(vhds.baothanhhoa.vn) - Bàn A sơn (phường Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa) được đánh giá là nơi hội sơn, tụ thủy, từng hấp dẫn, gọi mời biết bao tao nhân, mặc khách đến thưởng ngoạn, đề thơ. Theo thời gian, dù cảnh sắc nơi từng được Ngô Thì Sĩ (hiệu Ngọ Phong) hết mực ngợi ca, đã không còn nguyên vẹn, tuy nhiên bóng dáng “thập cảnh Bàn A” xưa vẫn lưu lại mãi đây, trong những trang viết của người xưa và niềm tự hào của các thế hệ con cháu nơi này.

Bàn A sơn, nơi để tao nhân, mặc khách tìm về...

Bàn A sơn (phường Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa) được đánh giá là nơi hội sơn, tụ thủy, từng hấp dẫn, gọi mời biết bao tao nhân, mặc khách đến thưởng ngoạn, đề thơ. Theo thời gian, dù cảnh sắc nơi từng được Ngô Thì Sĩ (hiệu Ngọ Phong) hết mực ngợi ca, đã không còn nguyên vẹn, tuy nhiên bóng dáng “thập cảnh Bàn A” xưa vẫn lưu lại mãi đây, trong những trang viết của người xưa và niềm tự hào của các thế hệ con cháu nơi này.

Bàn A sơn, nơi để tao nhân, mặc khách tìm về...

Từ Bàn A sơn đưa mắt trông ra bốn bề non nước hữu tình

Từ Bàn A sơn, theo sông Mã, sông Chu ngao du, thưởng ngoạn cảnh sông núi thì chính là một trong những lạc thú ở đời.

Vì nằm ở vị trí gần khu vực ngã ba Đầu (nơi hợp lưu giữa con sông Mã và sông Chu) nên có những thời điểm khu vực từ Bàn A sơn đến làng Giàng (phường Thiệu Dương, TP Thanh Hóa) đã sớm trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế của Thanh Hóa xưa.

Các nhà nghiên cứu lịch sử và khảo cổ đều thống nhất rằng: Thành Tư Phố - sở lị của quận Cửu Chân (thời Bắc thuộc) nằm chính tại khu vực này.

Nhiều thương gia nước ngoài đã từng theo đường biển, đường sông để đến đây buôn bán, giao thương. Chính vùng tam giác hạ lưu châu thổ sông Mã, sông Chu này đã là nơi hội tụ, chứng kiến biết bao biến động lịch sử trên mảnh đất xứ Thanh này. Cũng từ đây, trông ra bốn bề đều thấy gần gũi với nhiều di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu như: Núi Đọ, Đông Khối, làng Giàng - quê hương của anh hùng Dương Đình Nghệ…

Với vị thế đặc biệt, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp mà nơi đây trở thành địa điểm thu hút nhiều tao nhân, mặc khách tìm về.

Có lẽ, trong số các tao nhân, mặc khách từng đến với Bàn A sơn, thì Ngô Thì Sĩ, là người gắn bó và để lại ấn tượng sâu sắc nhất. Mùa hè Đinh Hợi (1767), ông về triều tiếp sắc chỉ với hàm Đông các, sau đó được bổ đi làm Hiến sát xứ Thanh Hoa.

Ngoài thời gian giải quyết công việc, ông thường tìm đến những nơi có phong cảnh đẹp ở xứ Thanh thăm thú. Chính cảnh sắc thiên nhiên vừa đậm nét hoang sơ, kỳ vĩ mà không kém phần tình tứ, lãng mạn đã níu lòng người du khách, quyến luyến không rời.

Bàn A sơn, nơi để tao nhân, mặc khách tìm về...

Những nếp nhà bình yên dưới chân núi.

Trong bài ký “Bàn A sơn quan lan sào” do Ngô Thì Sĩ viết (Ngạn xuyên Ngô Đức Thọ dịch) miêu tả rất chi tiết về vẻ đẹp của Bàn A Sơn: Lại về phía đông lỵ sở có một ngọn núi tên là núi Bàn A ở xã Đại Khánh, huyện Đông Sơn. Núi này không cao lắm nhưng quanh co uốn khúc rất đáng yêu. Núi nhìn xuống sông Lương Giang, một chi từ bên hữu đội lên thành núi Da Sơn; một mạch từ bên tả ngạn giáp Lương Giang chạy về núi Bằng Trình làm thành núi Thái Bình. Sông Mã từ trên thượng nguồn chảy đến đó thì hợp với nhánh bên phải làm thành ngã ba sông. Hai dòng nước chầu phía trước, hai ngọn núi vòng ôm hai bên tả hữu. Phía trước là sông lớn, cả hai bên đều có doi cát nổi lên. Doi bên trái là Ngân đai (đai bạc), doi bên phải là Ngọc ấn (Ấn ngọc), bày bố tự nhiên theo thế ôm vòng.

Bàn A sơn, nơi để tao nhân, mặc khách tìm về...

Con đường nhỏ hẹp, gập gềnh đá, trơn trượt trước đây cũng không cản trở được bước chân các tao nhân, mặc khách tìm đến nơi đây.

Trên lưng núi, đối diện với dòng sông là một vách đá. Giữa thân vách đá có một chỗ lõm sâu vào, bên trong có thể ngồi lọt một người ngồi xếp chân, dựa lưng vào vách.

Bên trên đầu có một lỗ thủng như hình chiếc mũ, bên trái bên phải có thể để được những đồ dùng. Lại có chỗ có những thanh đá như song cửa sổ, bên trong ngồi được hai người đối diện với nhau dựa lưng vào song cửa sổ.

Hai bên tả hữu có hai hòn đá như hai đứa tiểu đồng. Từ phiến đã dựng ở chỗ song đồng ấy có thể nhìn xuống dòng sông, người bên dưới theo lối bên trái có thể đi lên trên chòi.

Từ trên cao nhìn xa, thấy làn nước mênh mông bao quanh xóm núi, suối hạc, bãi le, mà tự mình được ứng tiếp muôn vạn cảnh, không thể hình dung hết được…

Bàn A sơn, nơi để tao nhân, mặc khách tìm về...

Tượng Phật đặt cheo leo trên đỉnh núi khiến du khách ngỡ như mình đã đến chốn bồng lai, tiên cảnh.

Dường như, mỗi phiến đá, mỗi cảnh vật hiện hữu đều khiến ông cảm thấy yêu mến, thích thú. Vì chỗ này có thể xem sông nước nhưng nhỏ không đủ gọi là hang động nên được đặt tên là “quan lan sào” (cái tổ xem sóng), thường xuyên đến vãn cảnh, nghỉ ngơi.

Cảnh đẹp nơi đây khiến Ngô Thì Sĩ không khỏi cảm thán: “Tôi đi xem nhiều núi, yêu thích núi đã lâu, ngay chỗ không có ngọn khói, dấu chân con người mà có ngọn núi, con sông cảnh đẹp cả đến cảnh vật khiến người quê mùa có khi quên khuấy, còn như ngọn núi đẹp như thế này tôi làm sao mà vô cảm được”.

Bàn A sơn, nơi để tao nhân, mặc khách tìm về...

Chùa Đại Hùng (hay còn gọi là chùa Vồm) tọa lạc dưới chân núi Bàn A

Không chỉ có Ngô Thì Sĩ, vẻ đẹp của Bàn A sơn còn làm rung động biết bao tao nhân, mặc khách, tạc đá đề thơ, “tức cảnh sinh tình” mà ghi lại cảm xúc của mình và cũng là góp phần làm cho vẻ đẹp Bàn A sơn thêm phần danh giá.

Ví như lời đề tựa của Ngô Phúc Lâm trong “Bàn A sơn quan lan sào thi” khiến xứ Thanh muôn phần tự hào trước cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp mà tạo hóa ưu ái ban tặng: Danh thắng ở nơi quê hương của nhà vua rất nhiều, sao lại cuồn cuộn ở nơi này nhiều như vậy? Há phải núi này gần lị sở xứ Thanh, quan Hiến sát qua lại nhiều nên cái khéo, cái đẹp của hang động, lèn đá đều tự hiện lên như vậy với quan Hiến sát? Há phải vì quan Hiến sát yêu núi, mà núi cũng may được quan Hiến sát chia sẻ nỗi lòng? Những người cùng đi tán thưởng cái ý ấy của quan Hiến sát mà coi đó như một cuộc ngoạn chơi thư nhàn.

Thế sự đổi dời, vẻ đẹp của “thập cảnh Bàn A” từng được miêu tả dưới ngòi bút của các bậc tao nhân, mặc khách đã không còn giữ được nguyên vẹn như xưa. Tuy nhiên, tình cảm yêu mến, ngưỡng mộ của các bậc tao nhân, mặc khách, danh sĩ dành cho Bàn A sơn vẫn ghi tạc vào đá núi, lưu dấu mãi với thời gian, trong niềm tự hào của đất và người xứ Thanh.

Hoàng Linh


Hoàng Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]