(vhds.baothanhhoa.vn) - Những chuyến thiện nguyện vì cộng đồng thu hút ngày càng đông đoàn viên thanh niên tham gia. Với họ đây không chỉ là hoạt động thể hiện trách nhiệm, tinh thần tuổi trẻ mà còn là những chuyến đi để trưởng thành.

Đi để trưởng thành

Những chuyến thiện nguyện vì cộng đồng thu hút ngày càng đông đoàn viên thanh niên tham gia. Với họ đây không chỉ là hoạt động thể hiện trách nhiệm, tinh thần tuổi trẻ mà còn là những chuyến đi để trưởng thành.

Đi để trưởng thànhChu Thiện Thức (ngoài cùng, bên trái) trong buổi ra quân thực hiện chiến dịch thiện nguyện.

“Lớn” trong từng chuyến đi

Theo Phạm Thanh Phương, sinh viên năm 3 Khoa Nông - Lâm - Ngư nghiệp, Trường Đại học Hồng Đức thì những chuyến tình nguyện là môi trường rèn luyện tốt nhất để bản thân trưởng thành hơn. Đi tình nguyện kéo Phương khỏi vỏ bọc bản thân với chiếc smartphone, thoát khỏi sự rụt rè, nhút nhát. Tham gia tình nguyện dạy Phương cách sống trong một tập thể, tuân theo kỷ luật. Đi tình nguyện cho Phương một gia đình lớn, nơi có các đồng đội đối xử với nhau như anh, chị em trong gia đình.

Bản thân Phương trước kia là một học sinh rụt rè, thiếu mạnh dạn, sau những lần tham gia chiến dịch Hoa phượng đỏ, Phương trở nên sôi nổi, tích cực hơn với nhiều hoạt động xã hội. Ngay khi trở thành sinh viên đại học, Phương hào hứng đăng ký tham gia những chuyến thiện nguyện do khoa, trường tổ chức nhất là những chuyến đi vùng sâu, vùng xa. Trong chiến dịch Mùa hè xanh năm 2022 do Trường Đại học Hồng Đức tổ chức với sự tham gia của 450 sinh viên, Phương là đội trưởng đội sinh viên tình nguyện của Khoa Nông - Lâm - Ngư nghiệp, thực hiện các hoạt động thiện nguyện tại bản Nghìa, xã Ban Công (Bá Thước). Nhiệm vụ chính của đội là làm đường giao thông, một công việc nặng nhọc, vất vả nhất là khu vực giao thông miền núi hiểm trở. Là đội trưởng, Phương là người chịu trách nhiệm chính cho công việc cũng là người nêu gương cho toàn đội làm việc. Vì vậy, dù sức khỏe có hạn nhưng Phương làm việc như một người “đàn ông” thực thụ như bê sỏi, xúc cát... Dù con đường bản Nghìa dốc cao như muốn thử thách lòng dũng cảm, vượt khó của những nữ tình nguyện, nhưng đôi chân Phương vẫn bám chặt dốc cao đưa từng bao sỏi, bì cát hoàn thành từng mét đường.

Khi con đường vừa hoàn thành cũng là lúc trời đổ mưa to, đường dốc khiến cho bê tông chưa kịp khô, chảy hết xuống. “Nhìn công sức bao ngày trôi theo cơn mưa, cả đội buồn lắm. Mình động viên, an ủi các bạn và thuyết phục mọi người đợi thời tiết tạnh ráo sẽ làm lại” và đội của Phương đã hoàn thành 200m đường bê tông trong khi chỉ tiêu đề ra chỉ 100m. Bài học ý nghĩa đối với Phương là "những rủi ro có thể đến bất chợt nhưng điều quan trọng nhất là sự kiên trì, không bỏ cuộc và đoàn kết để vượt qua khó khăn”.

Không chỉ học thêm nhiều bài học kinh nghiệm quý không có trên giảng đường, những chuyến đi thiện nguyện còn giúp Phương và bạn bè sống có trách nhiệm với bản thân và xã hội. “Mỗi chúng ta sẽ tạo cho bản thân thói quen sống lành mạnh, thái độ tích cực, lạc quan, không ngại khó, ngại khổ, đồng thời lan tỏa những điều tốt đẹp”- Phương vui vẻ cho biết và khẳng định sẽ tiếp tục những chuyến đi thiện nguyện của mình trong thời gian tới và cả khi ra trường.

Mỗi chuyến đi là một kỷ niệm đẹp

Với Chu Thiện Thức, quãng thời gian đẹp nhất của sinh viên không thể không có những chuyến đi thiện nguyện. Đã từng là chiến sĩ Phòng Tham mưu, Lữ đoàn Công binh 414 (Quân khu 4), ra quân Thức thi và là thủ khoa đầu vào chuyên ngành Thanh nhạc của Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Thức luôn tâm niệm “đi để chia sẻ, để cống hiến và để trưởng thành” cùng với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, Thức luôn thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao và nỗ lực hết mình cho từng chuyến đi.

Thức thích những chuyến tình nguyện ở vùng sâu, vùng xa, mỗi chuyến đi đều cho Thức cảm nhận sâu sắc hơn những khó khăn, vất vả của người dân. Mỗi chuyến đi còn là cơ hội để bản thân trưởng thành hơn trong cuộc sống bởi những trải nghiệm thực tế.

Thức nhớ mãi kỷ niệm của chuyến tình nguyện tại huyện Mường Lát, lần đó đội làm nhiệm vụ hỗ trợ người dân tu sửa nhà cửa, đường giao thông và tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ. “Mình cảm nhận rõ sự vất vả, khó khăn của bà con nơi đây nhất là các em học sinh. Để mang đến cho các em giờ phút giải trí, mình thường tự đàn và hát những bài của tuổi thơ. Ban đầu chỉ một số em chú ý nhưng về sau càng nhiều em đến nghe hát hơn. Mình và các bạn đã mở một lớp học hát dành cho các em, với những em lớn hơn mình còn dạy cách sử dụng đàn. Nhìn những gương mặt ngây thơ ánh mắt lấp lánh khi được ca hát, mình vui lắm, cảm giác khi làm được việc có ích, mang lại niềm vui cho người khác thật hạnh phúc”. Từ đó, trong mỗi chuyến thiện nguyện Thức đều mang theo nhạc cụ với mong muốn cho các em nhỏ vùng cao được tiếp xúc và học nhạc nhiều hơn.

Đi để trưởng thànhPhạm Thanh Phương (thứ 2 từ phải sang) trong chuyến thiện nguyện tại Bá Thước.

Theo Thức chia sẻ, thông qua các hoạt động tình nguyện, không chỉ riêng bản thân mà mỗi cán bộ, đoàn viên đang học tập tại trường đã nhận thức rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình với quê hương đất nước, từ đó không ngừng nỗ lực ra sức rèn luyện, cống hiến sức trẻ, với phương châm: “Lấy chuyên môn làm tình nguyện để phục vụ cộng đồng, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước ngày càng giàu đẹp, vững mạnh".

Những công trình giao thông, tu sửa nhà cửa giúp dân, trồng rừng, hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ... đã và đang được các đoàn viên, thanh niên trong tỉnh tổ chức thực hiện sôi nổi và nhiệt huyết. Với các bạn trẻ, những chuyến đi là cơ hội để họ học thêm kỹ năng sống, cách giao tiếp, ứng xử và những điều tốt đẹp trong cuộc sống; để những người tiếp xúc với họ nhận ra trái tim nóng bỏng, ngọn lửa tình nguyện đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Chị Phùng Tố Linh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn nhận xét: “Lớp trẻ hôm nay không ngại dấn thân để được trưởng thành hơn. Từ các phong trào giàu ý nghĩa giáo dục và mang đậm tính nhân văn như chiến dịch thanh niên tình nguyện, mùa hè xanh... càng giúp các bạn được trải nghiệm và rèn luyện bản thân. Cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân, các chiến sĩ tình nguyện sẽ cảm nhận được hơi thở của cuộc sống, đặc biệt là cuộc sống của người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới. Để rồi, khi kết thúc chiến dịch trở về với gia đình, mái trường, các bạn thấy mình trưởng thành hơn từ trong suy nghĩ và hành động”.

Bài và ảnh: Phan Vân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]