(vhds.baothanhhoa.vn) - Quê tôi không xa thành phố Thanh Hóa, nhưng nhiều họ trong làng, trong xã vẫn giữ được những nét sinh hoạt theo kiểu văn hóa làng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tết về làng vui chuyện họ

Quê tôi không xa thành phố Thanh Hóa, nhưng nhiều họ trong làng, trong xã vẫn giữ được những nét sinh hoạt theo kiểu văn hóa làng.

Tết về làng vui chuyện họ

Quê nhà là nơi ai cũng muốn trở về, nhất là dịp cuối năm (Ảnh minh họa. Nguồn: VOV)

Khi mà vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng trở nên báo động, thì thực phẩm sạch cho ngày tết càng được nhiều người quan tâm, chú ý và chuẩn bị theo những cách riêng. Và theo cái cách chuẩn bị thực phẩm tết ở làng, dường như không chỉ giúp các gia đình chủ động được nguồn thực phẩm cho ngày tết, mà còn gắn kết con người với nhau hơn.

Cách đây hơn tháng, một bác trong họ ở quê gọi điện báo tin là đã chuẩn bị được mấy con lợn cám. Lợn bác nuôi bằng rau khoai, rau chuối, cám gạo, hệt như thời bao cấp vậy. Cứ như cách giải thích của bác thì kỳ công như thế mới xứng là lợn tết.

Lợn được bác nuôi từ tiền chạp họ năm trước còn thừa, trưởng họ bí mật giao cho bác quản lý và làm gì đó để cuối năm cả họ được vui. Và theo như bác thông báo, thì những con lợn cám ấy sẽ mổ trước tết một hai ngày để có thịt tươi ngon cho các gia đình giã giò cúng tổ tiên. Nhất là sẽ có lòng ngon để người trong họ ngồi với nhau ôn chuyện cũ trong ngày cuối năm.

Quê tôi không xa thành phố Thanh Hóa, nhưng nhiều họ trong làng, trong xã vẫn giữ được những nét sinh hoạt theo kiểu văn hóa làng như thế. Họ nào cũng thường chuẩn bị nông sản, thực phẩm để cuối năm tế tổ, khao họ. Trong đó xu hướng chuẩn bị thực phẩm sạch cho tết bằng việc nuôi những con lợn cám không chỉ là một cách tỏ bày thành kính với tiên tổ, mà cũng chính là một cách phòng vệ cho sức khỏe, để miếng ăn ngày tết ngon hơn, an toàn hơn.

Tôi tin là không chỉ tôi hào hứng, mà rất nhiều người trong họ tôi cũng hào hứng với điều đó. Bởi cả năm làm lụng vất vả, nhiều người đi xa, có mấy khi ngồi được với nhau đâu. Nhất là cả năm qua dịch bệnh COVID-19 triền miên, cả họ không lúc nào được đầy đủ anh em các chi dù đó có là ngày giỗ họ đi nữa.

Từ đầu tháng chạp mấy đứa cháu ở xa đã lên lịch tết này về quê. Sau khi cách ly y tế xong, chúng sẽ cùng tham gia với các bác, các chú làm thịt lợn, gói giò, chia phần thịt. Nhất là được ngồi để ăn uống với nhau bữa cơm đoàn viên, nói với nhau những câu chuyện tình thân, bàn chuyện họ, chuyện khuyến học, chuyện tu sửa từ đường… Năm nào cũng thế, cứ bữa cơm cuối năm họ tôi lại rôm rả chuyện xây dựng nguồn quỹ để khuyến khích con cháu học hành. Đó là nét văn hóa, một tục lệ đẹp của họ.

Đúng là một cái tết đoàn viên, và còn gì hơn. Tết về quê được đến từ đường tháp nén hương lên bàn thờ tổ, được gặp mặt người thân, còn có thịt lợn sạch người thân nuôi để đem về thành phố. Nhưng có lẽ vui hơn cả là được quây quần đoàn viên trong mâm cỗ tết, mà ở đó có những khuôn mặt, vì cuộc sống mà tết mới được chạm lời, chạm mặt.

Đó chính là nét đẹp của tết, của mùa xuân văn hóa hướng về nguồn cội.

Lam Vũ


Lam Vũ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]