời thời điểm ấy bị nhiều người bán trà trộn vịt nhà làm người tiêu dùng mất lòng tin, vịt của anh rất khó tiêu thụ.

Từng có câu chuyện kể về lão quan lang tham lam bị anh nông dân lừa bán cho đàn vịt trời, đến cuối ngày vịt bay đi để lại lão quan lang với sự hậm hực.

Thực ra, vịt trời là loại thiên cầm có thật, nhưng câu chuyện anh nông dân lừa bán vịt trời cho lão quan lang lại không có thật, nó chỉ được người xưa ngụ ngôn hóa để trở thành câu chuyện mang tính răn đời. Trong cuộc sống khi có những thứ mua bán gian dối thường được người ta lấy con vịt trời ra để ví von. Thế nhưng khi mà cái sự răn dạy ấy không còn cảnh báo được lòng tham, góp phần ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức trong kinh doanh nữa, thì đến con vịt trời còn bị gian thương giả mạo, trà trộn để lừa lọc khách hàng, quả là một sự lo lắng.

Thị trường với vô số vàng - thau lẫn lộn đang cho thấy ít nhiều sự lộng hành của kẻ cơ hội. Dù chúng ta đã có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và ngày 15 - 3 hàng năm được lấy làm Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam với nhiều hoạt động truyền thông nhằm thay đổi nhận thức, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cả cơ quan quản lý thị trường và mỗi người tiêu dùng, nhưng dường như vẫn chưa tạo ra sức mạnh thực tế để ngăn chặn sự bất chấp và táng tận của những kẻ cơ hội. Người tiêu dùng vẫn phải tiêu dùng trong sự bất an.

Hơn lúc nào, người tiêu dùng khát khao cơ quan chức năng nỗ lực hơn nữa và mỗi người dân cũng phải cẩn trọng, tinh tường để trở thành người tiêu dùng thông thái.

Lam Vũ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]