(vhds.baothanhhoa.vn) - Trịnh Vạn xưa, xã Vạn Xuân (Thường Xuân) là thung lũng lòng chảo rộng lớn, lại thêm, phía trên là các dãy núi đất, núi đá theo nước mưa chảy xuống bồi tụ nên đồng lúa không những rộng lớn mà còn khá màu mỡ. Charles Robequain trong cuốn Le Thanh Hoa đã khẳng định rất rõ điều này. Cũng vì thế mà đồng bào dân tộc Thái từ xa xưa đã vang lên câu ca dao ca ngợi: “Trịnh Vạn đất rộng, trời bằng/ Đường đi lối lại sớm chiều phẳng phiu”.

Về đất Trịnh Vạn đi hội nàng Han

Trịnh Vạn xưa, xã Vạn Xuân (Thường Xuân) là thung lũng lòng chảo rộng lớn, lại thêm, phía trên là các dãy núi đất, núi đá theo nước mưa chảy xuống bồi tụ nên đồng lúa không những rộng lớn mà còn khá màu mỡ. Charles Robequain trong cuốn Le Thanh Hoa đã khẳng định rất rõ điều này. Cũng vì thế mà đồng bào dân tộc Thái từ xa xưa đã vang lên câu ca dao ca ngợi: “Trịnh Vạn đất rộng, trời bằng/ Đường đi lối lại sớm chiều phẳng phiu”.

Về đất Trịnh Vạn đi hội nàng HanNhiều trò chơi dân gian được người dân tham gia trong lễ hội.

Vạn Xuân ngày nay, chủ yếu là người đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Dù họ không biết rõ lịch sử quần cư đất này tự khi nào, nhưng họ chính là nhóm người có hệ thống truyện kể, truyền thuyết gắn liền thời kỳ “khai thiên lập địa”, với những nhân vật khổng lồ như Pu Đẳng Đẻnh, Ải Lạc Cậc, La Cùm Phạ - biểu tượng cho ý chí, sức mạnh con người trong đấu tranh sinh tồn, tạo lập bản mường và giải thích nhiều sự vật, hiện tượng tự nhiên của vùng đất Trịnh Vạn. Nổi lên nhất là sự tích núi Hang, kể lại chuyện nàng Han - một nữ thủ lĩnh đã chiến đấu oanh liệt với lũ “giặc nước”.

Tên gọi Trịnh Vạn xuất hiện trong các ghi chép của triều đình phong kiến Việt Nam chính thức từ thời Trần - Hồ, là 1 trong 12 động, sách của huyện Thọ Xuân (cũ), trấn Thanh Đô. Đến thời Lê nhập vào châu Lang Chánh. Đến năm 1837, động Trịnh Vạn đổi thành xã Trịnh Vạn, châu Thường Xuân.

Thời kỳ đó, ở đây ít nhất có 2 nhóm Thái, trong đó nhóm chi họ Tạo Đăm, Tạo Mường chiếm phần lớn. Chính dòng họ này đã sinh ra người nữ thủ lĩnh tham gia khởi nghĩa Lam Sơn đầu thế kỷ XV đóng góp sức lực vào sự nghiệp chống giặc Minh của dân tộc. Người thủ lĩnh ấy tục gọi là nàng Han, tên thật là Cầm Quế Nga.

Sách Lịch sử Đảng bộ xã Vạn Xuân có ghi: Trong giai đoạn đầu của khởi nghĩa Lam Sơn, bên cạnh đóng góp về lực lượng, với vị trí là nơi có đường thủy duy nhất và là đường bộ thứ hai đi lên núi Chí Linh, nên vùng Trịnh Vạn còn được xem là căn cứ địa của cuộc khởi nghĩa. Trận thua ngày 16 tháng Giêng năm Giáp Ngọ (1414), Lê Lợi buộc phải rút vào ẩn náu ở núi Chí Linh lần thứ nhất, từng bước gây dựng lại lực lượng. Với hy vọng tiêu diệt, xóa bỏ tận gốc cuộc khởi nghĩa ngay khi còn trong trứng nước, giặc Minh tiến quân đánh úp phía sau núi Chí Linh. Sách “Lam Sơn thực lục” có chép: Giặc cậy mạnh, vào cả đất hiểm để bức nhà vua. Nhà vua đặt quân ở xứ Vấn Mang, dùng tên thuốc bắn hai bên, giặc mới tan chạy...”. Vấn Mang chính là vùng Trịnh Vạn.

Người phụ nữ mà cả vùng Trịnh Vạn này ai cũng biết đến tên, đó là nàng Han. Nàng không chỉ đẹp người, ngoan nết mà còn rất thông minh và võ nghệ hơn người. Nàng cưỡi ngựa vào rừng săn bắn muông thú, bắn trăm phát trăm trúng. Khi đất nước có loạn, quê hương bị giặc cướp phá, lâm vào cảnh khốn cùng, lệnh vua truyền đi khắp các bản phải tìm cho được người tài giỏi để giúp dân, giúp nước. Nghe lệnh vua ban, nàng Han thưa với bố mẹ cho được giúp vua diệt trừ lũ giặc, giữ cho yên bản, vui mường.

Giấu thân phận nữ nhi, trước mặt văn võ bá quan triều đình, nàng trổ tài cung kiếm trước sự thán phục của mọi người. Vua ra lệnh ban cho nàng thống lĩnh một đội quân, trở về chiến đấu tại chính vùng rừng núi quê nhà, bảo vệ bản mường. Vâng lệnh vua, nàng Han về quê hương, ngày đêm tập luyện, canh giữ bản làng, đánh đâu thắng đó.

Ghi chép những chuyện xung quanh nàng Han đến nay vẫn còn lưu lại khá nhiều. Chẳng hạn như là trong một lần đồ xôi cho binh sĩ ăn trước khi lên đường diệt giặc, nàng đổ gạo trắng lên hông (dụng cụ đồ xôi), bỗng nhiên gạo đổi màu đỏ như máu. Lần đó nàng Han cùng binh sĩ có một trận thắng lớn. Đánh tan giặc, bản làng trở lại yên bình, nàng Han phi ngựa vào núi Phả Thăm, đến sát chân núi đá thì cả người và ngựa từ từ bay lên trời. Không chỉ có trong truyện kể, nhiều địa danh ở xã Vạn Xuân ngày nay còn có liên quan đến nàng. Đó là Chiềng Nưa – nơi nàng cho đắp Viềng được Nhân dân lập đền thờ phụng, Ruộng Đầu lâu – nơi diễn ra trận chiến nàng chém rụng đầu vô số quân giặc...

Về đất Trịnh Vạn đi hội nàng HanBà Cầm Thị Đành với cây cúc hồm.

Câu chuyện về nàng Han được dân gian lưu truyền từ đời này sang đời khác, đầy màu sắc huyền thoại, nhưng đó là niềm tin, là sức mạnh để bà con giữ đất, giữ làng, cầu cho bản làng bình yên, trai gái kết duyên nên vợ chồng. Vì vậy, mỗi khi xuân về, hoa nở khắp mọi con ngõ, nhành cây đâm lộc là người dân xứ mường lại nô nức về lễ hội nàng Han.

Những ngày đầu xuân này, về thôn Lùm Nưa, xã Vạn Xuân, chúng tôi gặp bà Cầm Thị Đành, năm nay đã 88 tuổi, người duy nhất ở xã Vạn Xuân đang “giữ” tất cả các tục lệ, bài hát, bài cúng trong lễ hội nàng Han. “Tôi biết hát, biết mo từ khi còn bé, nhưng đến 40 tuổi chính thức được ăn lộc trời, được thờ nàng Han”, bà Đành chia sẻ. Bởi thế mà ai ở trong làng cũng đều nhớ hình ảnh bà Cầm Thị Đành múa kiếm bên cây bông trong ngày khai trương làng văn hóa năm 2009. "Bình thường bà Đành ốm nhom thế mà khi mo bà đẹp lắm. Ở Vạn Xuân này, các bài cúng từ di tích Cầm Bá Hiển, đền Pú Pen, đến múa hát ở lễ hội nàng Han... bà đều đóng vai trò chính”, anh Cầm Bá Thủy, trưởng thôn Lùm Nưa kể lại.

Để đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội nàng Han, ngay từ đầu tháng 11/2023, bà con trong thôn đã tề tựu về nhà văn hóa thôn cùng nhau làm cây bông. Anh Cầm Bá Thủy, trưởng thôn Lùm Nưa cho biết thêm: Thôn có 125 hộ với 626 nhân khẩu. Trước đây, lễ hội được tổ chức hoành tráng, với 13 mâm lễ. Các lễ vật được xếp thành 4 bậc hướng về tượng đá hình nàng Han trên vách hang Mường. Trong đó, lễ vật bậc trên cùng là 5 mâm có đầu dê, thủ lợn dùng để tế các thần linh trên trời, trên đỉnh núi cao và cúng nàng Han cùng em gái là nàng Tóc Thơm".

Sau một thời gian dài gián đoạn, 2 năm gần đây, lễ hội nàng Han dù tổ chức đơn giản nhưng nhận được sự hào hứng ủng hộ của bà con. Để làm cây bông to như năm nay, 2 người đàn ông và 3 phụ nữ làm cật lực trong 2 tháng mới xong. Hiện, bà Đành đang nỗ lực truyền dạy cho chị Cầm Thị Hoàn và Lò Thị Liên để giữ gìn các giá trị truyền thống của đồng bào Thái. Tuy nhiên, trong khi chờ đào tạo, dân làng ai cũng lo lắng nhỡ ra bà Đành bị ốm, bị đau. Không có bà, lễ hội nàng Han như thiếu linh hồn trình diễn. Đến hang Mường chơi, nếu được xem trò diễn nàng Han đánh giặc đó là sự khởi đầu may mắn để có một năm tốt lành.

Theo chia sẻ của ông Lương Công Thắm, Chủ tịch UBND xã Vạn Xuân: Lễ hội nàng Han tái hiện lại câu chuyện lịch sử nàng Han đánh giặc bảo vệ bản mường. Việc lễ hội được công nhận di tích văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định sự quan tâm phục dựng của ngành văn hóa, của huyện Thường Xuân là hướng đi đúng. Lễ hội không chỉ là không gian sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh đơn thuần mà còn là dịp để Nhân dân trong vùng trao đổi, giao lưu, tâm tình.

Bài và ảnh: KIỀU HUYỀN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]