Công việc đếm dép!
Hơn tháng nay ông Hách không tham gia bàn trà của phố vào buổi tối nữa khiến không khí tranh luận kém sôi nổi hơn trước. Ông Hách hiểu biết nhiều lĩnh vực nên tham gia phản biện gần như tất cả các vấn đề được những người trong phố đưa ra tại bàn trà. Vắng ông có người thấy nhẹ người đi, nhưng không khí bàn trà thì không còn sôi nổi, nhiều người lại mong ông sớm tham gia trở lại.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Hôm gặp ông đứng trước cửa nhà, tôi hỏi lý do vì sao không tham gia bàn trà của phố, ông chỉ trả lời cụt lủn: “Bận lắm”. Tôi hỏi lại: “Chú bận thật sao. Chú về hưu rồi phải nghỉ ngơi chứ”. “Ơ, cái thằng này, mày tuổi gì mà lại dám nói với tao thế”, ông Hách vặc lại. Tôi đành vỗ về làm hòa.
Lặng lẽ một lúc và như muốn thông qua tôi để truyền thông điệp đến người dân trong phố, ông Hách bảo: “Chú bận thật. Hôm vừa rồi phố mời đi dự ngày hội đại đoàn kết chú còn chả đi được nữa là”. Theo cách nói của ông Hách, thì sắp tới ông sẽ xin miễn sinh hoạt Đảng. Tôi hỏi lại: “Chú đang khỏe mạnh, minh mẫn thế này thì có lý do gì để xin miễn. Mà nghe nói các buổi sinh hoạt chi bộ chú đóng góp nhiều ý kiến lắm cơ mà”. “Ôi dào. Nói bao nhiêu năm nay rồi. Cũng đã đến lúc tao phải nghỉ rồi. Đấy, cái hội nước chè ở phố đấy, ngay gần nhà mà lâu nay có ngồi được đâu”.
Tôi chẳng biết nói thêm gì cả, vì hình như ông Hách đã quyết tâm lắm rồi. Tôi có phần tiếc, vì ông là người có kiến thức, lại nhiệt tình. Nhiều người ghét cái tính quá thẳng của ông, nhưng riêng tôi thấy nó rất cần. Dù có là chi bộ phố, hay sinh hoạt xóm phố thì đều cần phải thẳng thắn, không im lặng, a dua được.
Nhiều ngày tôi cứ tự đặt câu hỏi rằng vì sao mà ông Hách lại thay đổi nhanh như thế. Hay người dân trong phố làm ông mếch lòng. Tôi kiểm tra điều đó qua nhiều cư dân trong phố, câu trả lời đều là không. Chẳng có ai làm gì ông cả. Một số người tranh luận với ông rất căng, nhưng sau đó đều nể phục kiến thức, sự thẳng thắn, không khoan nhượng của ông. Vậy là chẳng có lý do gì cả.
Mấy hôm liền tôi nhìn sang nhà ông, vẫn là những điều bình thường, những đứa trẻ được người lớn chở đến nhà ông đi học. Vợ ông vẫn đều đặn dạy thêm một ngày hai ca vào chiều muộn và tối. Còn ông vẫn đi chợ vào buổi sáng như thường lệ.
Cho đến ngày gần đây, tôi mới tiện hỏi ông khi chú cháu cùng gặp nhau trên đường đi bộ buổi sáng. Loanh quanh một lúc rồi ông cũng trút bầu tâm sự. Qua câu chuyện tôi biết ông cũng muốn la cà bên bàn trà của phố, cũng muốn tham gia việc nọ, việc kia cho khuây khỏa tuổi hưu. Nhưng vợ ông không nghĩ thế. Vợ ông cho rằng mình còn làm việc thì chồng cũng phải làm việc. Trà lá, sinh hoạt câu lạc bộ nọ, hội kia chỉ tổ mất thời gian, không khéo còn sinh chuyện. Vợ ông giao cho ông trách nhiệm người quản lý.
Tôi mở lời chúc mừng ông được giao nhiệm vụ quan trọng. Ông quay sang mắng rằng tôi xiên xỏ ông. “Quản lý cái gì. Thực ra là đếm dép chứ làm cái trò ma gì đâu”, ông Hách nói. Theo ông kể thì ngoài đi chợ, nấu cơm hàng ngày lâu nay, thấy ông tham gia nhiều hoạt động của phố, vợ ông không bằng lòng. Thế là bà nghĩ ra chuyện giao cho ông kiểm soát sĩ số học sinh học thêm hàng ngày xem vắng ai, để cuối tháng tiện thu tiền học thêm. Ông gọi đó là hình thức đếm dép trẻ con, nhìn vào số dép để trước nhà để biết đủ hay vắng. Lúc bà dạy thì ông trông xe. Bố mẹ bọn trẻ chưa kịp đến đón thì ông quản lý và bàn giao sau đó.
Tôi tự hỏi hai vợ chồng ông Hách đều có lương hưu, con cái phương trưởng cả, có nhất thiết phải dạy thêm đến mức như thế không? Không ai cấm lao động cả, nhưng ở tuổi hưu trí bên cạnh lao động thêm cần phải có những hoạt động xã hội, có như thế mới tạo ra một môi trường sống tốt cho người già. Không phải vì tham gia nhiều hoạt động xã hội quá mà lại nghĩ ra cách để trói buộc họ như hoàn cảnh ông Hách đang phải trải qua.
Lê Vũ
{name} - {time}
-
2024-11-21 09:02:00
Cháu nó ngoan lắm
-
2024-11-15 10:43:00
Tắt điện đi, ăn cho dễ
-
2023-11-28 11:35:00
Ngược chiều tâm linh: Đổi mệnh