(vhds.baothanhhoa.vn) - Gần 50 tuổi, nếu may mắn thì người phụ nữ đã có thể hưởng phúc từ con cháu, thong thả sống qua ngày và tận hưởng niềm vui ở giai đoạn trung niên, nhưng chị Đoàn Thị Sinh, sinh năm 1973 ở thôn Phú Lương, xã Hưng Lộc (Hậu Lộc) thì ngược lại. Suốt gần 20 năm qua, chị vừa là trụ cột kinh tế vừa chăm lo cho mẹ chồng hơn 80 tuổi, em chồng mù bẩm sinh và 3 đứa con ăn học. Trong đó, người con trai thứ 2 cũng bị khuyết tật bẩm sinh.

Người phụ nữ "gánh cả giang sơn" nhà chồng: Hơn 20 năm trời vui vẻ dù vẫn nghèo

Gần 50 tuổi, nếu may mắn thì người phụ nữ đã có thể hưởng phúc từ con cháu, thong thả sống qua ngày và tận hưởng niềm vui ở giai đoạn trung niên, nhưng chị Đoàn Thị Sinh, sinh năm 1973 ở thôn Phú Lương, xã Hưng Lộc (Hậu Lộc) thì ngược lại. Suốt gần 20 năm qua, chị vừa là trụ cột kinh tế vừa chăm lo cho mẹ chồng hơn 80 tuổi, em chồng mù bẩm sinh và 3 đứa con ăn học. Trong đó, người con trai thứ 2 cũng bị khuyết tật bẩm sinh.

Người phụ nữ “gánh cả giang sơn” nhà chồng: Hơn 20 năm trời vui vẻ dù vẫn nghèo

HTX tiểu thủ công nghiệp Toàn Thắng thành lập, chị Đoàn Thị Sinh trở thành một công nhân chính thức, với mức lương 5-7 triệu đồng/tháng và được đóng bảo hiểm xã hội…

Vừa làm con, làm mẹ và làm cha

Sinh ra và lớn lên ở xã bãi ngang khó khăn nhất của huyện Hậu Lộc, từ nhỏ chị Sinh đã theo những gánh rau của mẹ bươn bả từ chợ xa đến chợ gần. Năm 22 tuổi, chị đồng ý yêu và cưới anh Nguyễn Văn Binh, con trai thứ trong một gia đình đông anh chị em. Ngoài mẹ già, anh Binh còn nhận trách nhiệm chăm sóc cho cô em gái mắc bệnh mù bẩm sinh. “Nhiều người cũng hỏi sao tôi liều quá nhưng yêu thì liều thôi chứ sao”. Đó là cách chị nói về quyết định về ở với anh. Quả thật, nếu không vì sức mạnh của một tình yêu chân thành, có lẽ sẽ không có cái gật đầu mạnh dạn của cô gái xuân sắc được không ít người theo đuổi ở thời điểm đó.

Dù đã xác định từ trước nhưng những khó khăn của cuộc sống thực tế lại vượt xa những gì chị tưởng tượng. Hết làm thợ hồ, thợ mộc, anh Binh lại theo những đoàn người vào nam, ra bắc, chăm chỉ sớm hôm nhưng thu nhập cũng không khá khẩm gì. Để phụ giúp kinh tế, chị ngược xuôi buôn bán, trang trải cuộc sống gia đình, tích góp tiền của xây căn nhà nhỏ. “Nhà chồng thuộc diện hộ nghèo bền vững luôn. Các anh, chị, em đều lập gia đình nhưng ai cũng khổ”, chị Sinh tâm sự.

Hạnh phúc sớm đơm hoa kết trái khi chị sinh hạ cậu con trai đầu lòng mang tên Nguyễn Văn Nhất, sinh năm 1999. 3 năm sau đó, gia đình lại tiếp tục chào đón thành viên mới, tuy nhiên đứa trẻ sinh ra không lớn lên, phát triển như chúng bạn. Nguyễn Văn Nhì, sinh năm 2002, ốm yếu, khó nuôi từ bé. Giọng nghẹn nghào, chị Sinh tâm sự: “Nhìn con như vậy, vợ chồng tôi đau như đứt từng khúc ruột. Trong nhà có bao nhiêu đồ đạc có giá trị đều bán, thậm chí là vay mượn anh em bạn bè để đưa con đi chữa trị, nhưng kết quả chỉ vẫn là con số 0 tròn trĩnh”. Vợ chồng nghèo nuốt nước mắt vào trong, ngậm ngùi nuôi con với hy vọng một ngày nào đó bệnh tình của con sẽ khỏi để sống đúng nghĩa một kiếp người. Nhưng 20 năm đã trôi qua, Nhì vẫn như một đứa trẻ lên 3: thấp, còi, chậm hiểu và mang nhiều bệnh tật.

Bao niềm tin, hy vọng, vợ chồng chị Sinh đặt vào cô con gái thứ 3, Nguyễn Thị Thảo, sinh năm 2007, sinh ra khỏe mạnh, càng lớn càng xinh đẹp như một đóa hoa. Những ngày tiếp theo, cuộc sống dù khó khăn nhưng luôn đầm ấm. Mọi người trong gia đình thương yêu nhau, cùng nhau vượt qua nghịch cảnh. Nhưng, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, anh Binh bị bệnh rồi mất sau một thời gian dài gia đình cố gắng chạy chữa. Nhớ về người chồng đã khuất và thương 3 đứa con thơ, chị không diễn ra được bằng lời, bao nhiêu tình cảm chan chứa hiện hữu ánh lên trong đôi mắt của chị. “Người đi, mình ở lại phải cố gắng gấp 2, gấp 3 lần bình thường. Biết làm sao được, trời định mỗi người mỗi số. Khổ hay sướng là do mình, cứ cố gắng hết sức, trời sẽ không phụ lòng người”, chị tâm sự.

Nghe những lời tâm sự, chia sẻ ấy, tôi lại càng cảm phục trước sự lạc quan và nghị lực của chị. Một người phụ nữ mất chồng cách đây 10 năm để lại những nỗi đau, gánh nặng không thể đong đếm. Sự cô đơn, nhọc nhằn của những ngày con ốm đau và vất vả với cuộc sống bộn bề lo toan dường như không cho phép chị gục ngã bởi chị là điểm tựa duy nhất của cả đại gia đình. Để mưu sinh, chị Sinh không quản ngại bất cứ công việc gì, hễ ở đâu có ai thuê gì chị đều xin làm. Với một tâm nguyện suy nhất, phải lo cho con mình được ăn học đến nơi đến chốn để con có được nghề nghiệp ổn định, tương lai tươi sáng hơn. Bởi lẽ, theo như lời chị: “Đời mình đã khổ rồi không để đời con mình phải khổ nữa!”.

Vất vả cũng là sự lựa chọn của mình

Nhiều năm vật lộn với cuộc sống khó khăn nên chị Sinh thường xuyên đau ốm, không thể làm các việc nặng nhọc. Biết rõ hoàn cảnh của chị, các tổ chức chính trị tại địa phương cũng ra sức giúp đỡ. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hưng Lộc, cụ thể là bà Nguyễn Thị Sâm, nguyên cán bộ của hội đã đứng ra thành lập tổ gia công các sản phẩm phi nông nghiệp, như: mây giang xiên, đan hộp, đan len... và liên hệ với các công ty tại địa phương để nhận nguyên liệu, mẫu mã... mang về cho các chị em địa phương cùng làm, trong đó có chị Sinh. Tuy nhiên, vì phải phụ thuộc vào các bên liên quan nên hàng lúc có, lúc không, nhiều khi làm được 1,2 ngày lại phải nghỉ cả tuần để đợi nguyên liệu. Công việc không đều, thu nhập bấp bênh, chị Sinh “giật gấu vá vai” đủ kiểu sống qua ngày.

May mắn đã mỉm cười với chị khi bà Nguyễn Thị Sâm đứng ra thành lập HTX tiểu thủ công nghiệp Toàn Thắng, trụ sở đặt tại thôn Phú Lương, xã Hưng Lộc. Chị Sinh trở thành một công nhân chính thức, với mức lương 5-7 triệu đồng/ tháng và được đóng bảo hiểm xã hội…cuộc sống của bản thân và gia đình chị mới ổn định phần nào. Tham gia vào môi trường tập thể, nhận được chia sẻ, động viện của các chị em phụ nữ cùng cảnh ngộ, chị càng thêm tự tin vào cuộc sống. Từ đó cho đến nay, chị vẫn luôn cần mẫn làm việc, phát triển công việc.

Hơn 10 năm trôi qua, sau khi chồng chị qua đời, người phụ nữ mạnh mẽ kiến cường ấy cũng đến ngày hái quả ngọt, thành quả của chị là mong ước bình dị của bậc làm cha mẹ, đến nay người con lớn đã đi làm phụ mẹ nuôi các em ăn học, người con thứ 2 tuy có chút khiếm khuyết về cơ thể nhưng lại là một cậu bé tình cảm, chăm chỉ. Hiện tại, Nhất đang là học sinh lớp 9, Trường THCS Hưng Lộc, cùng khóa với em gái. Thảo thông minh, học giỏi là con ngoan, trò giỏi của trường. Có lẽ, chính sự hy sinh, nghị lực của chị là động lực, ý chí để những người con của chị trưởng thành hơn.

Bà Nguyễn Thị Sâm, giám đóc HTX tiểu thủ công nghiệp Toàn Thắng, chia sẻ: "Hoàn cảnh gia đình chị Sinh đặc biệt khó khăn vì cuộc sống gia đình chỉ trông vào một mình chị ấy. Chính quyền, HTX tiểu thủ công nghiệp Toàn Thắng, cùng với người dân địa phương cũng đã tạo mọi điều kiện chung tay giúp đỡ cho gia đình chị vươn lên trong cuộc sống”.

Dù đến nay gia đình chị Sinh vẫn thuộc diện hộ cận nghèo của địa phương nhưng chị nói cuộc sống đã đỡ cơ cực rất nhiều. Sự hòa thuận của gia đình và đặc biệt là 3 đứa trẻ chăm ngoan, hiếu thảo chính là động lực, hạnh phúc giúp chị vượt lên khó khăn mỗi ngày. Ai có hỏi chị khổ không, nhất định chị sẽ nói: “Khổ chứ nhưng đó là lựa chọn của mình, mình không trách ai, chỉ mong mỗi ngày đều được sống vui vẻ”.

Suốt buổi gặp mặt, từng câu chuyện dù vui dù buồn đều được chị thuật lại với vẻ lạc quan lạ kỳ. Chị bảo: “Cứ nghĩ đơn giản và sống lạc quan là cảm thấy nhẹ nhàng. Hoàn cảnh của mình như vậy rồi, nếu u buồn thì không làm việc được. Điều tôi mong ước bây giờ là cả nhà luôn đủ ăn đủ mặc, sống vui vẻ bên nhau. Tôi còn đang lo, hai anh em Nhất - Thảo học chung một khóa, mua sắm, đóng góp gì cũn phải gấp đôi. Lúc trước tính sinh 2 đứa thôi vì thấy gia cảnh cực quá, nhưng sau vỡ kế hoạch thì nuôi luôn, cho con có anh có em”.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]