(vhds.baothanhhoa.vn) - Giữa cuộc sống hối hả với sức hút của nhiều luồng văn hóa mới, nhưng nhiều nghệ nhân đồng bào dân tộc thiểu số ở miền Tây xứ Thanh không quản khó khăn, gian khổ, khôi phục, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Những người nặng lòng giữ “hồn cốt” của bản, làng

Giữa cuộc sống hối hả với sức hút của nhiều luồng văn hóa mới, nhưng nhiều nghệ nhân đồng bào dân tộc thiểu số ở miền Tây xứ Thanh không quản khó khăn, gian khổ, khôi phục, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Những người nặng lòng giữ “hồn cốt” của bản, làngÔng Phùng Thanh Khang, thôn Phú Sơn, xã Cẩm Châu (Cẩm Thủy) luôn nỗ lực truyền dạy chữ Nôm Dao cho thế hệ trẻ.

Ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng nghệ nhân Hà Nam Ninh (73 tuổi), phố 2, thị trấn Cành Nàng (Bá Thước) vẫn nặng lòng với giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Hơn 50 năm theo đuổi chữ Thái cũng là từng ấy năm ông tranh thủ thời gian học, đọc, viết, dịch chữ Thái cổ với mong muốn giữ lại “hồn cốt” của dân tộc. Sinh ra và lớn lên tại thôn Hiềng, xã Kỳ Tân, khi 15 tuổi ông đã được bố mẹ dạy chữ Thái. Vừa học chữ, vừa được nghe cha kể chuyện sinh đất, lập mường, đọc những câu ca dao, thành ngữ của người Thái mang đậm tính giáo dục đạo lý làm người, khiến ông ngày càng say mê tìm hiểu, nghiên cứu. Năm 1966, ông đã trúng tuyển vào Trường Trung học Sư phạm miền núi Thanh Hóa. Sau khi tốt nghiệp, ông được phân công giảng dạy tại Trường phổ thông cơ sở xã Cổ Lũng (nay là Trường THCS Cổ Lũng). Trải qua nhiều vị trí công tác, năm 2004 ông được nghỉ hưu. Hiện ông là Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học huyện Bá Thước.

Dù ở vị trí công tác nào, hay cả khi đã về hưu thì niềm đam mê văn hóa truyền thống của dân tộc Thái nói chung và chữ viết Thái nói riêng luôn cháy bỏng trong ông. Và dù ở vị trí công tác nào ông đều dành thời gian, tâm huyết tìm hiểu và nghiên cứu văn hóa truyền thống của người Thái. Bởi vậy, sau hơn 50 năm, ông đã sở hữu nhiều tư liệu văn hóa truyền thống người Thái có giá trị. Vì tâm huyết mà ông Hà Nam Ninh đã tham gia giảng dạy nhiều lớp chữ Thái. Năm 2006, ông mở lớp dạy chữ Thái đầu tiên tại thị trấn Cành Nàng, sau đó là các lớp học ở các xã: Lũng Niêm, Ban Công, Kỳ Tân. Những lớp học này, đã đặt “nền móng” thúc đẩy phong trào học chữ Thái ở huyện Bá Thước phát triển. Sau này ông còn nhiệt tình tham gia giảng dạy tiếng Thái trong chương trình phối hợp giữa huyện Bá Thước và Trường Đại học Hồng Đức. Để dạy mọi người biết đọc, biết viết và hiểu ý nghĩa của từng từ, từng câu, ông đã phải dành nhiều thời gian, công sức, tiền của để đi thực tế các huyện trong tỉnh có người Thái sinh sống để tìm hiểu, nghiên cứu, soạn ra giáo án với những bài giảng mang nội dung gần gũi, thiết thực, gắn với đời sống sinh hoạt hàng ngày, giúp học viên dễ dàng tiếp nhận. Đặc biệt, ông đã biên soạn một số tài liệu về chữ Thái như: Bộ chữ Thái cổ Thanh Hóa; Bộ dạy chữ Thái Việt Nam tại Thanh Hóa, Tài liệu dạy tiếng dân tộc Thái...

Ông Hà Nam Ninh chia sẻ: “Niềm vui lớn nhất của tôi chính là chữ Thái đã có vị trí ngày càng quan trọng trong đời sống người dân; cấp ủy, chính quyền và bà con đã thực sự chung sức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của người Thái. Còn sức khỏe, tôi còn tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và trao truyền văn hóa Thái, góp sức nhỏ bé của mình vào việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Ông Trương Văn Minh, Trưởng phòng Văn hóa -Thông tin huyện Bá Thước, cho biết: "Ông Hà Nam Ninh là người con ưu tú của đồng bào dân tộc Thái. Ông đã dành cả cuộc đời của mình cho việc khôi phục, bảo tồn, phát triển chữ Thái nói riêng và giá trị văn hóa dân tộc Thái nói chung. Với những thành tích trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, năm 2015, ông Hà Nam Ninh vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú - loại hình tiếng nói, chữ viết tỉnh Thanh Hóa.

Cũng như ông Hà Nam Ninh, với niềm say mê và ý thức gìn giữ vốn văn hóa của đồng bào dân tộc Dao, hơn 40 năm qua ông Phùng Thanh Khang (64 tuổi), thôn Phú Sơn, xã Cẩm Châu (Cẩm Thủy) hằng ngày vẫn bỏ công sức, thời gian để khôi phục, gìn giữ và phát triển chữ Nôm Dao. Ông đã đi đến các thôn, bản có người Dao sinh sống để sưu tầm các câu chuyện, bài thơ, câu nói, phong tục để dịch ra tiếng phổ thông. Bên cạnh đó, ông Khang còn mở lớp dạy chữ Nôm Dao cho đồng bào dân tộc Dao trong và ngoài huyện Cẩm Thủy. Các lớp học của ông đều thu hút rất đông người dân tộc Dao ở trong và ngoài huyện tham gia.

Tháng 3-2015, UBND tỉnh chính thức phê chuẩn bộ chữ Nôm Dao. Bộ chữ đã được đưa vào giảng dạy trong cộng đồng người Dao tại các huyện: Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Mường Lát... từ năm 2016 đến nay. Đây chính là động lực giúp ông Khang tiếp tục vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Chủ tịch UBND xã Cẩm Châu, ông Phạm Hải Lăng cho biết: “Ông Phùng Thanh Khang là trưởng thôn, người có uy tín của thôn Phú Sơn. Ông không chỉ hăng hái tham gia các công việc chung của thôn, mà còn tích cực trong việc gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao. Việc làm của ông được mọi người dân trong xã cảm phục, tin yêu”.

“Trong thời gian qua, các huyện miền núi trong tỉnh luôn chú trọng tới việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, góp phần tô điểm cho bức tranh văn hóa của miền Tây xứ Thanh thêm gam màu tươi sáng. Những giá trị văn hóa ấy được bảo tồn và phát huy, có công lao rất lớn của những nghệ nhân nặng lòng với văn hóa truyền thống như các ông Hà Nam Ninh, Phùng Thanh Khang. Đây thực sự là những tấm gương tiêu biểu để “hồn cốt” văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số mãi được trường tồn với thời gian”, ông Nguyễn Văn Lộc, Phó Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh cho biết.

Bài và ảnh: Xuân Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]