(vhds.baothanhhoa.vn) - Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng số lượng thanh, thiếu niên phạm tội lại ngày càng gia tăng với tính chất manh động và nguy hiểm khiến dư luận không khỏi lo lắng...

Lo lắng gia tăng tội phạm thanh, thiếu niên

Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng số lượng thanh, thiếu niên phạm tội lại ngày càng gia tăng với tính chất manh động và nguy hiểm khiến dư luận không khỏi lo lắng...

Những “chiến tích” rùng mình

Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 13 nghìn trường hợp người chưa đến tuổi thành niên vi phạm pháp luật. Tính đến hết tháng 10/2023, Trung tâm Trợ giúp Pháp lý Nhà nước tỉnh Thanh Hoá đã thụ lý trên 200 hồ sơ thanh, thiếu niên phạm tội từ nhẹ đến rất nghiêm trọng như giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, sử dụng trái phép chất ma túy, đua xe trái phép...

Lo lắng gia tăng tội phạm thanh, thiếu niên

Đội cảnh sát liên ngành Công an Thanh Hóa xử phạt thanh, thiếu niên vi phạm. (Ảnh: Quốc Hương)

Điển hình là vụ việc do không làm chủ được bản thân, thiếu hiểu biết về pháp luật, đối tượng L.V.Q, thường trú tại Thiệu Dương, TP Thanh Hóa đã vướng vào vòng lao lý khi mới 16 tuổi, với tội danh giết người. Tiếp đó, tháng 8/2023 Công an TP Thanh Hóa bắt giữ nhóm thanh, thiếu niên chạy xe máy từ thị trấn Bút Sơn lên TP Thanh Hóa. Trong lúc di chuyển, nhóm thanh, thiếu niên này liên tục dùng vỏ chai bia ném vào một số thanh niên cũng đang di chuyển trên đường để gây gổ đánh nhau.

Lo lắng gia tăng tội phạm thanh, thiếu niênTội phạm trẻ ngày càng gia tăng cả về số lượng và hành vi phạm tội. (Ảnh minh họa)

Và chắc hẳn dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ án mạng khiến hai người tử vong tại một xã trên địa bàn huyện Hà Trung. Đối tượng gây án mới 20 tuổi. Chỉ vì “nghiện” chơi game, đối tượng đã thực hiện hành vi trộm cắp để lấy tiền tiêu xài, khi bị phát hiện, đối tượng này đã cướp đi sinh mạng của hai vợ chồng là người hàng xóm thân thiết của gia đình.

Hồi chuông cảnh báo

Thực tế cho thấy, đa số những đứa trẻ dưới 18 tuổi phạm tội phần lớn đều sống trong những gia đình không hạnh phúc, bố mẹ đang chấp hành án phạt tù hoặc bố hoặc mẹ đã chết, thiếu sự quan tâm chăm sóc của gia đình. Hoặc những đứa trẻ được nuông chiều, đầy đủ điều kiện vật chất nhưng thiếu sự kiểm soát dẫn đến trẻ mắc sai lầm rồi trượt dài trên những sai lầm đó. Chưa kể, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội như: Youtube, Facebook, Tiktok... khiến cho những đứa trẻ ích kỷ, háo thắng, thích thể hiện cái “tôi”, tập làm người lớn bị lôi cuốn vào các trò chơi bạo lực trên mạng “ảo” và có thể trở thành những “sát thủ máu lạnh” lúc nào cha mẹ không hay. Mặt khác, sự thiếu hụt kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết vấn đề và kiểm soát cảm xúc khiến những đứa trẻ trong độ tuổi thanh, thiếu niên dễ thực hiện hành vi có tính chất bột phát, có thể dẫn đến hành vi phạm tội.

Lo lắng gia tăng tội phạm thanh, thiếu niênNhiều nhóm đối tượng chưa thành niên liều lĩnh, manh động, thể hiện sự coi thường pháp luật. (Ảnh minh họa)

Để hình thành nên tính cách của con người môi trường sống của gia đình, nhà trường, xã hội là một trong những yếu tố then chốt, quyết định đến sự hình thành nhân cách. Trong đó, vai trò gia đình là rất quan trọng và có tầm ảnh hưởng nhiều đến tương lai một con người. Vì vậy, không chỉ nhà trường, cộng đồng xã hội mà trong mỗi gia đình cần quan tâm, giáo dục, quản lý con em mình đúng cách, để chúng lớn lên hiểu biết, tôn trọng pháp luật. Mặt khác, cũng cần kịp thời phát hiện những lệch lạc từ trong suy nghĩ, hành động của con em mình, sớm có biện pháp tháo gỡ hoặc chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, giúp các em tránh xa các tệ nạn xã hội. Đồng thời, giáo dục kỹ năng sống để các em có cách ứng xử văn hóa, biết hóa giải những mâu thuẫn trong cuộc sống, tránh những hành vi tiêu cực đáng tiếc xảy ra.

Ngọc Lan


Ngọc Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]