(vhds.baothanhhoa.vn) - Giới trẻ bây giờ không biết những miếng tích-kê khi xưa, cũng chẳng hề biết nghĩa của từ tích-kê hay pích-kê.

Miếng tích-kê

Giới trẻ bây giờ không biết những miếng tích-kê khi xưa, cũng chẳng hề biết nghĩa của từ tích-kê hay pích-kê.

Miếng tích-kê

Tôi không nhớ rõ hồi ấy mọi người gọi là miếng pích-kê hay miếng tích-kê nữa, chỉ biết đó là những miếng vá vào quần, áo khi chẳng may bị rách, sờn mỏng tang xuyên thấu da thịt. Thời bao cấp, thiếu thốn trăm bề, người lớn xoay trần đủ cách mà miếng ăn còn chả đủ no, nên có khi cả năm bố mẹ không thể dành dụm, chắt chiu để mua nổi cho mỗi đứa con một bộ quần áo. Ngày ấy, nhà ai chả nhiều con, đâu có 1 - 2 đứa như bây giờ. Thế nên, có gia đình các anh chị em mặc chung quần áo của nhau là chuyện rất bình thường. Phải những ai ở trong hoàn cảnh ấy, thời đoạn ấy mới thấm thía câu “trẻ con được manh áo mới” mỗi khi tết đến, xuân về. Mới thấy đủ đầy, sâu sắc sự hân hoan của bọn trẻ...

Nhưng lũ trẻ hồi ấy cũng hồn nhiên trêu đùa, nghịch dại, nhất là khi đến trường. Những học sinh nào mà có mấy miếng tích-kê trên quần áo, đặc biệt ở những chỗ tích-kê khâu vá đè lên nhau, màu sắc vải cũng khác thường tìm mọi cách để che đi, như lấy cặp sách, cuốn vở, cái bảng đen chẳng hạn. Rất nhiều đứa không dám tự do chạy nhảy, chơi đùa. Bởi có khi rất dễ bị mấy đứa bạn cùng lớp, cùng trường xúm vào trêu đùa, thậm chí xé miếng tích-kê ấy. Sự cười đùa phá lên của đám trẻ lít nhít khi thấy chúng bạn buồn thiu, mếu máo chỉ là sự hồn nhiên, vô tư chứ không hề thấy đó là sự ích kỷ, bất nhẫn. Thậm chí, với thầy giáo, cô giáo mặc quần áo có miếng tích-kê đến trường, lũ học sinh chỉ thua kém “nhất quỷ, nhì ma” cũng tủm tỉm cười. Thậm chí, khi thầy cô đi lại trên bục giảng, lũ học trò còn bạo dạn khúc khích cười khiến thầy cô không hiểu tại sao, cho đến khi biết những miếng tích-kê di động màu sắc khác biệt, đường chỉ vụng về là “thủ phạm” khi thầy cô say sưa truyền thụ kiến thức cho học sinh...

Bây giờ, những miếng tích-kê chằng đụp trên quần áo bọn trẻ không còn nhiều nữa. Giới trẻ bây giờ không biết những miếng tích-kê khi xưa, cũng chẳng hề biết nghĩa của từ tích-kê hay pích-kê. Chúng có gặp đâu mà biết, mà hiểu. Ấy thế nhưng nhiều khi chúng lại mặc những chiếc quần jean áo phông với nhiều miếng vá, vết mài xước, thậm chí là những vệt xé hở da thịt theo xu hướng, trào lưu. Tất nhiên, với họ, đó là sự sành điệu, là thời trang chứ không liên quan gì đến sự nghèo khó, miếng vá hay miếng tích-kê cả.

Thời gian mà, cùng một hiện tượng, sự việc, có khi ý nghĩa lại trái ngược nhau hoàn toàn. Không cảm xúc...

Tùy bút của Nguyễn Tri Thức



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]