(vhds.baothanhhoa.vn) - Tiên Hòa là 1 trong 6 ngôi làng của xã Hà Lĩnh (Hà Trung). Nơi đây được biết đến là ngôi làng cổ còn lưu giữ được nhiều giá trị lịch sử - văn hóa tiêu biểu, độc đáo. Trong đó, đình làng Tiên Hòa đã có lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm. Giữa nhịp sống hiện đại, đình làng Tiên Hòa vẫn luôn được các thế hệ người dân nơi đây chung tay góp sức, nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị.

Chung tay bảo tồn và phát huy giá trị đình làng Tiên Hòa

Tiên Hòa là 1 trong 6 ngôi làng của xã Hà Lĩnh (Hà Trung). Nơi đây được biết đến là ngôi làng cổ còn lưu giữ được nhiều giá trị lịch sử - văn hóa tiêu biểu, độc đáo. Trong đó, đình làng Tiên Hòa đã có lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm. Giữa nhịp sống hiện đại, đình làng Tiên Hòa vẫn luôn được các thế hệ người dân nơi đây chung tay góp sức, nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị.

Đình làng Tiên Hòa có diện tích khoảng hơn 200m2, tọa lạc ở vị trí trung tâm của làng. Con sông Bồng Khê chảy trước mặt ngôi đình như tô điểm thêm cho cảnh sắc nơi đây thêm hữu tình. Theo cuốn sách “Lịch sử truyền thống và cách mạng xã Hà Lĩnh”, ngôi đền được xây dựng cách đây hàng trăm năm.

Chung tay bảo tồn và phát huy giá trị đình làng Tiên Hòa

Dù trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đình làng Tiên Hòa vẫn lưu giữ được khá nguyên vẹn kiến trúc truyền thống

Đình làng Tiên Hòa thờ Cao Sơn đại vương – Thành hoàng của làng. Cao Sơn đại vương là một trong Tam vị Tản viên sơn thánh. Vị thần này được thờ phụng ở nhiều nơi trong cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Chung tay bảo tồn và phát huy giá trị đình làng Tiên Hòa

Hoa văn chạm khắc tỉ mỉ, đẹp mắt, nổi bật trên kiến trúc gỗ của ngôi đình.

Đình làng có 5 gian với 6 vì kèo kết cấu theo kiểu chồng rường kẻ bẩy. Đình có 12 cột lớn, 12 cột quân. Các họa tiết, hoa văn trang trí được chạm khắc tỉ mỉ, tinh tế là một trong những điểm nhấn đặc sắc trong kiến trúc, mỹ thuật đình làng. Với những nét đặc sắc, tiêu biểu ấy, đình làng Tiên Hòa được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh vào tháng 9/2012.

Chung tay bảo tồn và phát huy giá trị đình làng Tiên Hòa

Đình làng Tiên Hòa được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh năm 2012.

Ông Hoàng Đình Tâm, Trưởng làng Tiên Hòa cho biết: “Trải qua thời gian, thăng trầm lịch sử, đình làng Tiên Hòa không chỉ được bảo tồn về mặt kiến trúc mà vẫn phát huy được công năng sử dụng. Đây là nơi thường xuyên tổ chức hội họp, bàn bạc các công việc lớn, nhỏ của làng, xã; điểm sinh hoạt văn hóa – tâm linh của người dân địa phương”. Sân đình là nơi diễn ra các hoạt động hát chèo, chơi cờ người mỗi dịp lễ, tết...

Giữa nhịp sống hiện đại, khi nhiều giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống dần mai một, nhiều di tích bị “lãng quên”, trở thành/có nguy cơ trở thành phế tích, đình làng Tiên Hòa vẫn được các thế hệ cháu con nơi đây chung tay góp sức bảo tồn và phát huy thông qua nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả.

Chung tay bảo tồn và phát huy giá trị đình làng Tiên Hòa

Hậu cung của đình được trùng tu, tôn tạo trên nền đất cũ

Được biết, đình làng Tiên Hòa được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Năm 2002, Chính quyền và Nhân dân địa phương tiến hành tu bổ, tôn tạo lớn cho đình với các phần việc như: nâng nền, thay một số cột, xà,... do mối mọt hoặc nứt gãy nghiêm trọng, ảnh hưởng đến kiến trúc và độ an toàn của ngôi đình. Năm 2012, hậu cung của ngôi đình được trùng tu, tôn tạo lại trên nền đất cũ. Năm 2022, làng mời đơn vị có chuyên môn về xử lý mối mọt tại đình. Phần lớn các hoạt động trùng tu, tôn tạo đình làng đều dựa trên nguồn kinh phí xã hội hóa.

Các thế hệ cháu con Tiên Hòa rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống cha ông để lại, lấy đó làm nền tảng, động lực tinh thần, niềm tự hào lớn lao. Đó là những việc làm thiết thực, ý nghĩa mà không phải địa phương nào cũng làm được, nhất là thời buổi kinh tế thị trường hối hả, đầy khó khăn, biến động như hiện nay. Trong khi đó, nguồn kinh phí từ ngân sách cho các hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích còn nhiều hạn chế.

Chung tay bảo tồn và phát huy giá trị đình làng Tiên Hòa

Nhiều cột, kèo của đình làng Tiên Hòa bị mối, mọt nghiêm trọng.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng song đình làng Tiên Hòa hiện đang trong tình trạng xuống cấp do thời gian xây dựng lâu năm, kiến trúc gỗ dễ bị tác động từ điều kiện thời tiết, mối mọt; công tác trùng tu, tôn tạo nhỏ lẻ, chưa có sự đầu tư quy mô, bài bản... Để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy giá trị đình làng Tiên Hòa, các cấp, các ngành cần có sự quan tâm, đầu tư kịp thời, trách nhiệm.

Đình làng là “nhân chứng” song hành với lịch sử hình thành và phát triển làng, xã. Bảo tồn và phát huy giá trị đình làng là cách lưu giữ ký ức nông thôn Việt, góp phần “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Hoàng Linh - Viết Trung


Hoàng Linh - Viết Trung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]