(vhds.baothanhhoa.vn) - Nguồn thu nhập cao từ hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) của người lao động đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo, trở nên khá giả. Nhằm giúp người lao động hòa nhập thị trường lao động khi về nước, ổn định cuộc sống, tránh lãng phí lao động có tay nghề, phóng viên Báo Thanh Hóa đã có cuộc trao đổi với những người trong cuộc.

Lãng phí nguồn lao động chất lượng cao: Cần những giải pháp đồng bộ

Nguồn thu nhập cao từ hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) của người lao động đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo, trở nên khá giả. Nhằm giúp người lao động hòa nhập thị trường lao động khi về nước, ổn định cuộc sống, tránh lãng phí lao động có tay nghề, phóng viên Báo Thanh Hóa đã có cuộc trao đổi với những người trong cuộc.

Lãng phí nguồn lao động chất lượng cao: Cần những giải pháp đồng bộ

Ảnh minh họa.

Tin liên quan:
  • Lãng phí nguồn lao động chất lượng cao: Cần những giải pháp đồng bộ
    Lãng phí nguồn lao động chất lượng cao: Nhìn từ thực trạng

    Trong những năm qua, công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) trên địa bàn tỉnh rất được quan tâm. Chỉ tính từ đầu năm 2019 đến 30-10-2021, toàn tỉnh có 19.662 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cụ thể, năm 2019 là 10.309 lao động; năm 2020 là 5.718 lao động; 10 tháng của năm 2021 xuất khẩu được 3.635 lao động. Thị trường XKLĐ tập trung chủ yếu là Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Trung Đông, trong đó, số lao động có trình độ tay nghề chiếm 15-20% (chủ yếu là nghề cơ khí, hàn, tiện, may). Đối với lao động thuộc 11 huyện miền núi, thị trường chủ yếu là Hàn Quốc và các nước Trung Đông. Những địa phương đưa được nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, gồm: Cẩm Thủy, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân.

Ông Lê Đình Tùng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội: Tăng cường kết nối doanh nghiệp và người lao động

PV: Thưa ông, Thanh Hóa đã và đang có giải pháp gì giúp người lao động sau xuất khẩu hòa nhập với thị trường lao động trong nước và phát huy thế mạnh của họ?

Ông Lê Đình Tùng: Nhằm tạo điều kiện cho người lao động, nhất là lao động xuất khẩu trở về địa phương tìm được công việc phù hợp với kinh nghiệm, năng lực được đào tạo, những năm qua, Sở Lao động - Thương binh và xã hội chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm định kỳ mở các phiên giao dịch việc làm tại trung tâm và lưu động tại các huyện, thị xã. Bên cạnh đó, sở phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước và Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và xã hội) tổ chức sàn giao dịch việc làm online, kết nối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có nhu cầu tuyển dụng lao động trên cả nước. Qua đó, doanh nghiệp chủ động cung cấp thông tin về nhu cầu, số lượng và vị trí tuyển dụng đăng tải trên sàn giao dịch việc làm, người lao động có thể tìm hiểu đầy đủ vị trí việc làm phù hợp, phỏng vấn sơ tuyển, liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp nếu có nhu cầu. Đây là cầu nối việc làm hữu ích giữa nhà tuyển dụng và người lao động.

Sở Lao động - Thương binh và xã hội cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương mở các lớp đào tạo nghề, hướng nghiệp, ưu tiên cho những lao động xuất khẩu trở về nước nếu có nhu cầu. Trong thời gian tới, sở tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác kết nối lực lượng lao động sau khi hết hạn hợp đồng làm việc ở nước ngoài trở về nước với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhằm giải quyết việc làm, phát huy năng lực của người lao động, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Ông Cầm Bá Đứng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân: Quan tâm giải quyết việc làm tại chỗ

PV: Xin ông cho biết, là địa phương số người XKLĐ, huyện Thường Xuân đã có giải pháp gì để giải quyết việc làm cho người lao động sau khi trở về?

Ông Cầm Bá Đứng: Bên cạnh việc quan tâm đến công tác XKLĐ, huyện Thường Xuân đã tạo điều kiện, hỗ trợ việc làm cho người lao động sau xuất khẩu với nhiều hình thức, như: thông tin kịp thời về nhu cầu tuyển dụng trong các doanh nghiệp tại địa phương, ưu tiên cho người XKLĐ; chỉ đạo chính quyền cơ sở tạo điều kiện về mặt bằng, thủ tục pháp lý để người lao động phát triển các mô hình kinh tế ngay tại quê hương mình; tổ chức điều tra nắm bắt nhu cầu đào tạo chuyển đổi nghề của người lao động sau xuất khẩu để phối hợp mở lớp đào tạo...

Bằng nhiều giải pháp khác nhau, huyện Thường Xuân hướng đến tạo việc làm cho lao động sau xuất khẩu ngay tại địa phương. Bởi phần nhiều lao động trở về sau xuất khẩu mong muốn có công việc phù hợp ngay tại quê hương mình, vừa ổn định cuộc sống vừa gần gũi gia đình. Trên địa bàn huyện đang có nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp áp dụng công nghệ cao thành công. Với những ngành nghề liên quan được đào tạo, làm việc ở nước ngoài, lại có vốn, người lao động có thể đầu tư và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế địa phương và thị trường.

Huyện Thường Xuân đã và đang xúc tiến xây dựng nhà máy giày da với quy mô 3.000 lao động. Đồng thời quy hoạch xây dựng khu công nghiệp với tổng diện tích 50ha để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nói chung và lao động sau xuất khẩu trở về nói riêng.

Anh Lê Văn Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Mạnh Trang, phường Đông Tân (TP Thanh Hóa)

PV: Anh có thể chia sẻ về con đường phát triển sự nghiệp của bản thân từ sau khi XKLĐ trở về nước?

Anh Lê Văn Mạnh: Tôi đi XKLĐ tại Đài Loan từ năm 2007 đến 2010, làm công nhân tại nhà máy sản xuất linh kiện ô tô. Trở về nước, với số vốn tích lũy được cùng tay nghề được đào tạo, tôi đã thành lập công ty riêng chuyên về vận tải ô tô, máy xúc, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động, với mức lương từ 7-11 triệu đồng/tháng/người.

Tôi đã vận dụng kinh nghiệm quý báu về cách vận hành phát triển công ty, văn hóa ứng xử giữa người chủ và công nhân, tác phong công nghiệp trong làm việc từ nước ngoài, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện thực tế tại địa phương. Bên cạnh đó, do có sự tiếp cận với phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại, nên bản thân tôi có sự nhạy bén trong kinh doanh và sáng tạo hơn trong công việc.

Không giống như nhiều lao động xuất khẩu sau khi về nước có một thời gian tạm dừng, nghỉ ngơi, tôi nhanh chóng tìm hiểu thị trường, xây dựng mối quan hệ, chuẩn bị kế hoạch để thành lập công ty. Tôi sợ nếu mình nghỉ ngơi quá lâu, tay nghề sẽ bị mai một, nhiệt huyết bị giảm sút thì làm gì cũng khó. Không những thế, trong thời gian chuẩn bị về nước tôi đã tìm hiểu thị trường và các điều kiện trong nước và quyết định về nhà sẽ mở công ty kinh doanh. Bởi vậy, tôi đã cố gắng học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng, tay nghề, nâng cao khả năng ngoại ngữ từ nước ngoài.

PV: Theo anh, để có thể phát huy được tay nghề, kinh nghiệm được đào tạo, làm việc ở nước ngoài thì bản thân người lao động cần làm những gì?

Anh Lê Văn Mạnh: Tôi nghĩ mỗi quốc gia đều có nhu cầu và yêu cầu khác nhau về chất lượng nguồn lao động, ở Việt Nam cũng thế. Người lao động sau xuất khẩu trở về cái quý là có vốn, có tay nghề, kinh nghiệm. Có 2 con đường chủ yếu để phát triển, nếu muốn vào các doanh nghiệp có thu nhập cao, người lao động cần chứng minh cho chủ doanh nghiệp thấy tay nghề của mình, để có những vị trí việc làm phù hợp hơn; nếu mở cơ sở sản xuất, kinh doanh riêng, thì người lao động nên có sự đầu tư bài bản, học hỏi thêm về các kỹ năng kinh doanh, kinh nghiệm thị trường, trình độ quản lý...

Phong Vân (thực hiện)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]