(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Tôi về thăm điểm du lịch thác Hiêu (xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước) đúng vào dịp một số hộ nơi đây đang làm thêm công trình vệ sinh phục vụ khách du lịch. Gần 10 năm làm quen với loại hình du lịch cộng đồng, cuộc sống của một số hộ ở đây đã có những thay đổi tích cực...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện làm du lịch cộng đồng

(VH&ĐS) Tôi về thăm điểm du lịch thác Hiêu (xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước) đúng vào dịp một số hộ nơi đây đang làm thêm công trình vệ sinh phục vụ khách du lịch. Gần 10 năm làm quen với loại hình du lịch cộng đồng, cuộc sống của một số hộ ở đây đã có những thay đổi tích cực...

Điều khiến tôi ngạc nhiên chính là con đường từ trung tâm xã Cổ Lũng đến Thác Hiêu đang còn rất xấu, nhỏ, lại thêm ổ voi, ổ gà. Nếu vào ngày mưa thì dắt xe bộ cũng khó thế nhưng vẫn có những chiếc xe công nông chở nguyên vật liệu lên đến chân thác. Trong 6 hộ làm du lịch cộng đồng ở bản Hiêu, có hộ anh Hà Văn Sỹ và anh Hà Văn Lý đang làm thêm nhà vệ sinh để phục vụ khách du lịch. Theo như lời anh Sỹ, để hoàn thành một nhà vệ sinh theo kiến trúc của nhà đầu tư người Pháp mất khoảng 30 triệu đồng. Cái khó, cái khổ nhất vẫn là công vận chuyển vật liệu, nó còn đắt hơn cả tiền mua nguyên vật liệu. Vì xe ô tô chỉ chở nguyên vật liệu đến chân thác, còn từ chân thác lên đến nhà người dân lại phải thuê xe trâu. Thế mới biết, làm du lịch cộng đồng khó chứ không dễ, khó về đường giao thông và rất nhiều thứ khác nữa...

Thôn Hiêu có Thác Hiêu nằm trong vùng lõi khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, đây là điểm đến yêu thích của khách du lịch. Trong số 42 hộ, 167 khẩu, mới có 6 hộ làm du lịch cộng đồng. Tất nhiên, bà con ở đây cũng đang làm du lịch mang tính chất tự phát, nhỏ lẻ. Thôn Hiêu cũng là một thôn đặc biệt khó khăn ở xã Cổ Lũng. Nhưng từ khi có du lịch về số hộ nghèo ở thôn Hiêu đã giảm đáng kể, từ 100% hộ nghèo giờ chỉ còn 48%. Nhớ lại những ngày đầu làm du lịch cộng đồng, vợ chồng chị Bùi Thị Vân và anh Hà Văn Lý kể: “Gia đình em vào năm 2012 còn khó khăn lắm, còn đang ở nhà tranh, vách nứa, là hộ nghèo của xã, chẳng dám nghĩ đến chuyện làm du lịch đâu. Nhưng rồi thấy cuộc sống khổ quá mà nhìn mấy nhà làm được thì chúng em cũng cứ mạnh dạn làm thôi. Năm 2013, vợ chồng vay tiền để làm cái nhà sàn này, làm nhà vệ sinh tự hoại, rồi đi mua bát, mua đĩa, mua đệm, mua chăn để đón khách. Khách này giới thiệu khách kia rồi kinh tế cứ phát triển lên một tí...”. Trước, gia đình chị Vân phải đi đặt món ăn cho khách nhưng giờ thì đã có thể tự tay chế biến món ăn, đó là nhờ qua những lần tập huấn và đi tham quan mô hình ở các tỉnh bạn.

Từ nhà chị Vân qua nhà anh Hà Văn Sỹ chỉ một đoạn ngắn. Tổng diện tích của nhà anh Sỹ là 1.800m2 với 3 nhà sàn, 3 nhà chòi, 3 nhà vệ sinh, vườn cây, ao cá... Gia đình anh Sỹ bắt đầu làm du lịch từ năm 2007 và cũng là gia đình đầu tiên làm du lịch ở bản Hiêu này. Sau 9 năm gắn bó với du lịch cộng đồng, anh Sỹ từ hộ nghèo thì đến nay đã thoát nghèo. Từ chỗ chưa biết giao tiếp, chưa biết nấu ăn ngon thì giờ mọi cái cũng đã ổn định hơn nhiều. Anh Sỹ khoe: “Nhà mình toàn khách Tây thôi à. Hôm nào đông cũng phải tới 20 người...”.

Nhà chòi giúp gia đình anh Hà Văn Sỹ thu hút khách du lịch.

Nếu như ở bản Hiêu này, có những hộ gia đình đã có kinh tế vững hơn nhờ làm du lịch cộng đồng thì còn nhiều hộ gia đình cũng đang mang trong mình những khát vọng được làm du lịch. Tôi đã được gặp vợ chồng anh Hà Văn Ngại, người hàng xóm liền kề với nhà vợ chồng anh Hà Văn Lý. Nhà anh Ngại cũng thuộc hộ nghèo của xã Cổ Lũng. Khi tôi hỏi anh Ngại rằng gia đình anh có muốn được làm du lịch cộng đồng không, anh cười buồn: “Cũng muốn lắm, nhưng không có vốn. Vay ngân hàng thì phải trả lãi nhưng không biết khách có đến nhà mình không. Cũng thèm làm du lịch lắm chứ, nhưng chịu thôi, chẳng có tiền...”.

Tôi mang tâm sự của anh Ngại kể lại cho ông Bùi Văn Sâm - Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng, ông Sâm gật đầu bảo: “Đúng là còn rất nhiều người dân thôn Hiêu muốn được làm du lịch cộng đồng nhưng xã cũng chưa khuyến khích vì phía sau việc làm du lịch còn nhiều vấn đề đặt ra để lại cho xã như vệ sinh môi trường, cảnh quan... Hơn nữa đây là khu danh thắng, nên cơi nới đồng nghĩa với việc xâm phạm nên xã phải gìn giữ nét hoang sơ ban đầu”.

Được biết, huyện Bá Thước cũng đã có chương trình phát triển du lịch đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, huyện sẽ triển khai quy hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, trong đó sẽ nâng cao nhận thức cho người dân cũng như các cấp chính quyền về loại hình du lịch sinh thái cộng đồng, “mỗi người dân là một nhà marketting”. Hiện dự án làm đường từ trung tâm xã Cổ Lũng vào thác Hiêu đã được triển khai thực hiện với tổng kinh phí 35 tỷ đồng và sẽhoàn thành trong 3 năm.

Làm du lịch cộng đồng dễ mà khó bởi còn mang tính tự phát, dàn trải, chưa thực sự phát huy hết tiềm năng và giá trị đặc sắc của các loại hình văn hóa; sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu; kỹ năng giao tiếp của nguồn nhân lực du lịch chưa cao... Tuy nhiên, với bản Hiêu, cho dù là làm du lịch cộng đồng còn mang tính tự phát nhưng từ du lịch mà làm cho cuộc sống được thay đổi, kinh tế đi lên và đặc biệt là sự khao khát được làm du lịch thì đó cũng là điều đáng mừng, đáng trân trọng. Chỉ còn chờ triển khai quy hoạch, thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và UBND tỉnh quan tâm vào khu du lịch sinh thái Pù Luông, chắc chắn khi đó, không chỉ ở bản Hiêu mà ở nhiều điểm du lịch khác sẽ có cơ hội phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Hoàng Việt Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]