Ðất làng Kẻ Chiểu
Nằm ở phía Tây Bắc huyện Đông Sơn, Kẻ Chiểu (nay là xã Đông Tiến) là vùng đất cổ có con người đến cư ngụ từ hàng ngàn năm về trước với nhiều dấu tích lịch sử, văn hóa. Nơi đây, cũng là quê hương của tướng quân Thiều Thốn - nhân vật lịch sử nổi tiếng thời Trần.
Đền thờ tướng quân Thiều Thốn trên đất Kẻ Chiểu xưa được tôn tạo khang trang.
Kẻ Chiểu nằm trong không gian của vùng đất cổ được bồi đắp bởi phù sa sông. “Đây là vùng đất cổ hết sức đặc biệt ở vùng hạ lưu sông Mã, sông Chu. Trong bán kính chỉ 5km đã có mặt một loạt di chỉ khảo cổ học phát triển từ thấp đến cao như núi Đọ, núi Nuông, Đông Khối đến rất nhiều di chỉ từ sơ kỳ đến hậu kỳ kim khí... Riêng tại sát núi Bạch Thạch quê Thiều Thốn, các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện ra hai di chỉ nổi tiếng là Đồng Vưng, Đồng Ngầm với sự phát triển liên tục của 3 lớp văn hóa từ thời kỳ Tiền Đông Sơn đến Đông Sơn”.
Từ di chỉ Đồng Vưng, Đồng Ngầm trên đất Kẻ Chiểu, các nhà khoa học tin rằng, ở vùng đất này đã có người Việt cổ đến cư ngụ từ thời Văn hóa Đông Sơn. Trải qua trường kỳ lịch sử, các thế hệ người dân Kẻ Chiểu đã cùng nhau tạo lập nên xóm làng trù phú. Với đất đai màu mỡ, người dân chịu thương chịu khó, Kẻ Chiểu xưa và Đông Tiến ngày nay là một trong những địa phương sản xuất nông nghiệp nói chung, trồng rau màu nói riêng phát triển. Về vùng đất cổ trong những ngày mùa đông, là không gian làng quê tốt tươi, những cánh đồng rau màu xanh mướt mát. Ở đó, phía sau những lam lũ là lấp lánh niềm vui, hy vọng về cuộc sống no đủ của những người nông dân chăm chỉ.
Cùng với nỗ lực mưu sinh, người dân Kẻ Chiểu tự bao đời nay cũng không ngừng vun đắp, tạo nên các giá trị văn hóa đặc sắc. Trên đất Kẻ Chiểu khi xưa có sự hiện hữu của nhiều di tích đình, chùa, đền, miếu. Đặc biệt hiện nay, ở các làng trong xã đều có đình làng - không gian văn hóa truyền thống của người dân địa phương.
Một trong những điểm nhấn trong không gian văn hóa của đất cổ Kẻ Chiểu là Cụm Di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh Đông Tiến, bao gồm: đền thờ và lăng mộ Thiều Thốn; núi Đào; núi Bạch Thạch; di chỉ khảo cổ Đồng Ngầm, Đồng Vưng.
Nhắc đến Cụm Di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh Đông Tiến, không thể không nhắc đến Thiều Thốn - một người con xuất chúng của quê hương Kẻ Chiểu trong lịch sử.
Kẻ Chiểu xưa - Đông Tiến ngày nay đang dần “chuyển mình” trở thành miền quê đáng sống.
Theo các tài liệu lưu giữ, Thiều Thốn (Thiều Kim Thốn) có nguồn gốc tổ tiên là người Thiều Châu (Trung Quốc). Tổ tiên ông đã di cư đến đất Kẻ Chiểu từ khá sớm và ông được sinh ra tại đây. Tương truyền, cậu bé Thiều Thốn từ nhỏ đã có tướng mạo “mày rồng, mắt phượng”, lại thông minh hơn người. Bố mất sớm, một mình người mẹ bươn chải nuôi ông lớn. Thương mẹ nghèo, hằng ngày Thiều Thốn vào rừng kiếm củi bán giúp mẹ có tiền mua gạo. Lớn lên, với sức vóc hơn người, Thiều Thốn chăm chỉ luyện tập võ nghệ, theo đường binh nghiệp, gia nhập đội quân của triều đình nhà Trần.
Vào khoảng giữa thế kỷ XIV, nhà Trần bấy giờ đã có nhiều dấu hiệu suy yếu. Vua Trần xa hoa hưởng lạc, bỏ bê triều chính khiến lòng dân không thuận; hạn hán, lũ lụt khiến mất mùa xảy ra liên tiếp; một dải biên cương phía Bắc và phía Nam bị ngoại xâm lăm le, giặc dã nổi lên khắp nơi khiến đời sống người dân càng thêm khốn khó. “Bấy giờ, vâng lệnh vua, Thiều Thốn dẫn quân vào phía Nam, rồi lại lên phía Bắc, với tài dụng binh, ông đã chỉ huy quân sĩ dẹp được nội loạn, đánh tan bọn giặc xâm lấn ở biên thùy. Ông đã tỏ ra là người anh hùng nhất ba quân, công lao dư trăm trận” (sách Danh nhân Thanh Hóa).
Dưới triều vua Trần Dụ Tông, ở biên giới phía Bắc giặc ngoại xâm không ngừng quấy phá. Bấy giờ, nhà vua xuống chiếu phong cho tướng quân Thiều Thốn làm Phòng ngự sứ Lạng Giang. Ông thống lĩnh quân sĩ, đóng quân nơi biên ải, khéo vỗ về lòng người nên tướng sĩ trên dưới đều quý trọng. Có chuyện kể rằng, người thân tín của Thiều Thốn làm chuyện càn rỡ nên ông bị vạ trách phạt. Tuy nhiên sau đó, nhờ tài năng, đức độ và tướng sĩ trong quân “kêu oan” cho tấm lòng ngay thẳng của chủ tướng nên Thiều Thốn đã được phục chức.
Với tài trí và sự xuất chúng hơn người, tướng quân Thiều Thốn đã được vua Trần mến mộ gả con gái - ông được gia nhập vào hàng ngũ quý tộc nhà Trần. Từ vị thế của mình, ông và vợ là công chúa Trần Thị Chiêu đã có nhiều đóng góp cho quê hương Kẻ Chiểu.
Thiều Thốn cùng phu nhân là công chúa Trần Thị Chiêu đã góp phần không nhỏ đến sự mở rộng, phát triển của vùng đất Kẻ Chiểu quê hương và thậm chí là cả những vùng xung quanh. Và điều đó được thể hiện rõ ở việc sau khi mất, ông đã được người dân các làng trong vùng suy tôn là Thành hoàng làng.
Theo nhà nghiên cứu lịch sử Phạm Tấn: “Bởi vùng đất Kẻ Chiểu đã từng là quê hương, trang ấp của vị phò mã nhà Trần - Thiều Thốn nên có nhiều đặc quyền, đặc lợi và có điều kiện phát triển, mở mang hơn so với các vùng khác xung quanh. Và điều đó, cũng ít nhiều tác động đến tính cách tự hào, cao ngạo của người dân nơi đây... Người Kẻ Chiểu (Đông Tiến) biểu hiện rõ ở tính tự hào và tài ăn nói lưu loát và kẻ cả hơn đôi chút”.
Năm 1380 tướng quân Thiều Thốn qua đời, mộ ông táng ở núi Đào trên đất Kẻ Chiểu. Sau khi ông mất, triều đình phong kiến đã ban sắc phong cho ông là “Thượng đẳng Phúc thần Đại vương” và cho người dân lập đền thờ phụng, tế lễ theo “điển phép nhà nước”. Ngày nay, cả mộ phần và đền thờ của tướng quân Thiều Thốn đều nằm dưới chân núi Đào tĩnh lặng, được hậu thế chăm lo, hương khói thành kính.
Cách núi Đào một quãng ngắn chỉ vài trăm mét là núi danh thắng núi Bạch Thạch - tương truyền là nơi khi xưa gia đình Thiều Thốn từng ở trong những năm tháng còn nghèo khó. Lại nói, gần núi Bạch Thạch còn có “cồn Lực Sĩ” - nơi Thiều Thốn thuở trẻ thường tụ tập trai làng để tập luyện, thi tài võ nghệ... Thấm đẫm trong không gian của làng quê Kẻ Chiểu xưa là những dấu tích, chuyện kể với niềm tự hào của người dân vùng đất cổ dành cho danh tướng Thiều Thốn. Trải qua thời gian, đền thờ tướng quân Thiều Thốn đã được con cháu trong dòng họ và người dân địa phương đóng góp kinh phí tôn tạo khang trang. Bà Trần Thị Quyên, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Tiến, cho biết: “Ở Đông Tiến, người dân rất quan tâm đến việc giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống, nhờ đó mà việc trùng tu, tôn tạo các di tích, công trình tín ngưỡng tâm linh luôn huy động được nguồn xã hội hóa để thực hiện”.
Về với vùng đất Kẻ Chiểu xưa - Đông Tiến ngày nay, du khách không khỏi cảm mến sự đổi thay, phát triển của làng quê NTM. Ở vùng quê ấy, sự hiện hữu của những công trình kiến trúc tâm linh ví như “linh hồn” của bức tranh làng quê sống động. Cùng với đó là hệ thống đường làng, ngõ xóm phong quang, rộng rãi, các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng... Đông Tiến đang từng ngày hoàn thiện, trở thành vùng quê tươi đẹp, đáng sống.
Bài và ảnh: Khánh Lộc
{name} - {time}
-
9 giờ trước
Cây cầu huyền thoại Hàm Rồng
-
7:01 sáng nay
Nghỉ lễ dịp Giỗ Tổ Hùng Vương: Du khách chọn những điểm đến nào?
-
08:44 05/12/2024
Lần đầu tiên tổ chức Hội nghị quốc tế toàn cầu về Du lịch Nông thôn tại Việt Nam
Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại
Việt Nam có cơ hội quảng bá thương hiệu du lịch nông thôn ra với thế giới
Trải nghiệm cảm giác mạnh ở Xứ Thanh
Ðền thờ Cao Lỗ trên đất làng Hợp Ðồng
Những xu hướng nào sẽ định hình diện mạo ngành du lịch trong năm 2025?
[WOW! THANH HÓA] Dòng chảy huyền bí của miền núi Trường Sinh
Trên 260.000 lượt khách du lịch đến với thành Nhà Hồ trong năm 2024
Khám phá vùng đất bản Ngày
Thường Xuân đón trên 221.000 lượt khách du lịch