Chuyện những giáo viên cắm bản
Giữa bạt ngàn màu xanh của rừng, sừng sững của núi, men theo con đường bê tông ngoằn ngoèo với nhiều khúc cua dựng đứng, có nhiều điểm trưởng tiểu học, mầm non mà sĩ số học sinh mỗi lớp chỉ “đếm trên đầu ngón tay”, song các thầy, cô vẫn luôn tận tâm, yêu nghề, nỗ lực cắm bản, cắm thôn, mang tri thức đến các em học sinh vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn.
Giáo viên cắm bản điểm trường bản Ón, Trường Tiểu học Tam Chung (Mường Lát) đang chăm lo giấc ngủ trưa cho các em học sinh.
Trưởng bản Ón, xã Tam Chung (Mường Lát) Giàng A Chống tâm sự, bản Ón là một trong những bản khó khăn bậc nhất của xã, với 100% là đồng bào Mông, do đặc thù kinh tế chủ yếu dựa vào nương rẫy, trình độ dân trí hạn chế, nên cuộc sống các hộ dân còn nhiều thiếu thốn. Cũng vì cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc nên con em không được đi học đầy đủ. Do vậy, suốt nhiều năm qua, để duy trì sĩ số, các giáo viên cắm bản phải lặn lội đến từng nhà gặp gỡ, thuyết phục phụ huynh cho con em đến lớp. Để ươm mầm “con chữ”, giờ đây mỗi thầy cô phải thực hiện bốn cùng: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng sử dụng tiếng bản địa với các em.
Dừng chân tại điểm trường tiểu học bản Ón, chúng tôi hiểu hơn những khó khăn, vất vả của những giáo viên cắm bản. Nhà ở ngoài thị trấn Mường Lát, nhưng cả tuần thầy giáo Ngân Văn Ân mới về nhà một lần. Chia sẻ về chuyện nghề, thầy Ân tâm sự, điểm trường có 5 giáo viên nam, chủ yếu người dưới xuôi, do đường sá xa xôi, các thầy ở lại “cắm bản” cho tiện sinh hoạt, giảng dạy. Thường thì cuối buổi chiều thứ sáu hàng tuần, các thầy tranh thủ về nhà thăm gia đình, vợ con, chiều chủ nhật lại tay xách nách mang đủ thứ nhu yếu phẩm để chuẩn bị cho một tuần công tác mới. Trước đây, học sinh điểm Ón phải học tập dưới ngôi nhà mái lá, vách gỗ, nền đất, mùa mưa thấm dột, nhếch nhác. Năm 2018, cơn lũ lịch sử đã cuốn trôi toàn bộ, nhà trường phải mượn tạm nhà văn hóa cho các cháu học. Giờ đây, khu trường được các tổ chức thiện nguyện xây dựng nhà tôn lắp ghép khá kiên cố, con em trong bản được hỗ trợ tiền ăn bán trú, thầy và trò phần nào yên tâm giảng dạy, học tập. Không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, các thầy giáo còn phụ trách thêm công việc vận động học sinh đến trường. Bởi đối với trường hợp hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ thường đi rẫy từ sáng sớm đến chiều muộn mới về nên thiếu sự quan tâm với con cái, nếu không có sự vận động, khích lệ của các thầy cô, các em rất dễ nghỉ học...
Cô và trò tại điểm trường Cá Nọi, Trường Mầm non Pù Nhi, huyện Mường Lát.
Điểm trường Mùa Xuân thuộc diện xa xôi, khó khăn của Trường Mầm non Sơn Thủy (Quan Sơn) giáp nước CHDCND Lào. Gần 20 năm trong nghề, gắn bó với nhiều điểm trường, cô giáo Ngân Thị Vui (SN 1982, dân tộc Thái, bản Xuân Thành, xã Sơn Thủy) hiểu rõ sự vất vả, khó nhọc của thầy cô đang công tác ở nơi “thâm sơn cùng cốc” này. Điểm trường hiện có 14 thầy cô với 116 trẻ, chia thành 8 nhóm lớp, trong đó có 4 lớp mẫu giáo và 4 nhóm trẻ. Do đường sá đi lại vất vả, nên đều đặn chiều chủ nhật hàng tuần, cô cùng đồng nghiệp phải vượt qua quãng đường gần 27km với nhiều cung đường dốc đá, lởm chởm, một bên là núi, bên kia là vực để đến điểm trường, và ở lại cho đến cuối tuần mới về nhà.
Cô Vui cho biết, ngày mới lên bản, nơi đây còn chưa có điện, đường giao thông, sóng điện thoại, bây giờ đã khá hơn, nhưng cũng không có ti vi, sóng điện thoại cũng chập chờn, nguồn nước chủ yếu lấy từ khe suối... Cuộc sống sinh hoạt tuy thiếu thốn, lại xa gia đình, nhưng mong muốn các con được đến lớp các giáo viên cùng nhau cố gắng, “cắm bản” để giảng dạy. Hàng ngày, từ việc đón trẻ, vệ sinh cá nhân, đến chăm lo bữa ăn, giấc ngủ, dạy chữ cho trẻ đều được thầy cô chăm lo tận tình, trách nhiệm như chính những đứa con yêu quý của mình. Ở điểm trường Mùa Xuân, các cháu còn hạn chế về giao tiếp nên thầy cô tích cực học thêm tiếng Mông để có thể nói chuyện, trao đổi với phụ huynh, học sinh. Vất vả nhất là năm học mới, khi đón những đứa trẻ lần đầu đến trường, chưa biết một tiếng phổ thông, chưa biết đi vệ sinh đúng chỗ, thầy cô phải mất rất nhiều thời gian hướng dẫn, rèn giũa để hình thành thói quen, nền nếp cho các cháu.
Đối với giáo viên cắm bản, dù điều kiện sinh hoạt, giảng dạy còn thiếu thốn, nhưng họ vẫn tận tâm, kiên trì bám bản, bám lớp gieo chữ cho con em vùng đồng bào dân tộc.
“Huyện vùng cao Mường Lát hiện có 10 trường mầm non, 11 trường tiểu học, 103 điểm lẻ (mầm non, tiểu học) phần lớn học sinh là con em dân tộc thiểu số điều kiện kinh tế khó khăn, đi lại xa xôi, vất vả. Có những điểm trường lẻ cách xa điểm chính hàng chục cây số. Trong những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, các điểm trường có nhiều đổi thay, cơ sở vật chất được đầu tư, xây dựng ngày càng khang trang, kiên cố. Dẫu vậy, ở một số bản vẫn còn nhiều khó khăn, giao thông cách trở. Đối với đội ngũ giáo viên cắm bản, mặc dù cuộc sống sinh hoạt ăn, ở, giảng dạy còn nhiều vất vả, phải ở nhờ tại một số khu phòng học của học sinh... nhưng bằng tình yêu nghề, họ đã vượt qua mọi trở ngại, luôn tận tâm, yêu nghề, nỗ lực cắm bản, cắm thôn, mang tri thức đến các em học sinh vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn”, bà Nguyễn Thị Thúy, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mường Lát, chia sẻ.
Bài và ảnh: Trung Lê
{name} - {time}
-
2024-11-21 10:02:00
Thận trọng với đồ ăn vặt trước cổng trường
-
2024-11-20 06:38:00
Cô giáo cuộc đời tôi...
-
2024-01-13 08:50:00
Khó khăn trong dạy môn Công nghệ
Xây dựng trường học an toàn trong cấp học mầm non
Sôi nổi hoạt động tại Ngày hội học sinh, sinh viên toàn quốc “Connect Fest 2024”
Xây dựng “Trường học hạnh phúc” và nỗi niềm...
Cô giáo “truyền lửa” đam mê học tiếng Anh cho học sinh
Học sinh trung tâm GDNN-GDTX liên tiếp đoạt 3 giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi
Hiệu quả từ hoạt động giáo dục trải nghiệm trong tiết sinh hoạt dưới cờ
Hoạt động đoàn, đội trong trường học góp phần giáo dục nhân cách cho học sinh
“Xanh hóa” trường học
Mô hình thư viện xanh ở huyện vùng biên Mường Lát