(vhds.baothanhhoa.vn) - “Vui lắm chứ, từ ngày có điện, người dân bản mình sướng hơn nhiều”. Đó là niềm vui khó giấu của bí thư chi bộ, trưởng bản Xa Mang, xã Sơn Điện (Quan Sơn) Phạm Bá Tiệp khi khoe với tôi những tivi, tủ lạnh, máy lọc nước, nồi cơm điện còn mới, được đặt trong ngăn bếp sáng trưng ánh điện.

Điện sáng biên cương

“Vui lắm chứ, từ ngày có điện, người dân bản mình sướng hơn nhiều”. Đó là niềm vui khó giấu của bí thư chi bộ, trưởng bản Xa Mang, xã Sơn Điện (Quan Sơn) Phạm Bá Tiệp khi khoe với tôi những tivi, tủ lạnh, máy lọc nước, nồi cơm điện còn mới, được đặt trong ngăn bếp sáng trưng ánh điện.

Điện sáng biên cươngNgười dân bản Sài Khao, xã Mường Lý (Mường Lát) đón điện lưới quốc gia về bản trong ngày Tết Độc lập 2/9/2023. Ảnh: M.H

Trên con đường bê tông xuyên giữa hai hàng cờ đỏ sao vàng tung bay trên bản biên giới Xa Mang, xã Sơn Điện (Quan Sơn) là những đôi bàn tay thoăn thoắt đang cắt những cây nứa, cây vầu thành khúc. Dưới chân dốc, trong phòng học của điểm trường tiểu học và trường mầm non cũng đã sáng ánh điện. Những cánh cửa cũng được đóng kín để tránh gió mùa đông. Khác với ngày chưa có điện, vào mùa đông trời lạnh giá, mặc cho gió lùa rét buốt, những cánh cửa ấy vẫn phải mở tung ra để đón ánh sáng cho trẻ học bài.

Kể về những ngày ấy, bí thư chi bộ, trưởng bản Xa Mang Phạm Bá Tiệp thở dài rồi buông một tiếng “khổ”. Không cam chịu tối tăm dù cuộc sống còn bộn bề thiếu thốn, nhiều hộ dân vẫn vay mượn cả chục triệu đồng quyết tâm đi tìm ánh sáng cho con trẻ học bài. Và thứ họ mang về là những chiếc tua-bin đặt ngoài con suối Xa Mang làm máy phát mini, nối cả vài trăm mét dây đưa điện về nhà. Có hôm mưa to bão lớn, nước suối chảy dữ dội, những cái đập nhỏ chứa nước làm quay tua-bin bị vỡ, thanh niên trai tráng trong bản phải bất chấp hiểm nguy, bì bõm cả đêm chật vật nối dây, chôn cột vì bị đứt gãy sau mưa... Nhưng rồi, cái bóng điện trong nhà họ cũng chỉ lập lòe chừng đủ thời gian ăn bữa cơm; dăm bữa, nửa tháng phải thay mới. Quạt điện cũng chỉ bật được số thấp nhất. Cuộc sống thiếu đi thứ ánh sáng của cuộc sống hiện đại ấy đã khiến cho cả bản có 33 hộ dân (176 nhân khẩu) thì tất cả đều là hộ nghèo (tính đến tháng 11/2022).

Và ngày 5/12/2022 là một “mốc son” trong cuộc đời họ, khi Sở Công Thương, UBND huyện Quan Sơn, Công ty Điện lực Thanh Hóa và nhà thầu tổ chức đóng điện trạm biến áp cấp điện về bản Xa Mang. Công trình có quy mô 5,27 km đường dây 35 kV, 1 trạm biến áp công suất 50 kVA, 1,1 km đường dây hạ áp và hệ thống công tơ, dây sau công tơ đến các hộ dân.

“Hôm ấy cũng vào mùa đông, trời mờ mịt, cả bản sáng trưng ánh điện. Dân bản ai cũng mặc quần áo đẹp vui liên hoan vì có điện. Bản mình biết ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm”, bí thư chi bộ, trưởng bản Xa Mang chia sẻ. Có điện sáng, các đơn vị viễn thông cũng đã đầu tư trạm tiếp sóng ở Xa Mang đưa mạng internet lên biên giới. Nhờ đó mà cuộc sống của người dân nơi đây đã có nhiều khởi sắc. Nhiều hộ dân đã mua sắm tivi, tủ lạnh, máy lọc nước, máy xay xát... phục vụ nhu cầu cuộc sống, rồi tìm hiểu kiến thức khoa học kỹ thuật, áp dụng vào chăn nuôi gia súc, gia cầm, đầu tư chuồng trại quy mô lớn... Đến nay, Xa Mang đã có 5 hộ thoát nghèo. Đó hẳn là một sự đổi thay tích cực.

Điện sáng biên cươngNgười dân bản Sài Khao, xã Mường Lý (Mường Lát) đón điện lưới quốc gia về bản trong ngày Tết Độc lập 2/9/2023. Ảnh: M.H

Nơi biên cương bản Sài Khao, xã Mường Lý (Mường Lát), ngày Tết Độc lập 2/9/2023 là một “ngày đặc biệt”, bởi niềm vui với dân bản người Mông nơi đây được nhân lên gấp bội khi điện lưới đã về. Sài Khao - địa danh lưu giữ dấu chân binh đoàn Tây Tiến có địa hình núi non vô cùng hiểm trở “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”. Cùng với thiếu đường, thì thiếu điện chính là lý do khiến cái nghèo vẫn đeo bám dai dẳng người dân ở nơi này. Điện sáng về bản, đang mang theo biết bao hy vọng về sự đổi thay: “Ước mơ của chúng tôi đã thành hiện thực. Các cháu nhỏ đã có điện sáng học bài. Bà con có điện để dùng tivi, tủ lạnh, rồi sẽ mua máy cưa, máy bào, máy xát nữa. 109 hộ dân chúng tôi có cơ hội thoát nghèo rồi”, ông Vàng A Lế, trưởng bản Sài Khao mừng rỡ.

Vượt qua vô vàn những khó khăn do địa hình xa xôi, hiểm trở, những ngày cuối năm 2023, trạm biến áp tại 14 thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia tại huyện Mường Lát và Thường Xuân đã hoàn thành đóng điện lưới. Tại huyện Mường Lát, điện sáng đã về những thôn, bản cuối cùng nơi biên viễn như Sài Khao, Xa Lung 1 của xã Mường Lý; bản Suối Hộc, Ca Giáng, Tà Cóm 1, Cánh Cộng, Co Cài 1, Tà Cóm 2 của xã Trung Lý; Co Cài 2, bản Hạm, Quan Dao, Suối Tút của xã Quang Chiểu.

Điện sáng biên cươngNhững đứa trẻ ở Xa Mang, xã Sơn Điện (Quan Sơn) đã được học tập dưới ánh sáng lưới điện quốc gia. Ảnh: Đ.Đ

Theo Sở Công Thương - chủ đầu tư các dự án, 14 thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Mường Lát và Thường Xuân vừa được đóng điện lưới cũng là những thôn, bản cuối cùng trong dự án cấp điện nông thôn tỉnh Thanh Hóa với tổng mức đầu tư 431,863 tỷ đồng. Chương trình đã hoàn thành cấp điện cho 4.957 hộ dân thuộc 80 thôn, bản chưa có điện của 9 huyện miền núi: Ngọc Lặc, Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát sớm hơn 2 năm so với kế hoạch: “Quá trình triển khai thi công các dự án gặp không ít khó khăn do địa hình đường dây đi qua nhiều khu vực hiểm trở, rừng phòng hộ, rừng nguyên sinh. Với quyết tâm của chủ đầu tư, nhà thầu thi công và sự vào cuộc của hệ thống chính trị địa phương, đã hoàn thành bàn giao mặt bằng, trong đó một số hộ dân đã đồng tình hiến đất lâm nghiệp, cây cối để dự án thi công”, Giám đốc Sở Công Thương Phạm Bá Oai chia sẻ.

Đến nay, 100% số xã trên địa bàn tỉnh, với 99,85% hộ dân được sử dụng điện lưới. Những vùng đất nghèo nay đã lung linh ánh điện. Và ánh sáng ấy đến đâu là mang theo sự quan tâm của Đảng và niềm tin tưởng, phấn khởi của bà con với ước mong về một cuộc sống mới no ấm, đủ đầy.

Minh Hằng - Đỗ Đức



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]