(vhds.baothanhhoa.vn) - Vài năm trước, tôi quen chủ một doanh nghiệp mới nổi. Trong một số cuộc trà, thứ khiến tôi chú ý đến anh là tinh thần cầu thị. Anh nói rằng, vốn có thể vay, kinh nghiệm thì tích lũy dần, nhưng kiến thức pháp luật thì phải có ngay tức thì. Không có kiến thức pháp luật thì khó làm ăn và dễ thua thiệt lắm.

Pháp lý cho doanh nghiệp

Vài năm trước, tôi quen chủ một doanh nghiệp mới nổi. Trong một số cuộc trà, thứ khiến tôi chú ý đến anh là tinh thần cầu thị. Anh nói rằng, vốn có thể vay, kinh nghiệm thì tích lũy dần, nhưng kiến thức pháp luật thì phải có ngay tức thì. Không có kiến thức pháp luật thì khó làm ăn và dễ thua thiệt lắm.

Pháp lý cho doanh nghiệp

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Tôi đánh giá cao suy nghĩ của anh, đó là doanh nghiệp làm ăn trong một xã hội phát triển phải dựa vào pháp luật. Tôi đem câu chuyện ấy nói với vài doanh nhân khác mà tôi biết, nhưng họ chỉ cười.

Có lần tôi được dự một hội nghị về hỗ trợ kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp do cơ quan tư pháp và hiệp hội doanh nghiệp phối hợp tổ chức cho các doanh nghiệp thành viên. Đó là một hội nghị phổ biến pháp luật khá quan trọng, có chuyên gia pháp luật của Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương và VCCI vào truyền đạt. Tôi nhìn rất kỹ, thấy không có nhiều doanh nhân là chủ doanh nghiệp mà tôi biết. Những gương mặt trong hội trường rất xa lạ. Tôi đồ có lẽ đó là những nhân viên phụ trách mảng pháp lý của doanh nghiệp. Họ sẽ có trách nhiệm lĩnh hội để về báo cáo, tham mưu cho chủ doanh nghiệp. Tôi rút máy hỏi chủ doanh nghiệp mà tôi luôn có tình cảm trong mấy năm qua là vì sao không đi dự hội nghị. Anh ậm ừ một hồi rồi như chợt nhớ ra rằng đã nhiều lần anh nói với tôi về tầm quan trọng của pháp luật đối với doanh nghiệp như thế nào, nên anh lấy lý do nhà có việc đột xuất.

Mấy lần sau ở những hội nghị tương tự, tôi vẫn không thấy anh. Tôi mượn danh sách đăng ký tài liệu và cố tìm vẫn không nhìn thấy dòng tên doanh nghiệp của anh. Tôi khẳng định chẳng có ai đại diện cho doanh nghiệp của anh tham gia hội nghị như anh nói là đã cử cấp phó của mình đi cả. Tôi nhạt dần niềm tin với một doanh nhân mà mình từng kính trọng.

Rồi một ngày tôi nghe nói doanh nghiệp của anh vướng vào thương vụ làm ăn và bị kiện tụng gì đó với một doanh nghiệp khác. Anh gọi điện cầu cứu xem tôi có thể đưa vụ việc này lên báo được không? Tôi hỏi về mức độ đúng sai, thì anh cho biết đến giờ anh cũng không biết mình sai như thế nào. Tôi lắc đầu khuyên anh nên tìm đến luật sư. Anh bảo đã làm việc ấy nhưng giá mà luật sư đề nghị rất khó để thực hiện. Tôi chỉ biết động viên anh hãy cố lên để vụ việc không đi quá xa. Tôi nghĩ thầm giá như anh ứng xử với pháp luật như anh từng nói, có lẽ anh đã tránh được kiếp nạn này.

Qua câu chuyện của anh khiến tôi đặt ra câu hỏi rằng, liệu có bao nhiêu điều là thật trong câu chuyện mà những doanh nhân quen biết đã nói với tôi? Nhất là những cam kết về sự làm ăn nghiêm túc, chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh.

Bây giờ quy định của pháp luật ngày càng nhiều và chặt chẽ hơn. Đâu còn chỗ để cho doanh nghiệp làm ăn tùy tiện và bất chấp. Rất nhiều doanh nghiệp đã chọn cho mình những luật sư riêng hoặc biên chế chuyên gia pháp lý trong bộ máy nhân sự của họ. Những hội nghị mà Nhà nước cấp kinh phí để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chính là hướng tới mục đích để doanh nghiệp có kiến thức pháp luật sản xuất, kinh doanh đúng với quy định. Thế nhưng vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp xem nhẹ điều đó, giữa nói và làm, giữa nhận thức và hành động pháp luật còn khoảng cách quá xa. Những mất mát của doanh nghiệp mà tôi đã đề cập ở trên sẽ là bài học để chủ doanh nghiệp nhìn nhận lại mình và doanh nghiệp khác nhìn vào. Bây giờ, để tồn tại doanh nghiệp phải đi bằng hai chân. Vừa sản xuất, kinh doanh tốt vừa có kiến thức pháp luật thì mới có thể không trở nên trắng tay bất cứ lúc nào.

Lam Vũ


Lam Vũ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]