(vhds.baothanhhoa.vn) - Sở hữu nhiều khu, điểm du lịch, cùng với đó là đa dạng hoạt động trải nghiệm đặc sắc, du lịch xứ Thanh những ngày đầu xuân trở nên nhộn nhịp, hút khách. Sự “ấm dần” của thị trường du lịch trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa là tiền đề, vừa là động lực để xứ Thanh tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế.

Nhiều lựa chọn cho du khách khi đến với xứ Thanh

Sở hữu nhiều khu, điểm du lịch, cùng với đó là đa dạng hoạt động trải nghiệm đặc sắc, du lịch xứ Thanh những ngày đầu xuân trở nên nhộn nhịp, hút khách. Sự “ấm dần” của thị trường du lịch trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa là tiền đề, vừa là động lực để xứ Thanh tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế.

Nhiều lựa chọn cho du khách khi đến với xứ ThanhDu khách ấn tượng với các không gian trưng bày, trải nghiệm tại Di sản văn hóa Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc).

Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, sản phẩm hút khách hàng đầu khi đến xứ Thanh đó là văn hóa lịch sử - tâm linh. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở các hoạt động tham quan, vãn cảnh, nhiều địa phương, điểm đến đã có những cách làm hay, sáng tạo nhằm mang đến cho du khách thêm nhiều lựa chọn, trải nghiệm hấp dẫn.

Dịp Tết Nguyên đán năm nay, tại Di sản Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc) cùng với các hoạt động trình diễn văn hóa nghệ thuật vùng Tây Đô, cho chữ đầu xuân, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ còn tổ chức trưng bày hoa xuân với chủ đề “Hoa xuân cố đô”; tái hiện không gian tết xưa với chủ đề “Tết xưa di sản” và trưng bày ảnh “Con đường di sản”. Bên cạnh đó, du khách còn hào hứng tham quan, check-in tại các không gian trưng bày, như: “Đất và người Tây Đô” và các không gian trưng bày hiện vật ngoài trời. Đặc biệt, dịp Tết cổ truyền năm nay, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ đã giới thiệu và đưa vào phục vụ du khách các tour du lịch kết nối Thành Nhà Hồ với các điểm đến phụ cận, như: Nhà trưng bày - Khu trưng bày ngoài trời - Không gian văn hóa nông nghiệp vùng Tây đô - Cổng Nam và khu trưng bày đá xây thành; Nhà trưng bày - Đền Bình Khương - Hoàng thành - Nhà cổ ông Phạm Ngọc Tùng - Cổng Nam và khu trưng bày đá xây thành...

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ Nguyễn Bá Linh cho biết: “Cùng với việc bố trí các không gian mang đậm dấu ấn tết xưa, chúng tôi còn giới thiệu đến du khách nhiều chương trình du lịch kết nối di sản với các di tích, điểm đến vùng phụ cận. Qua đó không chỉ góp phần làm phong phú thêm hoạt động tham quan, vãn cảnh của du khách dịp đầu xuân, mà hơn hết du khách còn có thêm những lựa chọn mới, hấp dẫn và hiểu hơn về văn hóa vùng đất Tây Đô”.

Cùng với du lịch di sản Thành Nhà Hồ, nhiều địa phương, khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực quảng bá, tổ chức nhiều sự kiện đặc sắc, sôi động dịp tết để thu hút khách. Tiêu biểu như Khu di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân) với các hoạt động: Viết câu đối, cho chữ đầu xuân tại đền thờ vua Lê Thái tổ, trưng bày triển lãm ảnh, Lễ hội khai Xuân, Lễ hội Trung túc vương Lê Lai; TP Thanh Hóa với các hoạt động văn hóa tại Công viên Hội An, chương trình “Tết xưa làng cổ”, Hội diễn Vovinam các câu lạc bộ tỉnh Thanh Hóa,...; huyện Thường Xuân tổ chức Lễ hội Nàng Han và đón nhận Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Nàng Han xã Vạn Xuân; Anh Phát Hotels & Resorts (thị xã Nghi Sơn) với các hoạt động trải nghiệm trượt zipline, đua xe Gokart, chèo thuyền kayak, trượt cỏ, đua xe ATV địa hình, bắn súng sơn... Qua đó góp phần làm cho không khí những ngày Tết cổ truyền thêm rộn ràng, hấp dẫn.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh Trần Đình Sơn thông tin: Trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, các doanh nghiệp dịch vụ du lịch Thanh Hóa đã bám sát định hướng phát triển chung của ngành du lịch cũng như địa phương, tích cực tham gia vào các hoạt động quảng bá, xúc tiến. Qua đó không chỉ khai thác khách nội tỉnh đi ra tỉnh ngoài, mà qua đó còn đẩy mạnh các tour kết nối khách đến với các tour khám phá văn hóa xứ Thanh dịp Tết Nguyên đán, đặc biệt là từ những thị trường mới như các tỉnh, thành Đông Nam bộ, Tây Bắc... Đối với các khu, điểm du lịch, các khu nghỉ dưỡng đã bám sát định hướng của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch và địa phương để tổ chức có hiệu quả các hoạt động trải nghiệm văn hóa đặc sắc, đồng thời xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp xu hướng mới, mang đến cho du khách thêm nhiều lựa chọn khi đến với xứ Thanh trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Có thể nói, dịp Tết Nguyên đán chỉ kéo dài 7 ngày, song đây là khoảng thời gian lý tưởng để người dân, du khách khám phá văn hóa xứ Thanh một cách ý nghĩa nhất. Với các địa phương, khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã cố gắng, nỗ lực trong việc phát triển sản phẩm, tổ chức đa dạng các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc, đồng thời đảm bảo các điều kiện đón tiếp, phục vụ khách an toàn, lành mạnh. Qua đó, du lịch dịp Tết Nguyên đán không còn đơn thuần là các hoạt động văn hóa tâm linh mà đây còn là cơ hội để các địa phương, khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh “ghi điểm” với du khách bởi nhiều sản phẩm mới, hoạt động trải nghiệm hấp dẫn, đặc sắc.

Bài và ảnh: Lê Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]