(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong cuộc điện thoại sáng nay, mẹ tôi không quên “thông báo” về việc cháu họ dưới quê trượt 2 nguyện vọng đầu, nó đang buồn lắm vì không vào đúng trường đại học yêu thích. Chẳng biết khuyên nhủ gì, tôi phải “buông” một câu đùa rất… nhạt: “Đến thủ khoa còn trượt nguyện vọng 1 mẹ ạ”.

Khi thủ khoa vẫn phải…

Trong cuộc điện thoại sáng nay, mẹ tôi không quên “thông báo” về việc cháu họ dưới quê trượt 2 nguyện vọng đầu, nó đang buồn lắm vì không vào đúng trường đại học yêu thích. Chẳng biết khuyên nhủ gì, tôi phải “buông” một câu đùa rất… nhạt: “Đến thủ khoa còn trượt nguyện vọng 1 mẹ ạ”.

Khi thủ khoa vẫn phải…

Ảnh minh họa.

Câu chuyện 2 em thủ khoa tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), có số điểm 29,35 cùng đặt nguyện vọng và cùng trượt nguyện vọng 1 ngành Khoa học máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội chỉ vì thiếu 0,07 điểm khiến dư luận không khỏi bất ngờ.

Lý giải điều này, đại diện Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: Đây là ngành “hot” nhưng chỉ tiêu theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp lại không nhiều. Năm nay, ngành Khoa học máy tính tuyển 300 sinh viên, chiếm chưa đến 4% tổng chỉ tiêu toàn Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong khi đó, trường đã tuyển được số lượng lớn sinh viên vào ngành này theo các phương thức khác như xét tuyển tài năng hay dựa vào kỳ thi đánh giá tư duy. Điều này đẩy điểm chuẩn xét theo điểm thi tốt nghiệp lên trên 29.

Năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển 7.985 sinh viên. Trong đó, 15 - 20% chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển tài năng, 85 - 90% xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT và đánh giá tư duy do trường tổ chức. Vậy mới thấy, cánh cửa vào trường đại học theo sở nguyện, đâu phải dễ dàng!

Tôi lại nhớ đến chị hàng xóm. Con gái chị năm nay cũng vào đại học. Khi cháu biết điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học, xung quanh nhiều người chúc mừng, bảo với điểm số ấy, vào trường nào chẳng được. Nhưng chị hàng xóm vẫn… cẩn trọng, bảo: “Cũng lo lắm”. Xem ra, với sự “khắc nghiệt” và cả chút “may - rủi” đến mức thủ khoa còn trượt như vậy, không lo sao được.

Dù đại học không phải con đường duy nhất, song đó vẫn là con đường được cho là tốt nhất để dẫn bước đến tương lai tươi sáng. Đặc biệt, tấm vé vào những trường đại học được đánh giá là “top” đầu, quả thực chưa bao giờ là dễ dàng.

Nhìn lại những năm gần đây, việc xét tuyển đại học bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT đã khiến trong dư luận có nhiều ý kiến trái chiều. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT trong các năm gần đây trên cả nước là 98,57%, riêng đối với thí sinh hệ THPT đạt 99,16%. Tổ chức một kỳ thi tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng chỉ để loại ra không đầy 2% thí sinh trượt, liệu có còn thực sự cần thiết? Trong khi nhiều trường đại học còn sử dụng phương thức xét học bạ để tuyển sinh. Chưa kể, điểm số được công bố sau mỗi kỳ với rất nhiều điểm 10, điểm 9 cũng khiến nhiều người hoài nghi?! Nhất là khi đã từng có những gian lận bị phát hiện.

Vẫn biết, phương thức tuyển sinh nào cũng sẽ khó tránh khỏi những bất cập. Trước đây chúng ta lên tiếng về việc bỏ kỳ thi đại học, thay vào đó là để các trường tự tổ chức, tự chủ tuyển sinh. Giờ đây, một kỳ thi tốt nghiệp đại trà, rất khó để phân loại học sinh, buộc các trường để đạt được chất lượng tuyển sinh đầu vào như mong muốn, lại phải thêm các tiêu chí xét tuyển.

Quay lại câu chuyện của hai bạn thủ khoa nói trên, dẫu ngậm ngùi, nhưng đó là “cuộc thi” mà có lẽ, các em cũng đã có sự chuẩn bị tinh thần. Đại học, cũng như hầu hết các cuộc thi được tổ chức, khi tham gia, có nghĩa mỗi người đều phải chấp nhận kết quả - theo quy định.

BẢO ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]