(vhds.baothanhhoa.vn) - Phong trào cựu chiến binh (CCB) giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi của các cấp hội CCB huyện Đông Sơn thời gian qua đã cổ vũ, động viên tinh thần, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường trong toàn thể cán bộ, hội viên. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương CCB năng động, sáng tạo, đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, tiêu biểu là CCB Lê Sỹ Xuân ở thôn Thượng Hòa, xã Đông Hòa.

Cựu chiến binh Lê Sỹ Xuân làm kinh tế giỏi

Phong trào cựu chiến binh (CCB) giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi của các cấp hội CCB huyện Đông Sơn thời gian qua đã cổ vũ, động viên tinh thần, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường trong toàn thể cán bộ, hội viên. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương CCB năng động, sáng tạo, đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, tiêu biểu là CCB Lê Sỹ Xuân ở thôn Thượng Hòa, xã Đông Hòa.

Cựu chiến binh Lê Sỹ Xuân làm kinh tế giỏiTrang trại tổng hợp của cựu chiến binh Lê Sỹ Xuân mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Lê Sỹ Xuân cho biết, ông tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc, đến năm 1985 xuất ngũ trở về địa phương. Với bản chất người lính Bộ đội Cụ Hồ, không cam chịu đói nghèo, ông tích cực đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương. Sau nhiều năm lăn lộn, bươn chải kiếm sống, năm 2006, khi UBND xã thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa, CCB Lê Sỹ Xuân nhận thầu 1,5 ha đất ven đê sông Hoàng để phát triển sản xuất. Đây là vùng trũng, đất hoang hóa, sản xuất khó khăn, không có đường đi lại. Ông Xuân đã vay mượn anh em, bạn bè để cải tạo đất trồng lúa kết hợp chăn nuôi. Do không có kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh nên những năm đầu ông bị thua lỗ, gần như mất trắng.

Rút kinh nghiệm từ những thất bại, CCB Xuân tìm cách từng bước khắc phục những khó khăn, thách thức. Năm 2014, ông quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tiến hành trồng cây ăn quả, đào ao thả cá. Với mong muốn làm kinh tế đạt hiệu quả cao, ông đã đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, đồng thời tự nghiên cứu, tiếp cận khoa học - kỹ thuật mới, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng cho phù hợp với đồng đất địa phương. Sau nhiều năm kiên trì, học hỏi, đúc kết được nhiều kinh nghiệm và áp dụng vào thực tế, đến nay, mô hình sản xuất của ông Xuân đã đạt hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, trang trại của gia đình ông có 500 gốc bưởi, 200 gốc hồng xiêm, 300 gốc nho và nhiều cây ăn quả các loại. Diện tích ao được nuôi cá trắm đen, cá trắm cỏ... Hằng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định từ 300 - 400 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 2 lao động thường xuyên và 5 lao động thời vụ.

Chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế gia đình, CCB Lê Sỹ Xuân cho biết: Để phát triển kinh tế đạt hiệu quả, trước hết bản thân phải kiên trì, nỗ lực khắc phục những khó khăn; nghiên cứu, lựa chọn những giống cây trồng, vật nuôi phù hợp thổ nhưỡng và nhu cầu của thị trường. Đồng thời không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm để áp dụng vào trong sản xuất, từ đó mang lại hiệu quả trong phát triển kinh tế.

Dù có cuộc sống, thu nhập khá giả, nhưng chưa bao giờ ông Xuân cho phép mình ngơi nghỉ, hằng ngày, ông vẫn cùng vợ siêng năng lao động, sản xuất. Với ông, đây là niềm vui lao động, cũng là làm gương cho con cháu noi theo. Vươn lên làm giàu từ khó khăn, ông luôn giữ quan niệm “khó khăn đến mấy mà bản thân cố gắng thì sẽ vượt qua và đạt được quả ngọt, bởi lửa thử vàng, gian nan thử sức”.

Phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ, CCB Lê Sỹ Xuân đã từng bước vượt qua khó khăn, phấn đấu phát triển kinh tế gia đình. Ông xứng đáng là tấm gương sáng về tinh thần vượt lên khó khăn, quyết tâm thoát nghèo, làm giàu chính đáng tại địa phương để hội viên CCB và thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Bài và ảnh: Thanh Huê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]