(vhds.baothanhhoa.vn) - Làm báo là một trong danh mục nghề nghiệp xã hội, làm báo được xếp là nghề đặc biệt.

Một thời làm báo - dấu ấn trong tôi

Làm báo là một trong danh mục nghề nghiệp xã hội, làm báo được xếp là nghề đặc biệt.

Một thời làm báo - dấu ấn trong tôi

Phóng viên Báo Thanh Hóa và phóng viên các báo Trung ương đang ghi lại nội dung buổi làm việc của Tổng Bí thư Lê Duẩn với các đồng chí lãnh đạo tỉnh tại công trường Thuỷ lợi sông Lý (năm 1977).

Một thế hệ những người làm báo công tác tại Tòa soạn Báo Thanh Hóa từ ngày đầu thành lập đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, chặng đường oanh liệt nhất (20-3-1962 - 30-4-1975).

Tôi về nhận công tác tại Tòa soạn Báo Thanh Hóa khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã giành thắng lợi hoàn toàn. Bắc Nam thống nhất, đất nước chuyển sang thời kỳ mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa cả nước đi lên xã hội chủ nghĩa - con đường Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã chọn.

Cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của giặc Mỹ diễn ra ác liệt. Thị xã Thanh Hóa bị tàn phá, lúc này chỉ còn là cảnh hoang tàn. Gạch đá ngổn ngang. Hai lần đánh phá vào Thanh Hóa - lần thứ nhất diễn ra kéo dài 4 năm từ năm 1965 đến năm 1968; lần thứ hai tròn một năm (1972). 5 năm đánh phá vào Thanh Hóa, đế quốc Mỹ huy động 66.371 lượt máy bay các loại, hàng nghìn lần tàu chiến ngày đêm quần đảo trên bầu trời, biển khơi Thanh Hóa, chúng dội bom bắn phá không kể ngày đêm. Hàm Rồng, thị xã Thanh Hóa là một trong những trọng điểm. Trận đầu diễn ra hai ngày 3,4 tháng 4 năm 1965, Mỹ huy động 450 lượt máy bay đánh vào khu vực Hàm Rồng dội xuống 627 quả bom phá, 58 bom nổ chậm, 149 quả tên lửa. Những thanh sắt khung cầu dính đạn đến nóng chảy. Chúng hùng hổ nhào lộn dội xuống riêng cầu Hàm Rồng 350 quả bom. Quân dân thị xã Thanh Hóa bắn hạ 30 máy bay giặc Mỹ trong trận đầu thử lửa. 5 năm giặc Mỹ đánh phá vào Thanh Hóa, quân dân Thanh Hóa bắn rơi 368 máy bay Mỹ, 26 tàu chiến bị bắn cháy, bắt sống 24 tên giặc lái. Cầu Hàm Rồng tuy có bị thương tích nhưng vẫn sừng sững hiên ngang. Thanh Hóa là tỉnh bắn rơi máy bay Mỹ nhiều nhất trên miền Bắc.

Chiến tranh diễn ra ác liệt. Cơ sở hạ tầng bị tàn phá, kinh tế khó khăn. Nguồn tài chính cạn kiệt. Tòa soạn báo về thị xã làm việc, ăn, ở trong những căn nhà tranh tre, nứa lá mới được dựng lên như là những gian lán trại của một công trường đảm bảo che nắng, che mưa, điều kiện phương tiện làm việc không có gì đáng kể. Mỗi người hàng tháng được cấp phát 1 xếp giấy, 1 sổ công tác, cây bút, lọ mực Cửu Long. Đi công tác xuống cơ sở người có được chiếc xe đạp cũng phải đắp vá quá tội. Ban Biên tập được ưu tiên cấp 1 ô tô cũ mông má lại, nhiều khi phải đẩy máy mới nổ­.

Khó khăn chồng chất khó khăn. Chung quy cũng do chiến tranh khó khăn nhưng không ai một lời ca thán, đòi hỏi gì ở nhà nước. Cán bộ, phóng viên trong cơ quan tòa soạn đoàn kết thương yêu nhau, chung sức vượt khó khăn, đối diện với mọi thách thức, chung sức, chung lòng đổi mới để xây dựng tờ báo.

Là người ngoại đạo tôi được vào làm báo, nhận thấy ở người làm báo họ đã ý thức được khó khăn thách thức đối với nghề làm báo ngay từ khi chọn ngành, chọn nghề, nên không thụ động khi phải đối diện với khó khăn, thách thức ở bất kể tình huống nào. Yêu nghề, đam mê nghề nghiệp họ chọn nghề làm báo. Vần thơ “tâm sự cùng con” phóng viên Báo Thanh Hóa trải lòng mình có đoạn:

“Con yêu ơi hãy ngủ thêm chút nữa

Vì tối qua ta đã thức khuya rồi

Con học bài, để nên học trò giỏi

Mẹ viết bài cho kịp báo ngày mai.

Con đừng hỏi sao mẹ đi công tác

Để con một mình con nhớ mẹ biết bao

Sao mẹ chẳng thể làm nghề khác?

Đã nhiều tiền lại nhàn nhã có hơn?

Con yêu ạ lớn lên con hiểu

Sống làm người ai cũng chọn để yêu

Như mẹ từng yêu con tha thiết

Và như nghề báo đây, mẹ yêu biết chừng nào.

Mẹ sẽ phải thức khuya dậy sớm

Lo cho con ăn học nên người

Mẹ sẽ phải dịu dàng thêm chút nữa

Để bố con bớt giận bớt hờn.

Bước vào đời Viên Lan Anh làm nghề y, công tác tại một trại điều dưỡng. Yêu nghề làm báo, chịu khó học hỏi Viên Lan Anh bước vào nghề làm báo, cha Viên Lan Anh là liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mẹ Lan Anh từng là quân nhân.

Người làm báo là các bạn gái phải đối mặt với khó khăn đủ bề: Làm báo - làm dâu trăm họ; bổn phận làm mẹ, làm vợ… thức khuya dậy sớm, việc nước, việc nhà… trăm mối tơ vò.

Từ đặc thù nghề nghiệp, tư duy người làm đổi mới như là thuộc tính. Bước chân khỏi nhà đi công tác hoặc thời khắc cầm bút đối diện trước bản thảo, họ không chịu ràng buộc bởi tiền bạc; tư duy được giải phóng, tìm tòi sáng tạo, viết gì bạn đọc cần và phải là tiếng nói của cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, của Nhân dân. Một sản phẩm báo chí đem lại hiệu quả phải đảm bảo tiêu chí: tính thời sự, chân thật, thể hiện tính phản biện, tính định hướng và giàu tính nhân văn, trung tâm là con người.

Bước vào thời kỳ mới, chuyển hướng mọi hoạt động báo chí sao cho tiếp cận được tình hình mới, đổi mới không ngừng. Đổi mới để phát triển. Đổi mới cả nội dung và hình thức, đi trước đón đầu, hướng tới phát hành tờ Thanh Hóa từ tuần 2 kỳ tiến tới phát hành nhật báo và có nhà in chuyên dùng in báo, đổi mới công nghệ in.

Công việc trước hết được khởi động, thông qua thực hiện nhiệm vụ chính trị của tờ báo để biết người, biết việc, bồi dưỡng đội ngũ người làm báo, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, làm nòng cốt cho sự nghiệp đổi mới; theo hướng trên qua 5 năm kết nạp 6 đảng viên, là những người cầm bút đã qua đào tạo về nghiệp vụ chuyên môn và chọn lọc thu nhận 4 đảng viên là phóng viên, họ là con em Thanh Hóa công tác tại các báo bạn và những người từng làm báo trong quân đội, chi bộ có thêm 10 đảng viên; những đồng chí đến tuổi nghỉ hưu, Thường vụ Tỉnh ủy chấp nhận đề nghị của Ban Biên tập, đề bạt một đồng chí ủy viên Ban Biên tập làm Phó Tổng Biên tập. Để bồi dưỡng nghiệp vụ, Báo Thanh Hóa khởi xướng mở những cuộc hội thảo nghiệp vụ giữa các báo Đảng khu vực miền Trung và Tây Nguyên mở rộng tầm nhìn cho đội ngũ người làm báo địa phương. Các cuộc hội thảo chuyên đề diễn ra một năm hai lần, các báo thay nhau đăng cai. Qua nhiều cuộc hội thảo, phóng viên báo địa phương được ra khỏi “lũy tre làng” học hỏi lẫn nhau.

Đội ngũ người làm báo được tăng cường cả về số và chất lượng, hoạt động của tờ báo dần dần chuyển đổi bắt nhịp tình hình mới, nhiệm vụ mới, Báo Thanh Hóa từng được nhận giải “Bông lúa vàng” tuyên truyền khoán 10 (khoán hộ, trong sản xuất nông nghiệp). Đồng thời qua đó, phát hiện ra những biểu hiện tiêu cực trong quản lý kinh tế và đời sống, kịp thời phê phán những biểu hiện sai trái, phát hiện, biểu dương những nhân tố tích cực để nêu gương qua chuyên mục “Nhỏ… To” cùng nhau, “Mưa dầm” mà thấm.

Nhiệm vụ còn lại là kế hoạch xây dựng nhà in báo đổi mới công nghệ in là mục tiêu cán bộ, phóng viên trăn trở. Đổi mới công nghệ in ty-pô sang in ốp-sét. Do khó khăn về tài chính, sau chiến tranh kinh tế chưa thoát khỏi khủng hoảng. Kế hoạch xây dựng nhà in báo lại là kế hoạch đột xuất, khó khăn đầu tiên là lấy tiền đâu để cân đối? Theo nguyện vọng của đội ngũ người làm báo dù chưa tìm ra lối thoát, nhưng Báo Thanh Hóa xin được đảm nhiệm tìm nguồn vốn. Khát vọng của người làm báo tỉnh nhà được Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh chấp nhận. Cách đó 10 năm nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về công tác báo chí cũng đã từng ghi “Tiến tới có nhà in báo” nhưng đã 10 năm qua do chiến tranh, mục tiêu đó chưa được thực hiện.

Một thời làm báo - dấu ấn trong tôi

Tổng Bí thư Đỗ Mười chụp ảnh lưu niệm với các nhà báo ở Thanh Hóa và Trung ương nhân dịp đồng chí về thăm và làm việc tại Thanh Hóa.

Nhận nhiệm vụ trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tòa soạn báo đảm nhiệm xây dựng nhà in khi trong lúc này hai bàn tay trắng, đến với ngân hàng, tài chính, đến đâu cũng được cảm thông với báo chí, nhưng phải chờ tìm nguồn cân đối, chờ đến mỏi cổ, vẫn bặt vô âm tín suy ra, cũng thông cảm với các ngành, nếu có tiền đưa ra vài trăm triệu cho nhà báo lúc này cũng khó tin. Những người làm báo chí thạo tay bút, chuyện quản lý đồng tiền vài ba trăm triệu lúc này đâu có dễ. Trong cái khó “ló” cách làm khó tin, ai ngờ đi mượn vốn, xin tài trợ và tìm đối tác hợp tác lại thành công. Công việc tìm nguồn vốn được xúc tiến. Đầu tiên nhận 200.000 đồng từ Hợp tác xã mua bán xã Quảng Nham, gọi là của hợp tác đóng góp nhận được 200.000 đồng cũng vui. Tiếp đó cán bộ, công nhân Nhà máy Thuốc lá Thanh Hóa tài trợ 20 triệu đồng. Khoản sau cùng được mượn vàng của huyện Cẩm Thủy. “Mượn vàng, chuyện lạ có thật” hai bên cam kết mượn vàng, trả vàng, không tính lãi. Nghĩ lại cảm thấy bên cho mượn vàng, bên mượn vàng cũng “dũng cảm” biết có làm nên công cán gì không (?!). Khi kế hoạch xây dựng nhà in còn xa lắc, xa lơ, biết đâu đã thành công? Với số vốn gọi là đã có so với kế hoạch tối thiểu phải có để xây nhà máy in mi-ni, nhưng đi ngay vào hiện đại vẫn chưa thấm vào đâu. Một ý kiến cống hiến hay là đi tìm đối tác, có người mách cho biết Nhà máy cơ khí in Hà Nội, trong quá trình chuyển đổi có vốn nhưng chưa có việc làm, Ban Biên tập cử đoàn cán bộ ra Hà Nội tìm đến gặp Ban Giám đốc cơ khí in tìm người cần hợp tác. Đang gặp khó khăn, bên có vốn không có việc, bên có việc thiếu vốn chung một cảnh nghèo chấp nhận hợp tác, theo hợp đồng cơ khí Hà Nội lắp đặt máy móc trước, nhận một phần tiền đầu tiên, nhà báo sẽ trả đủ khi nhà in đi vào vận hành có sản phẩm đầu tay. Theo hợp đồng công việc diễn ra trôi chảy. Niềm vui khó tả, nhà máy in báo sớm bắt đầu chạy thử vào đầu tháng 12-1991. Tờ Báo Thanh Hóa đầu tiên in tại nhà in báo - tờ báo đặc biệt chào mừng ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam. Ở thời điểm này các nhà in báo các địa phương trên miền Bắc, sau Nhà in Báo Hà Nội mới, Nhà in Báo Thanh Hóa là đơn vị thứ hai, có nhà in, công nghệ in ốp-sét ai cũng mừng. Tưởng như kế hoạch xây dựng nhà in báo là không tưởng nhưng đã thành công, đạt được ước mơ, thỏa lòng người. Bác Nguyễn Văn Trợ, Phó Tổng Biên tập đã về hưu, người có mặt tại Báo Thanh Hóa từ ngày đầu, cảm xúc, gửi vần thơ “Vui biết mấy những chặng đường” nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Nhà in báo.

Mười năm kỷ niệm chặng đường qua

Sản phẩm in ra khắp tỉnh nhà

Kỹ nghệ dây chuyền xây hiện đại

Công nhân kỹ thuật rất tài ba

Chèn lơ chật bền là then chốt

Chặt chẽ gia thành vang tiếng ca

Chuẩn bị báo tuần, ngày chủ nhật

In nhanh màu đẹp, chúc mừng Hoa”.

(Anh Hoa là giám đốc nhà in, vốn từ sinh viên tốt nghiệp ra trường, khi chưa tìm được việc, tòa soạn báo đã nhận vào làm việc trong quá trình xây dựng nhà in).

Minh Nho - Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh in số báo đầu tiên sau ngày chia tách tỉnh (Báo Nghệ An và Hà Tĩnh) gửi vần thơ “Ta lại gặp nhau” có câu:

“Anh những dòng tin - Em với từng kiểu chữ

Lại gặp nhau trên trang báo hàng ngày”.

Báo Thanh Hóa ngày nay đã xuất bản hàng ngày, có nhiều ấn phẩm… Nơi làm việc được tỉnh ưu ái xây cất trung tâm báo chí cao tầng, còn đâu những ngôi nhà lán trại thuở ban đầu.

Cuối cùng đôi điều về ông Trần Đàm Thư ký tòa soạn, Ban Biên tập giao cho ông làm Giám đốc Nhà in khi chưa có Nhà in. Trong lúc khó khăn ông là người xông xáo công việc xây dựng Nhà in. Không biết ông nghĩ gì đùng đùng kéo về cơ quan một máy in 4 trang. Máy đã thanh lý, hợp đồng với 1 công nhân đã nghỉ hưu đứng máy, tìm việc nhận in các mặt hàng như: biểu mẫu thống kê, vé gửi xe, vé nhà ăn, vé xem hát… cũng kiếm được mấy chục triệu đồng, có đủ tiền nuôi bộ máy hợp đồng, tiền thuê thợ từ Sài Gòn ra vận hành máy in và máy vi tính kèm cặp truyền nghề cho đội ngũ công nhân mới vào nghề.

Đổi mới để phát triển là bài học nhớ mãi một thời làm báo đối với tôi trên con đường đời. Đừng ngại gian khổ, không né tránh thách thức. Trọng chân lý. Bản lĩnh trong ứng xử, cảnh giác với những viên đạn bọc đường ở thời bình.

NGUYỄN VĂN GIÁ - Nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Hóa


NGUYỄN VĂN GIÁ - Nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Hóa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]