(vhds.baothanhhoa.vn) - Những năm qua, Ban Quản lý (BQL) Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Xuân Liên thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo vệ và phát triển rừng bền vững, trong đó nghiên cứu khoa học được xem là nhiệm vụ then chốt để bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học hiện có một cách hiệu quả.

Nghiên cứu khoa học, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học ở Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên

Những năm qua, Ban Quản lý (BQL) Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Xuân Liên thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo vệ và phát triển rừng bền vững, trong đó nghiên cứu khoa học được xem là nhiệm vụ then chốt để bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học hiện có một cách hiệu quả.

Nghiên cứu khoa học, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học ở Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân LiênVườn lan được BQL Khu BTTN Xuân Liên thực hiện theo đề tài khoa học “Bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen lan Hài vân bắc, Hài lông và Thủy tiên hường vùng Bắc Trung bộ”.

Trước khi nói về hiệu quả của các đề tài khoa học mang lại cho công tác bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học, anh Phạm Anh Tám, Giám đốc, kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm BQL Khu BTTN Xuân Liên dẫn chúng tôi đi tham quan vườn lan, khu cứu hộ động vật hoang dã, nhà bảo tàng động thực vật, khu chế biến tinh dầu quế nằm trong BQL Khu BTTN Xuân Liên. Vừa đi anh Tám vừa chỉ cho chúng tôi xem các loài động, thực vật quý hiếm thuộc các danh mục nêu trong sách đỏ Việt Nam, trong đó có loài 3 lan quý hiếm (Hài lông, Hài vân bắc, Thủy tiên hường) được BQL bảo tồn nguồn giống gốc và nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật (hay còn gọi là công nghệ invitro), trong đó loài lan Hài vân bắc được nhân giống thành công đầu tiên tại Việt Nam.

“3 loài lan này hiện chỉ còn mọc rất ít trên các vách núi đá vôi, sườn núi và trên các cây gỗ lớn của rừng già sâu trong các khu bảo tồn, vườn quốc gia các tỉnh Bắc Trung bộ. Để bảo tồn nguồn gen và tránh được nguy cơ tuyệt chủng của 3 loài lan trên, BQL Khu BTTN Xuân Liên đã thực hiện đề tài khoa học “Bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen lan Hài vân bắc, Hài lông và Thủy tiên hường vùng Bắc Trung bộ”. Trong quá trình thực hiện đề tài, BQL đã điều tra 42 tuyến với chiều dài 325,9 km tại 14 vườn quốc gia và khu BTTN thuộc vùng Bắc Trung bộ để xác định hiện trạng, vùng phân bố các loài lan, tìm giải pháp bảo tồn, nhân giống các loài lan. Qua đó, phát hiện được 210 cá thể lan Hài vân bắc, 1.175 cá thể lan Hài lông, 1.265 cá thể lan Thủy tiên hường tại khu vực Bắc Trung bộ. Từ đó, xây dựng được 9 quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc các loài lan và 3 mô hình trồng cây lan thương phẩm, 1 mô hình vườn giống gốc với 5.035 cây để cung cấp vật liệu giống sản xuất cây thương phẩm. BQL đã nhân giống được 45.320 cây lan của 3 loài bằng phương pháp nuôi cấy mô và phương pháp tách mầm” - Giám đốc BQL Khu BTTN Xuân Liên nói.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết thêm, ngoài việc nhân giống thành công 3 loài lan quý hiếm nêu trên, những năm qua BQL Khu BTTN Xuân Liên còn triển khai có hiệu quả nhiều đề tài khoa học cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh, như: Đề tài “Khai thác và phát triển nguồn gen dược liệu Na rừng”; Đề tài “Khai thác và phát triển nguồn gen Cầy Vòi hương và Cầy vòi mốc tại Thanh Hóa và một số tỉnh lân cận; Đề tài “Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật nhân giống cây giống giổi ăn hạt, phục vụ trồng rừng cây gỗ lớn, nâng cao thu nhập cho người dân miền núi tỉnh Thanh Hóa”; Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nhân giống, trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cây Quế ngọc theo chuỗi giá trị tại huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa”. Các nhiệm vụ khoa học về bảo tồn như: ddiều tra, bảo tồn, cứu hộ và nuôi dưỡng các loài rùa; bảo tồn và phát triển các loài trong họ Cầy (Viverridae); bảo tồn một số loài cây họ Dầu; bảo tồn và phát triển các loài Giổi lông, Vàng tâm, Mỡ thuộc họ Ngọc Lan tại Khu BTTN Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa; bảo tồn và phát triển 2 loài Vù hương, Re gừng thuộc chi Quế (Cinnamomum); điều tra, bảo tồn các loài Rái cá nguy cấp, quý hiếm,...

Thông qua hoạt động điều tra để thực hiện các đề tài khoa học, BQL Khu BTTN Xuân Liên cùng với các nhà khoa học đã phát hiện được 6 loài cây mới, trong đó 3 loài đặc hữu chỉ có tại Xuân Liên; 1 loài đặc hữu của khu vực Trung bộ và 2 loài đặc hữu của Việt Nam, gồm Mộc hương Xuân Liên, Sồi Xuân Liên, Thiên lý Xuân Liên, Chè hoa vàng trái mỏng, Chè hoa vàng Trung bộ, Giác đế bân. Phát hiện 3 loài mới chưa từng được ghi nhận ở Việt Nam đó là: Lữ đằng đứng, Thủy thảo trắng, Song quả lá bắc tím và loài rắn hổ mây Xuân Liên... qua đó góp phần quan trọng trong việc bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học.

Ngoài ra, BQL còn tham gia cùng các nhà khoa học điều tra, bảo tồn các loài động vật tại Khu BTTN Xuân Liên và đã được công bố trên các tạp chí khoa học của Việt Nam và thế giới, như: Công bố loài Vượn đen má trắng tại Xuân Liên năm 2020 so với năm 2013 tăng từ 41 đàn/129 cá thể lên 62 đàn/200 cá thể, được xác định là khu vực có phân bố lớn nhất Việt Nam hiện nay (đăng trên Tạp chí Khám phá Discover Magazine, năm 2020); xác định được 8 đàn voọc xám với số lượng cá thể đến 224 cá thể; xác định sự phân bố của 4 loài khỉ thuộc giống Macaca gồm: Khỉ vàng, khỉ mốc, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn; ghi nhận sự phân bố của 2 loài Cu li thuộc giống Nycticebus. Điều tra sự phân bố và thực hiện công tác bảo tồn nội vi (insitu) và bảo tồn ngoại vi (Ex situ) đối với 5 loài rùa gồm: Rùa đầu to, Rùa hộp trán vàng miền bắc, Rùa đất Tam Đảo, Rùa bốn mắt, Rùa sa nhân; và 5 loài cầy (Cầy mực, Cầy giông, Cầy vòi hương, Cầy vằn bắc, Cầy vòi mốc). Điều tra nghiên cứu ghi nhận 252 loài chim thuộc 55 họ, 17 bộ. Xác định có 10 loài chim quý, hiếm có giá trị bảo tồn như loài gà tiền mặt vàng, vẹt ngực đỏ, hồng hoàng.

Nghiên cứu khoa học, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học ở Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân LiênCá thể Voọc xám được phát hiện tại Khu BTTN Xuân Liên.

Bên cạnh những hoạt động điều tra, nghiên cứu động, thực vật phục vụ công tác quản lý, BTTN, Khu BTTN Xuân Liên là đơn vị duy nhất trong tỉnh và đi đầu cả nước trong việc ứng dụng thành công hệ thống GPS-Photo Link để quản lý, giám sát cây cổ thụ quý hiếm trong khu bảo tồn bằng phần mềm và trên Website của khu bảo tồn. Ứng dụng phần mềm Smart phone, GPS, Mapinfor, có hình ảnh trực quan gắn với định vị tọa độ trên bản đồ và tích hợp thông tin dữ liệu trong bộ công cụ quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra (SMART). Việc ứng dụng phần mềm góp phần quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng và công tác chỉ đạo, điều hành của đơn vị.

“Có thể nói, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong công tác quản lý bảo vệ an toàn, nguyên vẹn tài nguyên rừng hiện có, góp phần nâng cao giá trị, vị thế của khu bảo tồn ở trong nước và quốc tế; tạo nền tảng gắn kết, đưa hoạt động BTTN của đơn vị từng bước ổn định và phát triển bền vững. Nhằm thúc đẩy và phát huy tốt hơn công tác nghiên cứu khoa học, thời gian tới BQL tiếp tục thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng; bảo tồn, phát huy các giá trị đặc biệt về thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật, dự trữ thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan; nghiên cứu khoa học; cung ứng dịch vụ môi trường rừng; tổ chức các hoạt động dịch vụ môi trường sinh thái, du lịch và giáo dục môi trường theo quy định của pháp luật. Đa dạng các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và hoàn thiện công tác điều tra nghiên cứu cơ bản ở Khu BTTN Xuân Liên. Nghiên cứu các giải pháp giám sát loài động thực vật rừng quý hiếm hướng tới phục hồi hệ sinh thái động thực vật và thảm thực vật rừng. Đẩy mạnh nghiên cứu các giải pháp bảo tồn nội vi, bảo tồn ngoại vi tại điểm cứu hộ bán hoang dã và sưu tập, trồng các loài thực vật tại vườn thực vật. Gắn với phát triển mạnh mẽ các mô hình trồng, chăn nuôi các loài được lựa chọn để phát triển kinh tế vùng đệm. Tăng cường hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu, các trung tâm, các tổ chức phi chính phủ: Tập trung vào một số hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, các quy trình sản xuất hướng tới chuỗi giá trị; xây dựng mô hình phát triển kinh tế vùng đệm khu BTTN; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ đa dạng sinh học; triển khai các hoạt động nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho đội ngũ kiểm lâm.

Bài và ảnh: Ngân Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]