“Đắm say” cảnh sắc Mỹ Quan trang
Nằm trong không gian vùng cửa biển Thần Phù xưa, làng Mỹ Quan (nay thuộc xã Hà Vinh, huyện Hà Trung) là vùng đất cổ với nhiều dấu tích văn hóa cùng cảnh quan “sơn thủy hữu tình”.
Vùng đất cổ Mỹ Quan trang có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp.
Núi non trùng điệp, sông nước bao quanh
Làng Mỹ Quan (Mỹ Quan trang) nói riêng, xã Hà Vinh nói chung nằm ở phía Đông Bắc huyện Hà Trung. Phía Bắc tiếp giáp - liền mạch với dãy núi Tam Điệp. Dãy núi Tam Điệp cũng là ranh giới giữa đất làng Mỹ Quan (Thanh Hóa) với Ninh Bình. Những ngọn núi của dãy Tam Điệp nối liền nhau tạo nên “bức tường chắn” vững chãi cho làng.
Viết về dãy núi Tam Điệp, sách “Đại Nam nhất thống chí”, đã viết: “Núi Tam Điệp cách huyện Tống Sơn 21 dặm về phía Bắc, mạch núi từ huyện Thạch Thành kéo đến, liên tiếp chạy ngang, suốt cả bãi biển, giữa có đường quan thông qua, là cổ họng giữa Bắc Nam. Có ba ngọn nên gọi là Tam Điệp, ngọn giữa rất cao, tức là chỗ địa giới giữa Thanh Hóa và Ninh Bình, đứng ở đỉnh núi này trông ra ngoài biển, buồm thuyền như lá tre, hai ngọn ở phía tả hữu hơi thấp và bằng, năm Thiệu Trị thứ ba, xa giá tuần du phương Bắc, có làm thơ khắc vào đá, dựng nhà bia ở ngọn giữa”. Khi quá trình biển lùi chưa diễn ra mạnh mẽ, “vào những năm đầu công nguyên, khu vực làng Mỹ Quan xã Hà Vinh ngày nay nằm trong vùng cửa biển Thần Phù, đây là khu vực giao thông thủy Bắc - Nam quan trọng, nối liền giữa đồng bằng sông Hồng với đồng bằng sông Mã”.
Cũng bởi nằm trong không gian của vùng cửa biển Thần Phù xưa kia với địa thế quan trọng, Mỹ Quan là địa danh nổi tiếng, gắn liền với “dấu chân” tiền nhân trong các cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Không chỉ có núi, Mỹ Quan còn có sông Tam Điệp chạy qua trước khi “nhập” vào sông Hoạt. Núi non trùng điệp, sông nước bao quanh, đồng ruộng tốt tươi tạo cho Mỹ Quan cảnh sắc “đắm say” lòng người.
Truyền ngôn dân gian đến nay còn kể, làng được hình thành vào thế kỷ thứ X. Bấy giờ, nơi đây còn hoang rậm. Có các ông Lã Dao và Bùi Văn Chấn quê ở miền ngoài là những người đầu tiên đến đây khai phá và lập làng. Đi qua thời gian, ngoài hai họ Bùi, họ Lã còn có họ Mai, Phạm, Trương, Lê, Đặng... cùng đến vùng đất này quần cư, xây dựng xóm làng.
Với lợi thế sông ngòi, thổ nhưỡng, ngoài nghề chài lưới, người dân Mỹ Quan khi xưa có truyền thống trồng các loại khoai sắn, rau màu, đặc biệt là trồng bông dệt vải, không chỉ đáp ứng nhu cầu tại chỗ mà còn trở thành hàng hóa được thương lái từ nhiều nơi tìm về thu mua.
Lý giải cho tên gọi Mỹ Quan, các bậc cao niên ở làng cho biết, theo lưu truyền, buổi ban đầu, làng có tên Hòa Hợp trang với mong muốn người đến trước, đến sau cùng nhau chung sống tốt đẹp. Đi qua năm tháng với sự nỗ lực chăm chỉ của người dân, vùng đất hoang rậm đã dần trở nên trù mật, xóm làng đông vui, ngày một khang trang hơn. Bởi vậy mà tên gọi Hòa Hợp trang về sau được đổi tên thành Mỹ Quan trang. Vào thời Nguyễn, Mỹ Quan trang được đổi tên thành làng Mỹ Quan. Người dân địa phương tự hào vì tên gọi này đã được duy trì suốt hàng trăm năm qua.
"Lạc" vào chốn "bồng lai tiên cảnh"
Không chỉ nỗ lực mưu sinh, người làng Mỹ Quan cũng coi trọng việc vun đắp, tạo dựng các giá trị văn hóa tinh thần. Khi xưa, ở làng Mỹ Quan có đình làng - nơi thờ nhị vị Thành hoàng làng đã có công khai phá, lập dựng xóm làng. Cùng với đình làng còn có chùa Thanh Vân và phủ Suối.
Phủ Suối trên đất làng Mỹ Quan được tôn tạo khang trang.
Chùa Thanh Vân còn có tên là chùa Mỹ Quan. Theo người dân địa phương, chùa được khởi dựng vào thời Lý?! Chuyện kể rằng, trong một lần vua Lý Thánh Tông dẫn chiến thuyền qua cửa biển Thần Phù dẹp giặc Chiêm Thành thì thuyền mắc cạn. Nhà vua bèn lập đàn tế trời đất, xin cho nước dâng lên để thuyền thuận lợi đi qua. Khi trở về, đoàn thuyền nhà vua đã dừng lại ở đây nghỉ ngơi, bất giác nhìn lên bầu trời thấy có đám mây tụ lại như tán lộng che... Tin rằng trời phật đã phù trợ, nhà vua đã ban tiền cho người dân lập dựng chùa, đặt tên Thanh Vân tự.
Cách chùa Thanh Vân không xa là phủ Suối nằm sát chân núi Tam Điệp - nơi thờ Mẫu Thượng Thiên (Thánh Mẫu Liễu Hạnh). Tên gọi phủ Suối được cho là bắt nguồn từ dòng suối ngầm (bên cạnh phủ) từ trong lòng núi đá chảy ra.
Phủ Suối nằm trên thế đất rộng mà vững chãi, thoáng đãng. Bao quanh là núi non, cây cổ thụ xanh mát. Trước mặt phủ Suối là sông Tam Điệp chảy qua trước khi hòa mình vào sông Hoạt để “tìm đường” ra biển lớn. Ghé thăm phủ Suối, du khách như lạc mình vào chốn “bồng lai tiên cảnh” thanh bình, yên ả.
Cũng bởi nằm trong không gian của cửa biển Thần Phù xưa và núi Tam Điệp, phủ Suối cách đền Sòng, đền Chín Giếng chỉ khoảng vài cây số (theo đường chim bay) về phía Tây. Và nếu di chuyển theo sông Hoạt, từ phủ Suối di chuyển một quãng ngắn là đến huyện Nga Sơn, nơi có đền thờ Áp Lãng Chân Nhân, động Bạch Á...
Đến nay, dù chưa có tài liệu khẳng định chắc chắn về thời gian lập dựng phủ Suối, tuy nhiên, người dân địa phương tin rằng điểm đến tâm linh này đã được khởi dựng cách đây hàng trăm năm, gắn liền với niềm kính ngưỡng mà người dân dành cho Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Lễ hội phủ Suối diễn ra từ ngày 17 - 19/3 (âm lịch) với nhiều sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc thu hút đông đảo người dân và du khách.
"Trải qua thăng trầm lịch sử, thời gian và chiến tranh, nhiều di tích trên đất làng Mỹ Quan đã bị hủy hoại. Những năm qua, với tấm lòng trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống, chính quyền và người dân địa phương, du khách xa gần đã cùng nhau chung sức đóng góp kinh phí để từng bước tôn tạo các di tích, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của Nhân dân" - ông Bùi Văn Hoằng, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Vinh cho biết.
Bài và ảnh: Khánh Lộc
{name} - {time}
-
2025-05-02 08:00:00
[WOW Thanh Hoá!] Về Triệu Sơn trải nghiệm hái dâu cực “chill”
-
2025-04-29 14:55:00
Ra mắt sản phẩm du lịch mới sử dụng giấy thông hành giữa Việt Nam và Trung Quốc
-
2025-04-27 12:19:00
Những bãi biển gây “thương nhớ” ở Thanh Hóa
Thong dong xuống phố...
Vùng đất cổ bên dòng sông Chu
Du lịch cộng đồng “gõ cửa” bản Ngày
Du lịch tự do, tự túc... “hút” giới trẻ
Công viên địa chất Lạng Sơn chính thức được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu
Côn Đảo từ “địa ngục trần gian” đến ’thiên đường du lịch'
Nhiều điểm du lịch sẽ có mưa rào và dông dịp nghỉ lễ 30/4-1/5