(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ những vùng đồi trồng cao su, keo... kém hiệu quả kinh tế, để khai thác tiềm năng, thế mạnh, người dân các huyện Ngọc Lặc, Thạch Thành, Như Xuân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học - kỹ thuật để “đánh thức” những vùng đồi bị “ngủ quên” với những mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đánh thức những vùng đồi

Từ những vùng đồi trồng cao su, keo... kém hiệu quả kinh tế, để khai thác tiềm năng, thế mạnh, người dân các huyện Ngọc Lặc, Thạch Thành, Như Xuân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học - kỹ thuật để “đánh thức” những vùng đồi bị “ngủ quên” với những mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đánh thức những vùng đồiMô hình trồng măng tây trên vùng đồi xã Ngọc Liên (Ngọc Lặc).

Trên vườn đồi rộng lớn xã Ngọc Liên (Ngọc Lặc), ông Phạm Phú Phục đã chuyển đổi 2ha trồng keo kém hiệu quả để xây dựng mô hình trồng măng tây. Sau một thời gian du nhập và canh tác theo hướng hiện đại, cây trồng mới này đã khẳng định được sự đột phá trong thu nhập, không chỉ với gia đình mà với cả địa phương.

Ông Phục cho biết: Măng tây là loại cây trồng lâu năm, dạng bụi thân thảo, ưa sáng, phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của vùng đất cát, có nhiệt độ trung bình trong năm cao. Để chọn được giống măng tây xanh phù hợp, ông đã ký hợp đồng với doanh nghiệp ở huyện Hoằng Hóa chuyển giao kỹ thuật canh tác, đồng thời bao tiêu sản phẩm. Sau khoảng 2 tháng rưỡi trồng thì cây bắt đầu cho măng, tuổi thọ của cây từ 4 đến 6 năm, tùy theo khả năng chăm sóc. Cũng theo ông Phục, để nâng cao hiệu quả, khi cây cao trên 0,5m phải đánh rãnh thoát nước vì măng tây không chịu được ngập úng. Ông Phục cũng đã mạnh dạn lắp hệ thống tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây để cung cấp độ ẩm, thay thế cho lao động tưới nước thủ công.

Xác định canh tác sạch là hướng đi bền vững cho đầu ra sản phẩm, ông hầu như không dùng phân bón hóa học, dinh dưỡng cho cây măng tây được cung cấp bởi phân chuồng hoai mục, các loại chất hữu cơ. Bên cạnh măng tây, ông Phục còn cải tạo thêm đất đồi để xây dựng nhà màng trồng ớt, áp dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch măng tây cho những hộ dân có mong muốn nhân rộng mô hình.

Với đặc thù về thổ nhưỡng, địa hình cũng như khí hậu, người dân đã tận dụng để nhân rộng những mô hình sản xuất phù hợp, dần hình thành nên những vùng trồng cây ăn quả tập trung như cam, bưởi, chanh leo, hay những trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm... Điều đó đã làm thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, mở ra hướng sản xuất mới, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các địa phương.

Bà Trần Thị Hương - hộ gia đình đã có nhiều năm phát triển cây thanh long ruột đỏ trên vùng đồi xã Xuân Du (Như Thanh) chia sẻ: Tuy không phải là cây trồng truyền thống, nhưng cây thanh long đã bén rễ trên vùng đất màu mỡ Như Thanh nhiều năm qua, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho chúng tôi. Thanh long ruột đỏ là loại cây không kén đất, phù hợp với địa hình đồi núi, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh, không mất nhiều công chăm sóc, quả cho thu hoạch nhiều năm... Tháng 3 đến tháng 10 là chính vụ của thanh long ruột đỏ nên cứ mỗi tháng cây ra 2 đợt hoa rồi đậu quả, còn những tháng còn lại thời tiết lạnh không phù hợp với quá trình ra hoa, kết quả của thanh long nên phải thắp điện để “ép” cây tiếp tục ra hoa, đậu trái.

Từ vốn đầu tư bỏ ra, bà Hương xây cột trụ bê tông cao từ 1,5 đến 1,7m, mỗi cây cách khoảng 2,5m, xung quanh gốc cần thường xuyên làm sạch cỏ để tránh cỏ dại mọc tràn lan, che đậy cẩn thận để giữ cho rễ không bị tổn thương do ánh nắng mặt trời, úng nước... Đồng thời, cắt bỏ những cành cây không thể mọc mầm và ra quả, mỗi cành chỉ nên để 3 - 4 quả. Bên cạnh đó, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào khâu chăm sóc, đầu tư lắp đặt hệ thống phun sương, tưới tiêu tự động...

Được biết, gia đình bà Hương hiện có khoảng 500 trụ thanh long ruột đỏ và là 1 trong những vườn duy trì được sản lượng ổn định quanh năm. Ngoài ra, trên vùng đồi của gia đình, bà còn trồng thêm cam, bưởi, hoa cúc, hoa dơn, hoa ly...

Có thể nói, với việc thay đổi tư duy sản xuất, những người nông dân đã biến những vùng đồi trở thành những vườn cây trĩu quả, những trang trại trù phú, không chỉ giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo, mà còn thúc đẩy ngành nông nghiệp địa phương phát triển theo hướng bền vững. Cùng với đó, những người nông dân cũng linh hoạt ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, khả năng cạnh tranh cao trên thị trường.

Bài và ảnh: Lê Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]