(vhds.baothanhhoa.vn) - Rác không thể tự mất đi, cũng càng không thể biến mất trong một sớm, một chiều, nhưng chắc chắn nó sẽ giảm dần nếu chúng ta cùng chung tay dọn dẹp. “Rác” mạng cũng vậy!. Nếu mỗi người dùng mạng xã hội (MXH) đều tự nâng cao ý thức, trách nhiệm trong truy cập, sử dụng cùng một chế tài đủ mạnh thì tin rằng những bãi “rác” trong không gian mạng cũng sẽ theo đó giảm dần...

“Rác” trên không gian mạng đã đến lúc cần được kiểm soát (Bài 2): Nâng cao ý thức mỗi người và có chế tài đủ mạnh

Rác không thể tự mất đi, cũng càng không thể biến mất trong một sớm, một chiều, nhưng chắc chắn nó sẽ giảm dần nếu chúng ta cùng chung tay dọn dẹp. “Rác” mạng cũng vậy!. Nếu mỗi người dùng mạng xã hội (MXH) đều tự nâng cao ý thức, trách nhiệm trong truy cập, sử dụng cùng một chế tài đủ mạnh thì tin rằng những bãi “rác” trong không gian mạng cũng sẽ theo đó giảm dần...

“Rác” trên không gian mạng đã đến lúc cần được kiểm soát (Bài 2): Nâng cao ý thức mỗi người và có chế tài đủ mạnh

Với những phát ngôn mang đậm tính nhân văn và hướng về cộng đồng, trang facebook Yanfods đã dành được nhiều lượt theo dõi, chia sẻ của cộng đồng mạng. Ảnh: facebook.com

Tự do trong khuôn khổ

Không gian mạng đang được ví như một đời sống thứ hai, thế nhưng đủ thứ “rác” đã và đang được ném lên không gian mạng. Từ các đối tượng giang hồ đột nhiên lột xác thành những ngôi sao mạng qua những video ca nhạc cổ súy thói ăn chơi, đánh đấm, cho đến những video clip dạy trẻ các trò quái đản, thử thách nguy hiểm như “trò chơi treo cổ” trên youtube khiến bé 5 tuổi tử vong; “học nướng cóc ăn” trên youtube khiến 4 em nhỏ bị ngộ độc... Hay trào lưu chửi tục, thóa mạ nhau trên không gian mạng trong đó có sự tham gia của những người có chút nổi tiếng, ảnh hưởng xã hội cũng xuất hiện trên các dòng trạng thái thô tục với lý do vạch trần người nọ, người kia để công kích, chửi bới... Là một người thường xuyên truy cập MXH facebook, chị Lê Quỳnh Anh, thị trấn Triệu Sơn, huyện Triệu Sơn, chia sẻ: “Họ xả rác và họ nghĩ MXH cũng đang là cái thùng rác thì phải. Họ chửi trên mạng mà như đang chửi ở trên đường. Họ nghĩ làm vậy chắc họ sẽ được nổi tiếng nhưng có biết rằng họ đang bị chính cộng đồng mạng lên án”.

MXH kể từ khi ra đời đã mang lại những tiện ích, là kênh kết nối mạnh mẽ, rút ngắn khoảng cách thời gian, không gian, địa lý. Tuy vậy, cùng với những tiện ích MXH mang lại, cũng phải khẳng định MXH cũng đang vô tình tiếp tay cho những hành động xả “rác” bừa bãi. Bởi, không phải hầu hết những người tham gia MXH đều có được hành vi chuẩn mực, nhận thức đúng đắn. Sự vô tình, thậm chí cố ý của một bộ phận người dùng MXH cũng chính vô tình tiếp tay cho các hoạt động phát tán vi-rút xấu, độc, phổ biến phải kể đến là tin giả (fake news). Về vấn đề này, trên một số phương tiện thông tin đại chúng, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lưu Đình Phúc, cũng đã ví von “tin giả giống như là rác vậy. Rác cứ quét lại có rác mới”. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phải xây dựng một trung tâm xử lý tin giả trên internet để xử lý những thông tin giả mạo. Về thủ đoạn, tin giả ngày một tinh vi hơn với việc xây dựng cả các fanpage giả mạo tổ chức, cơ quan nhà nước như fanpage Ban Tuyên giáo Trung ương, hay Bộ Công an; giả mạo các phát ngôn của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành, địa phương.

Trước những thách thức về vấn nạn “rác” không gian mạng, thực tế, thời gian qua các cơ quan chức năng đã vào cuộc, có nhiều nỗ lực để tăng cường quản lý không gian mạng. Trong đó, đáng chú ý là các luật, nghị định đã liên tục được sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tiễn. Cùng với đó, là các giải pháp về công nghệ, giáo dục nhưng dường như vẫn chưa bắt kịp tốc độ lây lan của vi-rút xấu, độc.

Muốn một môi trường xanh - cần những hành động xanh. Môi trường mạng cũng vậy, bởi đây là thế giới mở, nơi chúng ta chia sẻ, tìm kiếm thông tin mỗi ngày. Nhìn từ các nước trên thế giới, chúng ta có thể thấy, các nước cũng đang đối mặt và quyết liệt thực hiện các giải pháp để lọc và xử lý “rác” mạng. Ví như, quốc gia láng giềng - Trung Quốc được xem là rất mạnh tay trong việc xử lý “rác” mạng, thông tin xấu, độc. “Phong sát” là thuật ngữ được nhắc nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng, làng giải trí Trung Quốc thời gian gần đây gắn với việc trừng phạt trên mọi phương diện với những đối tượng, trong đó phải kể đến việc nghệ sĩ vi phạm pháp luật, có hành vi lệch chuẩn về đạo đức xã hội, văn hóa ứng xử trên không gian mạng theo quy định sẽ không được xuất hiện trước công chúng dưới bất kỳ hình thức nào. Đối diện với “phong sát” hàng loạt cái tên diễn viên, ca sĩ đình đám, nổi tiếng của Hoa ngữ cũng xác định việc phải đối mặt với công danh, sự nghiệp tiêu tan. Liên bang Nga, Liên minh Châu Âu cũng đã ban hành luật về tin giả và thông tin xúc phạm chính quyền trên internet nhằm điều chỉnh hành vi trên không gian mạng; ban hành bộ quy tắc về xử lý, gỡ bỏ nội dung cấm, phạt nặng hành vi truyền bá nội dung gây thù hận, phân biệt chủng tộc, kích động khủng bố...

Theo thống kê, cả nước có khoảng hơn 65 triệu người sử dụng MXH đã cho thấy phương tiện truyền thông mới này trở thành một kênh thông tin quan trọng của người dân. Vì vậy, quá trình sử dụng, việc tiếp xúc với những clip độc, hại, phản cảm, tin giả, tin sai sự thật... là không ít.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, 9 tháng năm 2021, lực lượng Công an tỉnh đã tổ chức xác minh, đấu tranh 151 trường hợp đăng tải bài viết có nội dung xấu, độc trên internet; gọi, hỏi, răn đe 135 trường hợp, vô hiệu hóa nhiều hội, nhóm phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý, đã khởi tố bị can, bắt tạm giam một số đối về tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”...

Nhằm tiếp tục nỗ lực xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh và chấn chỉnh những hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức, ứng xử trên MXH, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17-6-2021 về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH. Bộ quy tắc ứng xử gồm 3 chương, 9 điều trong đó, quy định quy tắc ứng xử chung và quy tắc ứng xử riêng cho các đối tượng như: quy tắc ứng xử cho tổ chức, cá nhân; quy tắc ứng xử cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước... Về vấn đề này, ông Lê Văn Nam, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa, cho rằng: “Để bộ quy tắc ứng xử đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, các cơ quan Nhà nước, đơn vị, doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ MXH cần đẩy mạnh tuyên truyền, gắn với quy chế hoạt động của từng cơ quan, đơn vị để các nội dung được điều chỉnh để mỗi cán bộ, công chức, viên chức hiểu và thực hiện các quy định của quy chế. Các nhà cung cấp dịch vụ MXH tăng cường trách nhiệm cộng đồng, trách nhiệm xã hội; có các biện pháp phát hiện, thông báo và phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý, ngăn chặn và loại bỏ các nội dung thông tin vi phạm bản quyền, vi phạm pháp luật để xử lý theo các quy định của pháp luật Việt Nam”.

Trước đó, để xây dựng những hàng rào bảo vệ trên không gian mạng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0, Việt Nam đã xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng. Theo Luật gia Hà Sĩ Thắng, Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa: Luật an ninh mạng đã hình thành cơ chế phối hợp, hiệp đồng tác chiến thông suốt giữa các lực lượng chức năng trong phát hiện, xử lý, khắc phục, ứng phó kịp thời với các tình huống an ninh mạng.

Được biết, hiện Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã và đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để mạnh tay xử lý “rác” mạng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang vào cuộc chấn chỉnh hành vi lệch chuẩn trong giới nghệ sĩ, những người có ảnh hưởng xã hội.

Ý thức và trách nhiệm cần song hành

MXH, xét cho cùng cũng chỉ là một nền tảng công nghệ ra đời từ phát minh, trí tuệ của con người nhằm mục đích phục vụ chính con người. Vì vậy, chúng ta không thể đổ lỗi, càng không nên kết tội cho mạng công nghệ trước những ảnh hưởng tiêu cực mà nó mang lại. Có chăng hãy trách chính mỗi người khi dùng MXH, nhất là một thiểu số người dùng vì thiếu hiểu biết, vì non kém, vì a dua, chạy theo hiệu ứng... mà tạo ra những sản phẩm thiếu văn hóa, lệch lạc, dung tục, kích động những hành vi xấu.

Thực tế, không ai ngăn cản hay cấm đoán sở thích, thị hiếu của người dùng MXH. Tuy vậy, trong quá trình sử dụng, đối với mỗi người dùng MXH cũng không nên thờ ơ, bàng quan khi thấy những núi “rác” văn hóa mạng đang từng giờ, từng ngày gây ô nhiễm không gian mạng. Bởi, việc mỗi người dùng đều đứng ngoài cuộc chiến chống “rác” văn hóa mạng thì dù các cơ quan chức năng có mạnh tay, quyết liệt đến chừng nào cũng khó đạt kết quả tốt. Trong cuộc đấu tranh chống “rác” mạng, mỗi người dân cũng được ví như đang giữ một “chìa khóa”. Do vậy, chung tay làm sạch “rác” mạng rất cần thêm ý thức và trách nhiệm song hành của chính mỗi người.

Với tâm niệm, rác không thể biến mất ngày một, ngày hai, nhưng chắc chắn nó sẽ giảm đáng kể nếu chúng ta chung tay dọn dẹp và vun xới cho những điều tốt đẹp mỗi ngày, anh Ngô Văn Sơn, thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát, cho biết: “Với những thông tin, hình ảnh rác trên mạng, tôi thường chủ động xóa các đường dẫn, thay vào đó luôn chia sẻ các thông tin tích cực, lấy cái đẹp, dẹp cái xấu, để lan tỏa tính nhân văn, hướng thiện trong cộng đồng”.

Là người thường xuyên sử dụng MXH, chị Lê Minh Trang, TP Thanh Hóa, chia sẻ: “Không ít lần đã bắt gặp những đoạn video, bài viết, những thông tin thiếu xác thực, những nội dung xấu, phản cảm cùng với lượt thích, chia sẻ chóng mặt đưa người đọc vào ma trận thông tin. Đối với những dạng thông tin như thế này, cá nhân tôi luôn bình luận thể hiện quan điểm, lập trường, nhất là phải định hướng dư luận hướng đến những thông tin chính xác, đúng sự thật để người thân, cộng đồng mạng biết, tránh để xảy ra tình trạng a dua, cổ súy, hiệu ứng đám đông”.

Trên một trang mạng facebook đăng tải hình ảnh, thông tin về ca sĩ nổi tiếng Hà Anh Tuấn giành được rất nhiều theo dõi và lượt thích, chia sẻ của cộng đồng mạng bởi những phát ngôn được xem là thể hiện EQ cao của nam ca sĩ, cá nhân tôi rất đồng ý với câu nói của anh: ”Phải tử tế... bởi về lâu dài chỉ có những thứ tử tế mới tồn tại được. Tôi được dạy như vậy, từ gia đình, nhà trường đến bạn bè nên đó luôn là tiêu chí sống hàng đầu của tôi”. Đúng vậy, chỉ khi MXH tràn ngập những điều tử tế của những người tử tế thì những điều xấu, hành động tiêu cực mới trở nên lạc lõng và sớm bị triệt tiêu.

Lưu Kiệt


Lưu Kiệt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]