(vhds.baothanhhoa.vn) - Những món đồ cũ tưởng chừng bỏ đi nhưng khi đến tay cô Trương Thị Doanh, chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) thiện nguyện Bỉm Sơn đã trở thành đồ hữu ích. Qua đôi bàn tay chăm chút và sự cẩn trọng, những món quà yêu thương lại được gửi đến đồng bào vùng khó, người có hoàn cảnh khó khăn.

Người phụ nữ “gieo duyên” đồ cũ

Những món đồ cũ tưởng chừng bỏ đi nhưng khi đến tay cô Trương Thị Doanh, chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) thiện nguyện Bỉm Sơn đã trở thành đồ hữu ích. Qua đôi bàn tay chăm chút và sự cẩn trọng, những món quà yêu thương lại được gửi đến đồng bào vùng khó, người có hoàn cảnh khó khăn.

Người phụ nữ “gieo duyên” đồ cũVới những đóng góp cho hoạt động từ thiện, cô Trương Thị Doanh, Chủ nhiệm CLB thiện nguyện Bỉm Sơn nhiều lần được nhận bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương... của các cấp hội, tổ chức, đơn vị.

Từ sự đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn

Thông qua một số hoạt động từ thiện, hội chợ nhân đạo... tôi biết đến cô Trương Thị Doanh - người phụ nữ vẻ ngoài giản dị, mộc mạc với tấm lòng chan chứa yêu thương và cách làm từ thiện cũng rất khác. Khác ở chỗ, bên cạnh vật chất, nhu yếu phẩm thì CLB thiện nguyện Bỉm Sơn do cô làm chủ nhiệm vẫn luôn có những món đồ cũ, như quần áo, nồi niêu, bát đũa đến ti vi, xe đạp...Nhà cô Doanh ở khu phố 6, phường Lam Sơn (thị xã Bỉm Sơn). Đây cũng là nơi mà cô và các thành viên trong CLB làm mới lại những đồ cũ.

Sau 24 năm sống và làm việc bên nước Nga, năm 2010 cô Trương Thị Doanh quyết định về nước khi đã ở tuổi 50. Cô Doanh nhớ lại: “Đến thăm các gia đình mới thấy bà con hàng xóm ngay cạnh mình còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, khổ quá. Như gia đình bà Vũ Thị Tào, cả hai mẹ con cùng bị khuyết tật không có khả năng lao động, trong căn nhà dột nát ngoài chiếc giường ọp ẹp thì không có bất kỳ vật dụng nào... Như sự thôi thúc từ thâm tâm, mách bảo tôi phải làm việc gì đó để có thể giúp đỡ nhiều hơn những hoàn cảnh không may mắn”.

Sau nhiều suy nghĩ, cô Trương Thị Doanh quyết định thành lập CLB thiện nguyện Bỉm Sơn với mong muốn từ bản thân mình mà kết nối những tấm lòng hảo tâm trong cộng đồng. Quyết định của cô được cả gia đình ủng hộ. “Vốn dĩ, khi ở bên nước ngoài cô vẫn thường giúp đỡ bà con bị cơ nhỡ, khó khăn thông qua việc kết nối với đại sứ quán. Nhưng khi làm từ thiện ở trong nước lại chưa biết bắt đầu từ đâu. Cũng may, nhờ sự hướng dẫn của một số người, cuối cùng cô đã hoàn tất các thủ tục theo quy định", cô Trương Thị Doanh nhớ lại.

CLB thiện nguyện Bỉm Sơn ban đầu được thành lập với chỉ gần 20 thành viên, chủ yếu là người dân sống trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn. Hoạt động của CLB thời gian đầu tập trung vào việc thăm nuôi, giúp đỡ người già, người cao tuổi neo đơn không nơi nương tựa, hoàn cảnh khó khăn và nấu cháo tình thương dành tặng bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Bỉm Sơn. Số thành viên tham gia hoạt động CLB mỗi ngày gia tăng, đặc biệt, không chỉ trong tỉnh mà còn có hàng trăm thành viên là người đến từ các tỉnh, như: Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Bình Dương...

Ngoài việc tặng quà, CLB thiện nguyện Bỉm Sơn còn kết nối với các nhà hảo tâm trong cả nước xây nhà tình thương cho các hộ gia đình nghèo. Đặc biệt, CLB thường xuyên tham gia quyên góp, ủng hộ đồng bào gặp thiên tai, lũ lụt trong cả nước, như Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn (Thanh Hóa); các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị... với số tiền và hàng trị giá nhiều tỷ đồng. Chia sẻ về việc duy trì và giữ lửa hoạt động của CLB, chủ nhiệm Trương Thị Doanh cho biết: “Từ thiện là một hoạt động ý nghĩa song khá nhạy cảm, nếu làm không khéo rất dễ dẫn đến khúc mắc, nghi kị. Bởi vậy, tại CLB thiện nguyện Bỉm Sơn, công khai - minh bạch là nguyên tắc hoạt động số 1. Dù là tiền, hàng hay vật dụng, tất cả đều phải được công khai. Chỉ khi có niềm tin và lòng tin, người ta mới có thể cùng nhau đi lâu dài. Và tôi thấy mình may mắn vì có những cộng sự tuyệt vời đã đồng hành để làm nên sức mạnh của CLB thiện nguyện Bỉm Sơn”.

Đến việc “gieo duyên” đồ cũ

“Muốn làm từ thiện, trước hết phải có một tấm lòng” - đó cũng là quan điểm của cô Trương Thị Doanh về hoạt động từ thiện. Khi có tấm lòng, người ta sẽ biến nó thành những yêu thương, sẻ chia và không phải cứ có tiền mới làm từ thiện được. Chính từ quan điểm này, nhiều năm qua, bên cạnh việc quyên góp tiền bạc, CLB thiện nguyện Bỉm Sơn còn nhận ủng hộ đồ cũ từ khắp mọi miền đất nước gửi về. Đó là ti vi, xe đạp, cốc chén, bát đĩa... của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thị xã. Sau khi nhận được những món đồ cũ, chủ nhiệm CLB thiện nguyện Bỉm Sơn và các hội viên, tình nguyện viên cho về kho bắt đầu “công cuộc” xử lý. Quần áo cũ thì cần mẫn kiểm tra từng đường kim, mũi chỉ, khuy, khuyết, hư hỏng thì sửa chữa. Đồ còn dùng được thì soạn riêng, cái nào hỏng không thể sử dụng thì gửi cho các nhà máy, xí nghiệp dùng để lau máy móc, chứ tuyệt đối không vứt ra môi trường. Đồ cũ được cho vào máy giặt chuyên dụng, giặt sạch sẽ, thơm tho. Sau đó phân loại thành đồ nam, nữ, già, trẻ, lớn, bé... cho vào túi bóng mới thật gọn gàng để món đồ cũ khi đến với người cần một cách trân trọng.

Người phụ nữ “gieo duyên” đồ cũCô Trương Thị Doanh (bên phải) và thành viên trong CLB thiện nguyện Bỉm Sơn sửa soạn, làm mới những món đồ cũ.

Công việc làm mới đồ cũ không hề đơn giản. Nó cần sự chịu khó, tỉ mẩn, cẩn thận và mất rất nhiều công sức. Bởi thực tế, có quá một nửa đồ cũ thường là không dùng được. Trong khi đó, trung bình mỗi năm, CLB nhận được khoảng từ 50 - 70 tấn quần áo cũ. Vậy nên, việc làm mới đồ cũ diễn ra thường xuyên. Mỗi tháng, CLB tổ chức 1 đến 2 chuyến từ thiện. Nếu không thể đi trực tiếp thì sẽ gửi xe. Và thật may, hoạt động từ thiện của CLB thiện nguyện Bỉm Sơn còn nhận được sự hỗ trợ vận chuyển miễn phí của nhiều nhà xe trên địa bàn tỉnh, dù là đi Hà Giang, Lai Châu hay Quảng Bình, Quảng Trị...

Nói về việc gieo duyên cho những món đồ cũ, cô Trương Thị Doanh tâm sự: “Cuộc sống ngày càng phát triển, nhu cầu mua sắm của con người cũng thay đổi theo. Không phải cứ hư, hỏng người ta mới thay, thậm chí thay khi còn mới, thay khi không thích. Nhưng cùng với đó, còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, thiếu từ miếng ăn, chiếc áo ấm, đôi dép đi... nên thay vì cho tiền, mình có thể tặng họ những món đồ cần thiết. Tôi vẫn nhớ, trong một chuyến từ thiện ở huyện Mường Lát, sau khi khoác chiếc áo ấm lên người cậu bé chừng 5, 6 tuổi, thì cháu đã ôm chầm lấy tôi rồi khóc. Đến bây giờ, hình ảnh ấy vẫn ám ảnh vô cùng”.

Từ sự lan tỏa của các hoạt động từ thiện thiết thực, năm 2017 CLB thiện nguyện Bỉm Sơn tham gia mạng lưới tình nguyện của Trung tâm Tình nguyện quốc gia và cô Trương Thị Doanh được bầu làm Chủ tịch an sinh xã hội mạng lưới khu vực miền Trung. Đánh giá về hoạt động của CLB thiện nguyện Bỉm Sơn, bà Trịnh Thị Tiếp, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, cho biết: “Trên địa bàn tỉnh số lượng các CLB thiện nguyện khá nhiều nhưng đi được đường dài với sức lan tỏa mạnh mẽ và đặc biệt từ thiện bằng cách làm mới đồ cũ như CLB thiện nguyện Bỉm Sơn là rất hiếm. Để đạt những thành quả đó, có sự đóng góp rất lớn của chủ nhiệm Trương Thị Doanh”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]