(vhds.baothanhhoa.vn) - “Tín dụng đen” có thể hiểu là hình thức tín dụng phi chính thức và gây rối loạn, kìm hãm sự phát triển của xã hội. Tại Thanh Hóa, ngoài vấn nạn “chơi hụi” còn song hành nhiều dạng thức “tín dụng đen” khác nhau như vay nặng lãi, vay lãi ngày, lãi tháng, huy động gửi tiết kiệm... với cái “bẫy” hứa hẹn, không cần thế chấp, lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhức nhối vấn nạn tín dụng đen (Kỳ 2): Muôn dạng tồn tại của “bẫy” tín dụng đen

“Tín dụng đen” có thể hiểu là hình thức tín dụng phi chính thức và gây rối loạn, kìm hãm sự phát triển của xã hội. Tại Thanh Hóa, ngoài vấn nạn “chơi hụi” còn song hành nhiều dạng thức “tín dụng đen” khác nhau như vay nặng lãi, vay lãi ngày, lãi tháng, huy động gửi tiết kiệm... với cái “bẫy” hứa hẹn, không cần thế chấp, lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh.

Từ công khai cho “vay nặng lãi”

Bất kỳ ai chỉ cần trên tay một chiếc điện thoại có chức năng truy cập internet, một chiếc máy tính bảng, máy tính xách tay... là có thể dễ dàng tìm đến, tiếp cận lựa chọn tham gia vào một loại hình “tín dụng đen” bất kỳ. Cụ thể, nếu bạn có nhu cầu muốn vay vốn, chỉ cần gõ cụm từ “vay lãi suất thấp tại Thanh Hóa”, hoặc “vay lãi nóng” kết quả từ Google sẽ cho bạn cả nghìn kết quả khác nhau như: “Vay không thế chấp tại Thanh Hóa sđt: 0989.975.xxx”; “vay tiền nhanh tại Thanh Hóa - Dịch vụ cho vay”; “Vay tiền nhanh tại Thanh Hóa, giải ngân nhanh, lãi thấp”; “cho vay tiền nóng gấp tại Thanh Hóa chỉ cần CMTND”... thậm chí còn phổ biến trên các trang mạng xã hội thông dụng như facebook, zalo, tickwin... nếu như bạn có nhu cầu vay vốn, cũng chỉ mất chưa đầy 3 giây sau một cú điện thoại với những lời lẽ tư vấn chi tiết.

Ngoài việc rêu rao tràn lan trên mạng, trên bất kỳ một tuyến phố nào tại TP Thanh Hóa (đường Lê Lai, Tống Duy Tân, trục QL 1A đoạn cầu Quán Nam, Hải Thượng Lãn Ông...) đâu đâu chúng tôi cũng dễ dàng bắt gặp những tờ rơi cho vay tín chấp, lãi suất thấp nhưng thực chất đó là những “cái bẫy” được công khai trưng dán trên các trụ cột điện, gốc cây, tường vỉa hè, thậm chí trên hộp tăm đũa trong các nhà hàng, quán ăn... Phần nhiều các tổ chức tín dụng trên đều không phép, núp bóng dưới các hình thức kinh doanh, cầm đồ...

Dịch vụ cho vay trả góp không cần tín chấp được công khai treo dán ở mọi nơi.

Lần theo địa chỉ một tờ rơi dán trên cột điện đường Trần Phú, TP Thanh Hóa, chúng tôi trực tiếp gọi điện tới số điện thoại 0966.389.xxx trong vai một công nhân cần vay vốn giải quyết chuyện gia đình. Sau tiếng chuông điện thoại, lập tức chúng tôi được một người đàn ông tư vấn, với các mức ưu đãi nếu như chúng tôi đến với họ. Điều kiện đơn giản như chỉ cần CMTND, hộ khẩu thường trú là chúng tôi có thể lấy tiền ngay, mức vay không giới hạn. Khi chúng tôi hỏi về lãi suất tính thế nào? thì người đàn ông này từ chối tư vấn qua điện thoại, hẹn chúng tôi đến tại chỗ. Tiếp tục lần theo địa chỉ số điện thoại 966.389.xxx tại phường Phú Sơn, trước mắt chúng tôi lại là một cửa hàng cầmđồ, sửa chữaxe máy?!

Một hộ dân nơi đây cho biết: “Họ cho vay ban đầu với lãi suất thấp, nhưng càng về sau lãi sẽ tăng chóng mặt, chớ có vào đó họ có camera ghi lại hình ảnh, không cẩn thận bị trả thù như chơi, toàn đàn anh, đàn chị cả”.

Trong khi đó, tại các khu dân cư đông đúc gần Trường Đại học Hồng Đức cơ sở 1, 2; trường Cao đẳng Y tế;... thực trạng ghi nhận rất nhiều tờ rơi quảng cáo cho vay trả góp được ghi ngắn gọn với số điện thoại, điều kiện không thế chấp, thủ tục đơn giản, giải ngân trong ngày, yêu cầu chứng minh thư, hộ khẩu, hoặc thẻ sinh viên, thậm chí không ít trong số đó là những điểm cho vay “núp bóng” dưới vỏ bọc tiệm cầm đồ, quán sửa chữa mua bán điện thoại cũ... hoạt động cho vay chui, không phép.

Theo số liệu thống kê hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng trên dưới 120 công ty, cơ sở kinh doanh dịch vụ tài chính. Bên cạnh những cơ sở hoạt động chính thống, còn nhiều cơ sở lợi dụng chính sách pháp luật của Nhà nước để hoạt động trá hình, cho vay lãi nặng, mua bán, thế chấp trái quy định. Chính sự tồn tại của các cơ sở “tín dụng bất hợp pháp” này đã và đang làm phát sinh nhiều loại hình tội phạm siết nợ, đòi nợ thuê; cưỡng đoạt tài sản...

Đến muôn kiểu đòi nợ thuê

Điều khiến dư luận bức xúc là những tổ chức tín dụng đen thường gắn với những thủ đoạn đòi nợ, siết nợ tàn bạo, thậm chí còn hình thành những công ty đòi nợ thuê thách thức dư luận... Một khi người dân đã vướng vào các tổ chức “tín dụng đen” với mức lãi suất “cắt cổ” không có khả năng thanh trả thì người vay phải đối mặt với những hình thức siết nợ. Ban đầu chủ nợ cho giang hồ xăm trổ tìm đến nói chuyện nhẹ nhàng nếu không trả nợ theo lãi suất thì chuyển sang nhắn tin, gọi điện liên tục, dọa nạt và némmắm tôm, chất thải vào nhà...

Trường hợp hộ bà T. trú tại phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa. Vì con cái vướng vào vay nợ lãi của tín dụng đen mà một gia đình êm ấm với ba thế hệ phải “đóng cửa, cài then” lẩn trốn đi nơi khác. Hộ bà S. nhà đối diện bức xúc: “Không rõ gia đình con cái bà T. chuyển đi đâu, nhưng kể từ khi vướng vào nợ lãi gia đình bà T. không thấy về nhà, con cháu cũng không đến trường. Trái lại, thỉnh thoảng lại có một vài thanh niên xăm trổ ghé thăm, ném mắm tôm chất bẩn vào nhà. Vừa ô nhiễm hàng xóm, chúng rồ rú ga liên tục gây mất trật tự an ninh khu phố”.

Trường hợp ông L.Đ.K, từ cuối tháng 8/2018 gia đình liên tục bị các đối tượng dùng chất bẩn ném vào nhà lúc đêm và rạng sáng, có những hôm bị ném 2 đến 3 lần khiến cuộc sống gia đình đảo lộn. Bức xúc và hoang mang, lo sợ gia đình ông K. đã gửi đơn đến Công an TP Thanh Hóa cầu cứu.

Gần đây, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá thành công tổ chức tín dụng đen “Công ty tài chính Nam Long” hoạt động tại 63 tỉnh thành trên toàn quốc. Thủ đoạn hoạt động đòi nợ của công ty này vô cùng chuyên nghiệp. Nhân viên trong công ty được huấn luyện bằng cách cầm tay chỉ việc, đưa ra cách xử lý tình huống đòi nợ khi gặp khách hàng chống trả, tấn công yêu cầu nhân viên không bỏ chạy, không dùngvũ lực mà tìm cách chuyển hóa tiền vay của khách hàng quá hạn bằng cách tố cáo với cơ quan công an dưới dạng “đơn vu khống”, “đơn trình báo”...

Mặc dù quy chế của công ty này được xây dựng theo hướng không dùng bạo lực để đòi nợ nhưng thực tế lại khác, việc sử dụng cách thức đe dọa bạo lực, thậm chí sẵn sàng sử dụng bạo lực như gây rối, cưỡng chế khi cần thiết. Đơn cử trong vụ án về công ty tài chính Nam Long, trường hợp ông Trần Văn K. (TP Cà Mau) do nộp chậm số tiền lãi đã bị hai đối tượng Thắng và Long của công ty này đe dọa, gây gổ, quấy rối trật tự. Hoặc trường hợp của chị Triệu Thị D. (Can Lộc, Lạng Sơn) do chưa kịp xoay trả lãi, công ty Nam Long đã cử 11 người đi 2 xe ô tô đến trang trại nhà chị để đòi nợ, bắt đi 21 con lợn, 21 con dê... siết nợ...

Một thực tế cho thấy, việc người dân cho vay hoặc vay các tổ chức tín dụng đen, một khi xảy ra tranh chấp, cơ quan pháp luật sẽ khó có thể bảo vệ, bởi giao dịch chủ yếu là những thỏa thuận bằng miệng hay giấy viết tay thiếu cơ sở pháp lý.

Sơn Đình


Sơn Đình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]