(vhds.baothanhhoa.vn) - Ông giáo già làng tôi vốn là người điềm tĩnh, ít nóng giận. Vậy nhưng sự việc ngày hôm đó đã khiến ông và nhiều người trong thôn không khỏi bức xúc.

Ứng xử với dân...

Ông giáo già làng tôi vốn là người điềm tĩnh, ít nóng giận. Vậy nhưng sự việc ngày hôm đó đã khiến ông và nhiều người trong thôn không khỏi bức xúc.

Ứng xử với dân ...

Ảnh minh họa.

Buổi chiều cuối tuần, khi bố tôi đang dở tay việc nhà thì ông giáo già đi vào. Ông là người bạn vong niên với bố tôi, thường ngày vẫn sang uống nước chè, chuyện trò. Từ những chuyện ông kể, chị em tôi cũng học được nhiều điều. Nhưng hôm đó thì khác, trên tay ông cầm thứ gì đó, không khỏi bức xúc:

- Thế này thì bậy, bậy quá. Mấy hôm nữa họp thôn tôi sẽ có ý kiến, chú cũng phải nói nhé, bà con trong thôn phải đồng tình lên tiếng, không thể để người đứng đầu thôn ứng xử thiếu văn hóa như vậy được.

Lời ông giáo mới dứt thì cụ Mến lững thững đi vào trong sân nhà tôi, lắc đầu cảm thán: Thật sự không thể hiểu nổi, sao người ta có thể ứng xử như thế được cơ chứ?!

***

Thôn tôi trước đây có diện tích nhỏ và ít nhân khẩu nhất trong xã. Vì thế, hơn mười năm về trước, để xây được nhà văn hóa thôn thì đã phải huy động nguồn lực đóng góp của không chỉ bà con trong thôn mà cả con cháu, những người xa quê. Ngày khánh thành nhà văn hóa, người dân trong thôn vui lắm. Người ở xa, ở gần cùng nhau đến nhà văn hóa để vui liên hoan và “ghi” lại những khoảnh khắc vui vẻ, đoàn kết. Những bức ảnh vẫn được giữ gìn cẩn thận như một “dấu mốc” quan trọng. Về sau, vào những dịp đặc biệt, tại nhà văn hóa thôn lại có thêm những bức ảnh khác được lưu giữ.

Mấy năm trước, thực hiện chủ trương của cấp trên, thôn tôi sáp nhập với thôn bên cạnh. Việc sáp nhập được người dân trong thôn hết sức đồng thuận. Dĩ nhiên, sau khi sáp nhập sẽ dư ra một nhà văn hóa. Và đó là nhà văn hóa của thôn tôi. Mới đây, xã có chủ trương phá dỡ nhà văn hóa của thôn để làm khu vui chơi thể thao, văn hóa cho người dân. Dẫu có chút tiếc nuối song điều này cũng được bà con vui vẻ đồng ý. Việc phá dỡ nhà văn hóa cũ được thực hiện sau khi họp thôn. Mọi chuyện sẽ không có gì đáng nói, nếu như trong quá trình phá dỡ nhà văn hóa cũ, những người đứng đầu thôn không hành xử vô ý.

Cầm tập ảnh trên tay, ông giáo bức xúc: Khi tôi ra tới nhà văn hóa thì không thấy ai ở đó nữa. Dưới nền đất là vô số những bức ảnh kỷ niệm vứt tung tóe. Mọi người xem, trong ảnh, có người còn sống, có người đã khuất... sao lại nỡ.

- Dù bất cứ lí do gì thì việc ứng xử như vậy cũng không được. Đành rằng, không thể cái gì cũng mang xuống nhà văn hóa mới để treo như trước kia. Nhưng có khó gì đâu, nếu không thể treo thì có thể cho tất cả vào thùng giấy để gọn một chỗ làm kỷ niệm. Để có lúc nhìn lại, chúng ta và cả thế hệ sau nữa thấy được những điều đã trải qua - cụ Mến trầm ngâm lên tiếng.

- Chúng ta vẫn tự hào quê mình là vùng đất có bề dày truyền thống và văn hóa. Tôi cho rằng, không thể có cách ứng xử chưa văn hóa như vậy. Trước mắt, chúng ta cứ tạm cất những bức ảnh này đi đã. Rồi trong cuộc họp thôn tới đây, mỗi người một ý kiến, để người đứng đầu thôn họ thấy được cái sai của mình, từ đó mà sửa, tránh để xảy ra những việc đáng tiếc tương tự, các ông bà thấy tôi nói có hợp lý không - ông giáo già lên tiếng.

Mọi người cho ý kiến của ông giáo là phải, nên đều đồng ý.

Vậy mới thấy, để được dân quý, dân yêu thì hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, ứng xử sao cho vẹn tròn.

Khánh Lộc


Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]