Điểm chuẩn vào ngành sư phạm tăng cao: Tín hiệu mừng!
Ngày 20/8, hầu hết các trường đại học đã công bố điểm chuẩn (điểm trúng tuyển). Thống kê cho thấy điểm chuẩn năm nay có sự biến động, chủ yếu tập trung ở tổ hợp C00 (Văn - Sử - Địa), đặc biệt là các khối ngành sư phạm.
Vừa nghe thông tin bé Mai nhà ông Đức đã đỗ ngành sư phạm, các bà trong phố đã râm ran trò chuyện: Nhà ông Đức đã giàu rồi, giờ con bé học tiếng Anh ra trường chỉ việc ngồi trong phòng lạnh, dạy học trò và thu tiền. Đúng là nước chảy chỗ trũng!
Xưa nghèo nhất là giáo viên, nay giáo viên thành phố hoặc trung tâm các xã, huyện... ai cũng giàu. Thực tế đó nên khu phố nhà tôi cứ gia đình nào có con đỗ sư phạm là cả phố bàn ra tán vào, tính cua trong lỗ, mỗi tháng chừng này tiền đây.
Câu chuyện thí sinh dù đạt 9,6 điểm mỗi môn vẫn trượt ngành sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội những ngày qua càng thêm mắm thêm muối cho các bà. Với điểm chuẩn 29,3, đồng nghĩa thí sinh phải đạt hơn 9,7 điểm mỗi môn mới có cơ hội vào trường. Mặc dù đã đạt mức điểm khủng, nhưng quan trọng hơn là thí sinh phải đăng ký nguyện vọng 1 mới có cơ hội trúng tuyển.
Đó tưởng như là mức điểm phi thực tế nhưng lại rất thực tế hiện nay. Theo thống kê, năm 2024, số thí sinh khối C tăng khoảng 20.000 so với năm 2023. Điểm trung bình ba môn thi cũng tăng 1,98 điểm. Đặc biệt, số lượng thí sinh đạt điểm xuất sắc tăng “kinh hoàng”. Ở mức điểm 27, nếu năm 2023 có 6.041 thí sinh, thì năm 2024 số lượng thí sinh đạt mức điểm này tăng gấp 4 lần. Số lượng thí sinh đạt 28 điểm tăng gấp 6 lần năm 2023, 29 điểm tăng hơn 10 lần. Số lượng thí sinh từ trên 29 điểm đến 30 điểm năm 2024 tăng hơn 54 lần năm 2023.
Những con số ấy có lẽ là tín hiệu vui với các phụ huynh và nhà trường, song cũng không ít băn khoăn. Đọc những dòng status của một người bạn thời THPT nay đang là giáo viên: “Quá khủng cho một kỳ thi. Ngày nớ điểm của các cô chỉ nhỉnh hơn 1⁄2 điểm của các con hiện nay là đã đỗ sư phạm Ngữ văn rồi”, tôi lại nhớ cái ngày xa xưa ấy, thế hệ chúng tôi ai mà đạt đến 24 điểm thì đã có thể là thủ khoa đại học rồi. Còn bây giờ, 24 điểm là cầm chắc vé... trượt.
Giữa cơn lốc phát triển kinh tế với làn sóng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) thì việc các học sinh, sinh viên quan tâm đến ngành sư phạm thực sự là tín hiệu tích cực. Sự quan tâm đặc biệt ấy bắt nguồn từ sự ra đời của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm”. Nghị định này áp dụng bắt đầu từ khóa tuyển sinh năm học 2021-2022. Và, gần đây nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 91 ngày 12/8/2024, trong đó khẳng định “lương nhà giáo được ưu tiên cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”. “Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”, vì thế, nếu theo đuổi ngành này chỉ vì những lợi ích và toan tính về mặt kinh tế, thì khó có thể giữ được sự cao quý ấy.
Gạt toan tính của số ít người sang một bên, rõ ràng sức hút đặc biệt của nhóm ngành sư phạm thời gian gần đây đã tạo điều kiện cho các trường đào tạo sư phạm thu hút được đầu vào chất lượng cao hơn. Đầu vào chất lượng đồng nghĩa với việc các trường sẽ cho “ra lò” đội ngũ giáo viên chất lượng hơn, đáp ứng với yêu cầu về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phục vụ đắc lực sự nghiệp CNH, HĐH đất nước như tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã đề ra.
BẢO ANH
{name} - {time}
-
2024-11-15 07:29:00
Xác định rõ nghĩa vụ
-
2024-11-10 07:22:00
Vỡ hụi - Chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”
-
2024-08-04 15:47:00
Nhớ những tờ báo cũ của mẹ
Xin thắp một nén hương thơm!
Cho tiếng sóng biển mãi rì rào hát khúc tình ca
Đừng để nỗi ám ảnh thành sự thật
Cỏ cháy bên đường
Hành động thiết thực
Bình chọn 50 tác phẩm văn học và nghệ thuật: Nhìn lại để bước tiếp
Ngăn “bệnh dại” trên mạng
Cho biển ngọc mãi hát khúc tình ca...
“Hãy yêu thương nhau khi còn sống”