(vhds.baothanhhoa.vn) - Không khí xuân giăng mắc, tràn ngập khắp đất trời đã báo hiệu ngày tết cổ truyền của dân tộc đang đến gần. Vị tết về thật rõ trên sắc màu của hoa đào, hoa mai, mùi hương trầm thoang thoảng và trong những món quà thân thuộc của ngày tết quê. Những món quà ấy như xoa dịu nỗi nhớ, xóa nhòa khoảng cách, làm “tết xa bỗng hóa gần” với những người xa quê.

Những món quà gợi nhớ tết quê hương

Không khí xuân giăng mắc, tràn ngập khắp đất trời đã báo hiệu ngày tết cổ truyền của dân tộc đang đến gần. Vị tết về thật rõ trên sắc màu của hoa đào, hoa mai, mùi hương trầm thoang thoảng và trong những món quà thân thuộc của ngày tết quê. Những món quà ấy như xoa dịu nỗi nhớ, xóa nhòa khoảng cách, làm “tết xa bỗng hóa gần” với những người xa quê.

Những món quà gợi nhớ tết quê hươngLao động Công ty TNHH Dũng Lan (TP Thanh Hóa) tấp nập sản xuất nem chua cung ứng cho thị trường cuối năm.

Tết Nguyên đán chính là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Việt. Đó là sinh hoạt văn hóa thể hiện sự gắn kết trong cộng đồng, gia tộc và gia đình, mang giá trị tâm linh và tình cảm sâu sắc của người Việt. Do đó, ngày tết ai cũng mong được trở về để đoàn tụ, quây quần bên mâm cơm, hàn huyên những câu chuyện cũ và kể cho nhau nghe những ước mơ, dự định của mai sau. Nhưng với những người không có điều kiện trở về quê dịp tết đến xuân về, thì họ có thể “cảm nhận" vị tết quê qua những món quà gợi nhớ.

Chị Lê Thị Tám, sinh ra và lớn lên tại huyện Hậu Lộc nhưng đã nhiều năm định cư tại TP Biên Hòa (Đồng Nai). Vì điều kiện kinh tế và đặc thù công việc, đã nhiều năm chị và gia đình không được ăn Tết Nguyên đán trên quê hương. Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cũng vậy, gia đình chị vẫn ăn tết “xứ người” nhưng vẫn không quên được vị tết quê. Chị Tám cho biết: "Tết Nguyên đán được nghỉ không dài, chi phí vé tàu xe đắt đỏ là quá sức với gia đình. Hơn nữa, những ngày cận tết, công việc cho lao động tự do nhiều, thu nhập cao hơn ngày thường nên gia đình tôi lựa chọn ở lại kiếm thêm thu nhập, dành đến dịp hè khi các con nghỉ học dài sẽ về quê đoàn tụ cùng gia đình”. Cũng theo chị Tám, những năm gần đây, dịp tết người thân luôn gửi những món quà xứ Thanh, như nem chua, bánh gai, măng, miến dong... để dù ở xa nhưng vẫn “cảm” được mùi, vị tết quê, nỗi nhớ nhà đã phần nào được xoa dịu.

Xứ Thanh từ sớm đã hình thành nên nét văn hóa ẩm thực tinh tế, từ những món ăn dân dã đến những sản vật sang trọng. Chính vì vậy, nhiều năm gần đây, quà tết không còn thiên về những vật phẩm hào nhoáng, giá trị kinh tế mà thay vào đó là những món quà ý nghĩa đem lại sự bình an, thiết thực, thể hiện sự quan tâm, tình yêu thương và tấm lòng của người tặng. Những nét tinh hoa trong văn hóa ẩm thực xứ Thanh đã trở thành những món quà tặng ý nghĩa, những biểu tượng gợi nhớ về vị tết quê hương đối với những người con xa xứ.

Những ngày cận Tết Nguyên đán, hoạt động sản xuất của HTX chế biến thủy sản Hải Bình (thị xã Nghi Sơn) luôn tấp nập, nhộn nhịp cho những đơn hàng làm quà biếu cuối năm. Anh Nguyễn Thế Hoàng, giám đốc HTX, cho biết: Các mặt như nước mắm, hải sản khô của HTX được khách hàng lựa chọn nhiều làm quà tặng dịp tết. Do đó, cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, HTX còn chú trọng đầu tư mẫu mã, bao bì đẹp mắt để món quà của khách hàng trở nên sang trọng, ý nghĩa hơn. Dự kiến dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, HTX cung ứng cho thị trường khoảng 1.000 lít nước mắm và gần 8 tạ sản phẩm hải sản khô, doanh thu khoảng 200 triệu đồng.

Không chỉ sản phẩm hải sản mà nem chua cũng là một trong những sản phẩm mang phong vị xứ Thanh được tiêu thụ lớn trong dịp cuối năm, Tết Nguyên đán. Tại Công ty TNHH Dũng Lan, phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa), chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP 4 sao Nem chua bà Lan, hàng chục lao động đang làm hết công suất để bảo đảm đơn hàng tiêu dùng, làm quà biếu của khách hàng. Anh Hoàng Hiệp, giám đốc công ty, cho biết: Dịp tết sức tiêu thụ của thị trường lớn, nhất là những đơn hàng làm quà tặng gửi ra ngoại tỉnh. Do đó, công ty cung ứng cho thị trường khoảng 20 - 30 nghìn sản phẩm/ngày, tăng công suất gấp 2 - 3 lần so với ngày thường. Đồng thời, đầu tư bao bì, hộp gói trang trọng để “nâng tầm” sản phẩm, phù hợp với nhu cầu làm quà tặng của khách hàng.

Mùa nào thức nấy, người xứ Thanh luôn đãi khách bằng sản vật thiên nhiên ban tặng và những sản phẩm được chế biến từ nguồn nguyên liệu sẵn có, gần gũi nhưng không kém phần tinh tế, đặc sắc. Cho dù đi xa muôn phương nhưng những con người xứ Thanh vẫn luôn nhớ, tự hào về phong vị quê hương và luôn coi đó như một giá trị để hướng về. Và những vật phẩm ấy đã, đang theo những chuyến tàu, xe đi khắp mọi miền đất nước, mang tết đến gần hơn với những người xa quê.

Bài và ảnh: Lê Thanh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]