(vhds.baothanhhoa.vn) - Thiên nhiên ban tặng cho thôn Đôn, xã Thành Lâm (Bá Thước) khí hậu trong lành, mát mẻ, khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ với hệ thống ruộng bậc thang cùng nhiều nét văn hóa truyền thống… Đây chính là “bệ đỡ” để có thể thúc đẩy du lịch phát triển, qua đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần quan trọng trong “công cuộc” giảm nghèo bền vững của thôn Đôn.

Bà con thôn Đôn làm du lịch cộng đồng

Thiên nhiên ban tặng cho thôn Đôn, xã Thành Lâm (Bá Thước) khí hậu trong lành, mát mẻ, khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ với hệ thống ruộng bậc thang cùng nhiều nét văn hóa truyền thống… Đây chính là “bệ đỡ” để có thể thúc đẩy du lịch phát triển, qua đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần quan trọng trong “công cuộc” giảm nghèo bền vững của thôn Đôn.

Bà con thôn Đôn làm du lịch cộng đồng

Một góc của thôn Đôn, xã Thành Lâm (Bá Thước).

“Món quà” của tạo hóa

Nằm cách trung tâm huyện Bá Thước gần 14km, thôn Đôn có 159 hộ dân với 687 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Về với thôn Đôn, du khách được rong ruổi khám phá, thưởng ngoạn vẻ hùng vĩ, thơ mộng, huyền ảo, gần như quanh năm mây mù bao phủ. Thôn Đôn còn có hệ thống ruộng bậc thang trải thảm trên những triền đồi. Chính vẻ đẹp mộc mạc, hoang dã nơi đây mang lại cảm tình, níu chân lữ khách khi về với thôn Đôn.

Đến thôn Đôn du khách không chỉ được ngắm cảnh thiên nhiên đẹp tựa bức tranh thủy mặc, mà còn được tìm hiểu kiến trúc truyền thống qua nếp nhà sàn của người Thái; thưởng thức những món ăn được chế biến công phu từ những nguyên liệu gần gũi có sẵn từ núi rừng, suối khe; được đắm mình trong những làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc do các cô gái Thái biểu diễn bên ánh lửa bập bùng; tham gia trải nghiệm các hoạt động lao động sản xuất cũng như đời sống sinh hoạt hàng ngày với người dân bản địa...

Biến tiềm năng thành hiện thực

Đến thăm thôn Đôn vào những ngày cuối tháng 5, đón chúng tôi là anh Hà Văn Thược, chủ khu nghỉ dưỡng sinh thái homestay. Sinh ra trong gia đình thuần nông, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, rồi xây dựng gia đình và ra ở riêng vẫn với hai bàn tay trắng, nhiều năm liền, gia đình anh nằm trong danh sách hộ nghèo của thôn. Nhưng với ý chí quyết tâm vươn lên, năm 2017 anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng và anh em trong dòng họ đầu tư làm du lịch. Vừa làm, vừa học hỏi và được gia đình, bạn bè động viên hỗ trợ, anh từng bước vượt qua và đạt được những kết quả rất khả quan. Hiện nay, anh đã xây dựng cho mình được 1 bungalow (nhà gỗ) với 6 phòng nghỉ; 1 nhà sàn, 6 phòng nghỉ bình dân với sức chứa khoảng 50 du khách. Việc phát triển du lịch cộng đồng đã mang lại cho gia đình anh Thược khoản thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 8 lao động, với mức lương trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.

Anh Hà Văn Thược hào hứng: “Nhờ phát triển du lịch cộng đồng, cuộc sống của gia đình tôi được cải thiện rõ nét, có điều kiện chăm sóc các con tốt hơn và tạo việc làm ổn định cho một số lao động địa phương”.

Bà con thôn Đôn làm du lịch cộng đồng

Quang cảnh homestay của gia đình anh Hà Văn Thược hấp dẫn du khách.

Cũng như anh Thược, anh Hà Văn Hoanh đã vượt qua những khó khăn của cuộc sống từng bước vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương bằng phát triển dịch vụ du lịch. Anh Hoanh chia sẻ: “Năm 2015, tôi vay vốn ngân hàng đầu tư xây dựng nhà sàn và một số phòng nghỉ làm homestay, kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng. Sau vài năm hoạt động có hiệu quả, tôi tiếp tục đầu tư làm mới cảnh quan, mua sắm thêm vật dụng tiện nghi, hệ thống nước nóng lạnh, mạng wifi; học cách chụp ảnh, tham gia mạng xã hội để đăng bài giới thiệu về homestay, cuộc sống của người dân và vẻ đẹp thiên nhiên thôn Đôn”.

Nhờ phát triển các dịch vụ du lịch cộng đồng, gia đình anh Hoanh đã có thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 4 lao động với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Nhờ có nguồn thu nhập ổn định, anh Hoanh luôn hăng hái góp công, góp của, cùng bà con trong thôn xây dựng nông thôn mới.

Nhiều hộ khác ở thôn Đôn cũng mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển du lịch cộng đồng và bước đầu mang lại hiệu quả rất đáng ghi nhân. Theo báo cáo của thôn Đôn, hiện thôn có 24 hộ dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ du lịch cộng đồng. Việc phát triển mô hình du lịch này không chỉ giúp các hộ gia đình có nguồn thu nhập cao mà còn tạo việc làm cho khoảng 50 người trong thôn. Qua đó, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững của thôn Đôn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Huy Giáp, Trưởng thôn Đôn, cho biết: Trong thời gian qua, nhiều hộ dân trong thôn mạnh dạn đầu tư vốn làm du lịch cộng đồng mang lại nguồn thu nhập cao và tạo việc làm cho người dân địa phương, góp phần quan trọng đưa thôn Đôn về đích nông thôn mới vào năm 2019. Hiện nay, thôn chỉ còn 11 hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng/năm, đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.

“Những hoạt động homestay của hộ gia đình, các nhà đầu tư tại thôn Đôn đã đánh thức tiềm năng du lịch to lớn nơi đây, hiện thực hóa mong muốn đưa đời sống, văn hóa của dân tộc Thái đến gần với du khách trong và ngoài nước thông qua hoạt động du lịch trải nghiệm, khám phá. Trong thời gian tới, xã Thành Lâm tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư và khuyến khích các hộ ở thôn Đôn phát triển du lịch cộng đồng gắn với việc bảo vệ môi trường, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Qua đó, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững của thôn Đôn nói riêng và xã Thành Lâm nói chung”, ông Trịnh Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Thành Lâm, cho biết.

Bài và ảnh: Xuân Cường


Bài và ảnh: Xuân Cường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]