(vhds.baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, các cấp hội LHPN huyện Như Thanh đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hội viên, lao động nữ nông thôn. Từ đó, góp phần cải thiện đời sống kinh tế, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Như Thanh phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển nghề nông thôn

Những năm gần đây, các cấp hội LHPN huyện Như Thanh đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hội viên, lao động nữ nông thôn. Từ đó, góp phần cải thiện đời sống kinh tế, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Như Thanh phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển nghề nông thônCác học viên sau khi được đào tạo, được cấp chứng chỉ nghề.

Năm 2021, chị Lương Thị Danh thôn Tân Vinh, xã Thanh Tân được tham gia học lớp dệt thổ cẩm do Hội LHPN huyện Như Thanh phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức. Tại đây, chị Danh được đào tạo kiến thức cơ bản, thực hành thành thạo kỹ năng để dệt những bộ váy, khăn, túi.... Với những kiến thức được học, chị đã ứng dụng vào thực tế sản xuất, khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống của địa phương.

Chị Danh cho biết: “Tham gia khóa học, chúng tôi còn được Hội LHPN xã giới thiệu, tiếp cận với một số doanh nghiệp nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, sản phẩm của chúng tôi làm ra đã được nhiều nơi biết đến, khách hàng từ những tỉnh khác đã đến đây tham khảo, đặt hàng, từ đó kinh tế gia đình tôi cũng dần ổn định hơn”.

Được biết, nghề dệt thổ cẩm xã Thanh Tân có thời gian gần như mai một. Nhờ có sự vào cuộc của Hội LHPN xã khôi phục lại các nghề truyền thống, đến nay xã Thanh Tân có 5 nhóm dệt với trên 30 chị em tham gia. Sản phẩm ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến.

Tại xã Xuân Du, sau khi tham gia lớp học nghề trồng trọt, lớp học nghề chăn nuôi của Hội LHPN huyện tổ chức, chị Trịnh Thị Lý ở thôn 5 đã áp dụng kiến thức về cách chọn con giống, dinh dưỡng và thức ăn chăn nuôi đàn gia cầm; vệ sinh môi trường để làm mô hình vườn, chuồng; với trồng đào, thanh long, bưởi... kết hợp với chăn nuôi. Sau 3 năm thực hiện mô hình, đến nay thu nhập của gia đình đạt bình quân từ 200-300 triệu đồng/năm”.

Hằng năm, Hội LHPN xã Xuân Du đã khảo sát nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động của địa phương, đồng thời vận động lao động nữ tham gia học nghề; cung cấp địa chỉ học nghề, địa chỉ việc làm; tổ chức các hoạt động tư vấn giới thiệu ngành nghề phù hợp gắn với nhu cầu của lao động nữ. Trong năm 2023, hội đã phối hợp với các đơn vị liên quan để mở các lớp nghề kỹ thuật nấu ăn, lớp kỹ thuật trồng trọt cho 70 học viên trong xã.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Du cho biết: “Để đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động nữ, Hội LHPN xã đã tiến hành khảo sát, lựa chọn các nghề phù hợp, hiệu quả, mang tính bền vững, có khả năng thu hút nhiều lao động tại địa phương để tham mưu cho UBND xã, Hội LHPN cấp trên dạy nghề và tạo việc làm”.

Trong năm 2023, các cấp Hội LHPN huyện Như Thanh đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, UBND các xã, Trung tâm học tập cộng đồng đã tổ chức 6 lớp dạy nghề truyền thống, dạy nghề mới về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, may công nghiệp, đan mây tre xuất khẩu, dệt thổ cẩm... cho 309 lượt lao động nữ trên địa bàn. Qua các lớp dạy nghề, học viên được tiếp cận, thực hành kiến thức khoa học - kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi; cách tổ chức mô hình kinh tế hợp lý, từ đó phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.

Theo bà Trần Thị Huyền, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Như Thanh: "Được học nghề chị em rất phấn khởi, thời gian học linh động, tạo điều kiện cho chị em tham gia, việc học nghề đã mang lại hiệu quả nhất định, sau học nghề nhiều chị em đã áp dụng được kiến thức, kỹ năng áp dụng vào sản xuất, tạo ra các sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng, nâng cao thu nhập cho gia đình, nâng cao quyền năng kinh tế cho chị em, từ đó chị em nhiệt tình tham gia các phong trào và hoạt động của hội. Hiện nay, Hội LHPN huyện cũng hỗ trợ cung cấp các sản phẩm tại địa phương, giới thiệu, quảng bá sản phẩm của chị em trên các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử của hội... Chúng tôi cũng đang tìm và kết nối với các doanh nghiệp để đảm bảo tính bền vững của các sản phẩm. Hội cũng mong muốn các cấp, các ngành, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm".

Bài và ảnh: Minh Khanh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]