“Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững” và câu chuyện gỡ khó: Tiền có khó tiêu
Dự án 4 được xem là một trong những dự án có nhiều vướng mắc, bất cập, đặc biệt đối với Tiểu dự án 1 của dự án này, nhiều địa phương đã không thể thực hiện, theo đó vốn phân bổ có mà khó giải ngân, thậm chí nhiều địa phương đề nghị nộp trả về ngân sách tỉnh.
Trung tâm GDNN - GDTX huyện Vĩnh Lộc tuyên dương, khen thưởng học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2023-2024. Ảnh cơ sở cung cấp
Không phải là cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên không thực hiện hỗ trợ
Cũng như các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) khác trên địa bàn tỉnh, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Vĩnh Lộc cũng được giao, triển khai thực hiện Tiểu dự án 1 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn” trong Dự án 4.
Thực hiện Tiểu dự án 1 của Dự án 4, trong năm 2022 và 2023, theo kế hoạch, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Vĩnh Lộc sẽ được phân bổ hơn 1,4 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của tỉnh và huyện Vĩnh Lộc. Theo đó, kinh phí sẽ được hỗ trợ cho 5 nội dung của Tiểu dự án 1, trong đó trọng tâm là nội dung 1 (hỗ trợ về cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp) và nội dung 5 (đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp).
Tuy nhiên, sau khi Trung tâm GDNN-GDTX huyện Vĩnh Lộc xây dựng, lập kế hoạch, lập dự toán thực hiện nội dung 1 gồm mua sắm trang thiết bị đào tạo và sửa chữa bảo dưỡng tài sản, trình Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được việc giải ngân theo kế hoạch.
Tương tự, tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hậu Lộc, tổng kinh phí được hỗ trợ năm 2022 - 2023 từ ngân sách Trung ương cho tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo là 2 tỷ 465 triệu đồng. Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hậu Lộc đã làm kế hoạch mua sắm trang thiết bị nhưng hiện nay vẫn chưa thể thực hiện dự án.
Không chỉ Trung tâm GDNN-GDTX Hậu Lộc hay Vĩnh Lộc mà tất cả các trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn tỉnh đều gặp khó khi thực hiện các nội dung của Tiểu dự án 1 trong Dự án 4. Nguyên nhân sâu xa là do còn vướng mắc cơ sở pháp lý về đối tượng thụ hưởng.
Trước những phản ánh, kiến nghị của các địa phương về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các nội dung về GDNN thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, ngày 31/7/2023, Tổng cục GDNN đã có Công văn số 1516/TCGDNN-KHTC. Trong đó, nêu rõ: “Trung tâm GDNN-GDTX các huyện không phải là cơ sở GDNN và không được hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng tài sản, một số hạng mục công trình, mua sắm máy móc, trang thiết bị, phương tiện đào tạo từ nguồn vốn thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025”.
Như vậy, trung tâm GDNN-GDTX không phải là cơ sở GDNN nên không được hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nội dung 1, 2, 3 và 4 của Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 4. Và để thực hiện được những nội dung này thì chỉ có trung tâm GDNN; trường trung cấp và trường cao đẳng (thuộc cơ sở GDNN theo quy định tại Khoản 1, Điều 5 Luật GDNN).
Ông Lê Văn Miến, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Vĩnh Lộc ngậm ngùi, cho biết: “Thực tế là vậy, tiền có nhưng khó sử dụng. Trung tâm đã đề nghị nộp trả về ngân sách tỉnh”.
Tuyển sinh nhưng khan hiếm người đăng ký
Như đã đề cập ở trên, 4/5 nội dung của Tiểu dự án 1 trong Dự án 4 không được hỗ trợ kinh phí do trung tâm GDNN-GDTX không thuộc hệ thống cơ sở GDNN. Tuy nhiên, nội dung 5 còn lại, về đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp, phần lớn các trung tâm GDNN-GDTX ở đồng bằng thực hiện khó khả thi.
Tại huyện Hậu Lộc, đến nay, trung tâm GDNN-GDTX mới tuyển sinh được 1 lớp dạy nghề với 30 học viên, trong đó có 27 đối tượng thuộc hộ nghèo và 3 đối tượng mới thoát nghèo. Trong khi đó, tại huyện Vĩnh Lộc, trung tâm GDNN-GDTX đã phối hợp với UBND 13 xã, thị trấn để khảo sát nhu cầu học nghề của lao động thuộc hộ đối tượng được thụ hưởng chính sách Tiểu dự án 1. Nhưng, toàn huyện chỉ có 1 đối tượng thuộc hộ nghèo đăng ký tham gia học nghề. Vì vậy, việc mở lớp dạy nghề cho lao động nông thôn tại địa phương này chưa thực hiện được. Tương tự, tại các huyện Nông Cống, Nga Sơn,... việc tuyển sinh cũng không khả quan vì không có người đăng ký học nghề.
Lý giải về vấn đề này, nhiều địa phương (chủ yếu các huyện đồng bằng) cho rằng, ở giai đoạn hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đã giảm mạnh do phần lớn các xã đã về đích NTM, chỉ còn đối tượng bảo trợ xã hội, hộ không có người lao động. Đối với đối tượng hộ mới thoát nghèo, một số đã tham gia học nghề trước đó, một số là lao động chính của gia đình, đang có việc làm nên không mặn mà để tham gia học nghề. Theo ông Nguyễn Ngọc Lợi, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Nông Cống, thì: “Huyện đang XDNTM nâng cao, các xã cũng đang xây dựng xã NTM kiểu mẫu và nâng cao thì đối tượng hộ nghèo, cận nghèo rất thấp. Hoặc nếu có thì đối tượng không thuộc độ tuổi học nghề. Vì vậy, Nông Cống không mở được lớp nghề nào cho các đối tượng này”.
Bên cạnh các đối tượng thụ hưởng chính sách là hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thì ở nội dung 5 của Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 4 còn đề cập đến người lao động có thu nhập thấp. Nhưng thế nào là thu nhập thấp cũng không có một khái niệm rõ ràng, cụ thể. Do vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề nghị các địa phương trong khi chưa có quy định xác định đối tượng này, tập trung tổ chức đào tạo cho các đối tượng khác của chương trình.
Tuy nhiên, nhìn từ thực tế, đặc biệt đối với các huyện đồng bằng, các đối tượng khác của chương trình là hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo thì việc đào tạo nghề cũng đang rất khó thực hiện. Vậy nên, tiền thì có mà cũng thật khó giải ngân.
Việt Hoàng
{name} - {time}
-
2024-11-24 16:45:00
Phụ nữ Thái giữ gìn bản sắc dân tộc
-
2024-11-24 15:59:00
Giải bài toán giảm nghèo ở Mường Lý
-
2024-02-02 15:38:00
Về “Đội thanh niên xung kích bảo vệ cột mốc, đường biên”
Hiệu quả mô hình thôn, xóm: Sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn
Nghề nghiệp, việc làm bền vững cho người lao động
Nâng cấp Chi bộ Trường THPT Như Xuân thành Đảng bộ cơ sở trực thuộc Huyện ủy Như Xuân
Lời ca trên non
Hội LHPN huyện Triệu Sơn với chương trình “Xuân yêu thương –Tết sẻ chia”
Cẩn trọng đổi tiền mới kẻo “tiền mất tật mang”
Nâng cao hiệu quả công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi
Tiêu chí thông minh trong xây dựng NTM kiểu mẫu Quảng Trung
Quảng bá và xây dựng thương hiệu cây đào cảnh Triệu Sơn