(vhds.baothanhhoa.vn) - Với hơn 400 trang sách “Hội hè lễ Tết của người Việt”, độc giả như được “ôn cố tri tân”, sống lại kí ức lịch sử, văn hóa dân tộc với những tri thức về lễ - tết - hội, tín ngưỡng, tâm thức tôn giáo của người Việt cùng các thành tố văn hóa dân gian khác...  

Đắm mình trong tri thức về cội nguồn văn hóa truyền thống Việt Nam

Với hơn 400 trang sách “Hội hè lễ Tết của người Việt”, độc giả như được “ôn cố tri tân”, sống lại kí ức lịch sử, văn hóa dân tộc với những tri thức về lễ - tết - hội, tín ngưỡng, tâm thức tôn giáo của người Việt cùng các thành tố văn hóa dân gian khác...

Nguyễn Văn Huyên (1905-1975) là giáo sư, tiến sĩ, nhà sử học, nhà dân tộc học, nhà giáo dục, nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Ông là người giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam trong thời gian dài nhất. Năm 2000, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học xã hội và nhân văn. Tên tuổi và sự nghiệp của Nguyễn Văn Huyên gắn liền với sự hình thành và phát triển của ngành dân tộc học, nhân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. “Nguyễn Văn Huyên là một trong những học-giả-chìa-khóa mà mọi người khi muốn hiểu biết về văn hóa, con người Việt Nam đều không thể bỏ qua” (Nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Tiến).

“Hội hè lễ Tết của người Việt” (Đỗ Trọng Quang - Trần Đình dịch, Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam liên kết NXB Thế giới ấn hành) là cuốn sách chọn lọc từ những bài viết, tiểu luận nghiên cứu của Nguyễn Văn Huyên được in trong cuốn “Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam” (2 tập, NXB Khoa học xã hội).

Đây là những bài viết bằng tiếng Pháp - một trong những hình thức “đối thoại văn hóa” khá phổ biến của các trí thức Việt với chính quyền bảo hộ Pháp, nhà nghiên cứu, trí thức Pháp trong bối cảnh giao lưu văn hóa Đông - Tây hết sức sôi động nửa đầu thế kỷ XX. Những đối thoại văn hóa ấy là cách khẳng định giá trị, sự khác biệt, tính tiếp nối của văn hóa truyền thống Việt trước mọi biến động, để “người ngoài” có cái nhìn chân thực, sâu sắc hơn về bản sắc văn hóa Việt.

Đắm mình trong tri thức về cội nguồn văn hóa truyền thống Việt Nam

Với hơn 400 trang sách, độc giả như được “ôn cố tri tân”, sống lại kí ức lịch sử, văn hóa dân tộc với những tri thức về lễ - tết - hội (Tết Nguyên đán, Tết Thanh minh, Tết Đoan Ngọ, Tết Trung Thu, Rằm tháng Bảy với lễ xá tội vong nhân, Lễ tế Nam Giao, Lễ hội Phù Đổng...); tín ngưỡng, tâm thức tôn giáo của người Việt (tục thờ cúng thần tiên, việc chôn người chết, thờ cúng thành hoàng làng) cùng các vấn đề căn bản trong văn hóa xã hội truyền thống như: y phục, thờ cúng...

Các tri thức trong cuốn sách là tổng hòa của sự uyên thâm về học thuật (dân tộc học, văn hóa học), kinh nghiệm đúc rút từ thực tiễn trải nghiệm và quan sát, viện dẫn tư liệu kim cổ, liên ngành... Cách thể hiện vấn đề vừa khoa học, hàn lâm vừa mềm mại, sinh động, chân thực, gần gũi, lôi cuốn bạn đọc đi đến những trang cuối cùng của cuốn sách.

Điều hấp dẫn bạn đọc nhất khi đọc “Hội hè lễ Tết của người Việt” là cảm giác như được sống qua hai thời kì - quá khứ và hiện tại; cảm giác vừa quen vừa lạ, vừa như đã tường tận mà vẫn không khỏi ngạc nhiên trước những thông tin mới tiếp nhận được.

Ví như câu chuyện về Tết Trung thu, người dân nước Việt ai ai cũng đều biết, đều ghi dấu bao kí ức, hoài niệm về nó. Nhưng tin rằng, nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên, thích thú khi biết: “Trung thu, tết của mặt trăng, đồng thời cũng là tết dạm hỏi, lúc cả nam và nữ đều tìm cách làm vừa ý người khác và tìm thấy trong đám đông người bạn đời tương lai của mình. Họ tụ tập từng nhóm từ sáu đến tám người, ngay lúc sẩm tối, trước cửa hay trong sân nhà mình. Họ đứng thành hai phe, một phe nữ, một phe nam. Và họ vừa hát vừa đối vừa ngắm trăng”.

Những tri thức của Nguyễn Văn Huyên về tục thờ cúng thần tiên ở Việt Nam được trình bày trong cuốn sách giúp bạn đọc hình dung khá đầy đủ, sáng rõ. Ở đó, ông không phủ nhận hay lập lờ ảnh hưởng của Trung Quốc đối với “ước vọng bất tử của người Việt Nam”. Đó là một xác tín khoa học. Và chính thái độ khoa học chuẩn mực ấy đã làm tiền đề để Nguyễn Văn Huyên đi đến tổng kết, nhận định sâu sắc: “Thông qua việc nghiên cứu đạo thờ cúng này cũng như những đạo thờ cúng khác, người ta có thể một ngày nào đó chứng minh được vai trò lịch sử mà Nhân dân Việt Nam đã đóng góp vào sự hình thành các khái niệm tôn giáo và các chủ đề văn học của vùng Đông Á. Nhân dân ta không phải lúc nào cũng nô lệ sao chép Trung Quốc; Nhân dân ta đã tạo cho mình một cuộc sống riêng mà qua quá trình lịch sử nhiều thế kỷ, họ đã trẻ hóa bằng những đóng góp mới ít nhiều theo những tư tưởng của Việt Nam”.

“Hội hè lễ Tết của người Việt” là cuốn sách mang những thông điệp của quá khứ đến tương lai. Để từ tương lai, mỗi độc giả sử dụng tri thức tiếp nhận được nhìn sâu hơn, hiểu rõ hơn về quá khứ, giá trị văn hóa truyền thống dân tộc - cội nguồn của sự phát triển hôm nay và mai sau, từ đó có cách ứng xử phù hợp.

Hoàng Linh


Hoàng Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]