Chợ quê đã vơi bớt “chân quê”
Với những người sinh ra từ làng, gắn bó với làng, thì chợ quê là một mảng ký ức thân thương, bình dị mà lưu luyến mãi không quên.
Chợ quê (minh họa)
Ở đó, người bán và người mua biết nhau rành rẽ đến mấy đời. Đi chợ mua hàng thì nhanh mà chào hỏi, chuyện này chuyện kia một lượt là xem như hết ngày vì gặp ai cũng thấy thân, quen, niềm nở hết thảy.
Nhiều mặt hàng bán buôn cũng còn vương bùn, đất của làng. Như gánh hàng rau của bà cụ Tâm không chỉ là sản phẩm từ mảnh vườn nhỏ ngay bên hông nhà bà đấy thôi. Không ra chợ mua thì nhỡ bữa, hàng xóm láng giềng cũng chạy qua xin được.
Rồi ngô nếp nhà bà Chiến đang bán kia, bà tận dụng đất trống ở cái ao mới lấp để trồng, cái chính là phục vụ nhu cầu của gia đình, ăn không xuể thì mang ra chợ bán.
Kể cả mấy hàng thịt lợn ở khu thực phẩm, tuy không phải họ trực tiếp nuôi nhưng sáng nào nhà đấy mổ lợn mà cả khu xung quanh đó không biết. Lợn nó kêu eng éc từ 2-3 giờ sáng, tiếng xe máy chạy, tiếng loảng xoảng dao, thớt... Nghĩa là không biết nguồn gốc con lợn được nuôi ở đâu, quy trình nuôi thế nào nhưng chí ít cũng biết nhà đó có làm nghề thật chứ không phải là tay buôn lại.
Một trong những điều thú vị nhất khi mua hàng ở chợ quê, đó là niềm tin. Tin tưởng và tin yêu. Tin tưởng vì mình mua hàng của những người trong làng, trong xã, “biết mặt nhau cả”, chẳng ai nỡ “bán điêu” cho mình. Tin yêu vì mấy người bán hàng nào có phải ai xa lạ.
Cô bán vịt là mẹ của bạn học cũ của tôi hồi cấp 2, trước đến nhà chơi suốt rồi. Chị bán thịt lợn thì lại càng thân quen hơn nữa, ở ngay cùng xóm, cách nhà mình có đặng mấy bước chân. Còn con bé bán rau, lúc nào mua hàng cũng chị chị em em hỏi han thân tình, chuyện trò rôm rả, chả nhẽ lại bán buôn mất uy tín với mình... Thế đó, niềm tin và niềm yêu luôn thường trực trong tâm niệm. Tin - yêu đến mức dẫu đã lấy chồng ở xã khác nhưng chiều chiều vẫn cứ vòng lại chợ quê mình để mua hàng cho “yên tâm”.
Tuy nhiên, càng ngày trải nghiệm càng nhiều, đi chợ càng nhiều và va vấp càng nhiều, tôi dần hiểu rõ thế nào là “thương trường”, dẫu đó chỉ là trong phạm vi của cái chợ quê tôi.
Khi tôi hí hửng lượn một vòng chợ và dừng chân ở chỗ bán hải sản. Chị bán hàng niềm nở: “Mua đi em, tôm nay chắc lèn, tươi xanh”. Tôi nhìn một lượt, thò tay lật qua lật lại con tôm và chốt giá.
Chị bán hàng tươi cười: “Mày là con mẹ Nụ đúng không? Mẹ mày cũng hay mua chỗ chị lắm!”. Tôi cười, chị chủ động bớt giá cho tôi: “Đây, chả mấy khi con mẹ Nụ đi chợ, chị lấy rẻ đấy nhé. Qúy lắm chị mới bớt chứ không lãi lờ bao nhiêu cả”.
Tôi thích lắm, nghĩ chẳng nơi đâu bằng chợ quê mình. Hí hửng về nhà, khoe với mẹ, mẹ tôi nhìn mấy con tôm, gắt: “Tôm ươn sũng, xổ đầu cũng mua”. Tôi phân trần: “Ủa, cô gì mẹ hay mua hàng bảo tôm tươi lắm, còn bớt giá cho con mà”. Mẹ tôi bật “chế độ loa phát thanh”: “Cô nào? Cô nào mà hay mua? Con chỉ chỗ cho mẹ, mẹ mang ra trả hàng”. Tôi hơi bực, bảo mẹ thôi đi, chỉ là mấy con tôm thôi mà, lần sau không mua hàng đấy nữa là được. Tôi nói thế nhưng lòng buồn, thất vọng.
Một lần, tôi đi làm về sớm, tiện đi vào chợ lượn lờ mua thức ăn cho bữa tối. Chị chủ quầy thịt lợn gọi với lại: “Nguyên ơi, mua gì nào. Đi làm về muộn thế”. Chị ấy cùng xóm, cách nhà tôi mấy bước chân. Tôi ghé lại quầy, chọn mua cái chân giò đã thui sẵn, định bụng nấu món giả cầy.
Hai chị em chuyện đủ thứ chuyện, cười nói rôm rả. Chị khen con bé nhà tôi xinh, sau gả cho con trai chị để kết thông gia nhé. Tôi thì vâng, dạ cười tít mắt. Mua đồ xong, nghĩ bụng còn sớm, ghé qua nhà chơi với bố mẹ một chút.
Mẹ tôi nhìn thấy cái chân giò treo trên xe, hỏi: “Con mua của ai đấy. Chợ chiều rồi còn mua thịt làm gì. Muốn ăn, sáng nhắn mẹ mua cho”. Tôi bảo “chợ quê mình họp cả sáng, chiều, tối om còn mua được hàng thì lo gì. Chân giò con mua của chị Mận, mẹ yên tâm”.
Mẹ tôi lại quát: “Con này không biết gì hết ấy. Thịt nhà con Mận toàn bộ là thịt từ hôm qua, chứ sáng nay nhà nó đi đám cưới, có làm hàng đâu. Mày đưa mẹ xem”. Nói rồi mẹ tôi xăm xăm cầm lấy cái chân giò, cáu kỉnh thấy rõ. Mẹ tôi bảo: “Mai mẹ ra mẹ nói cho con Mận biết. Chị em trong xóm, đi ra đi vào đụng mặt mà cư xử thế”. Tôi nói mẹ kệ đi, tại mình không sành mua bán. Tôi lại một lần nữa buồn và thất vọng.
Những câu chuyện tương tự như thế còn dài nữa, mà thiết nghĩ kể thêm cũng lại thêm một lần không vui. Nên bây giờ, tôi không còn chấp niệm với chợ quê, không nhất nhất mua gì cũng quay đầu xe đi về phía chợ nữa. Tôi không còn ngây ngô đặt niềm tin vào những điều mình không chắc chắn. Khi đi chợ, tôi bớt chuyện trò, cười nói mà tập trung hơn vào việc mua hàng (cười). Tôi cố gắng tự mình trau dồi thêm kinh nghiệm, kĩ năng đi chợ để không bị qua mặt một cách quá dễ dàng, cốt yếu là để mình không bị buồn. Cuộc sống mà, chẳng có điều gì là bất biến nên mình cũng phải học cách trưởng thành hơn.
Hoàng Linh
{name} - {time}
-
2024-11-15 07:29:00
Xác định rõ nghĩa vụ
-
2024-11-10 07:22:00
Vỡ hụi - Chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”
-
2024-10-25 08:14:00
Nghệ sĩ và cuộc đối diện với AI