(vhds.baothanhhoa.vn) - Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Đồng Tâm nằm tĩnh lặng giữa núi rừng trùng điệp. Nơi đây là nơi yên nghỉ của hơn 2.000 liệt sĩ, trong đó có 16 liệt sĩ nước bạn Lào.

Tháng Bảy - Trên Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Đồng Tâm

Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Đồng Tâm nằm tĩnh lặng giữa núi rừng trùng điệp. Nơi đây là nơi yên nghỉ của hơn 2.000 liệt sĩ, trong đó có 16 liệt sĩ nước bạn Lào.

Tháng Bảy - Trên Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Đồng TâmĐoàn viên, thanh niên xã Thiết Ống và chiến sĩ Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động (Bộ đội Biên phòng tỉnh) góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Đồng Tâm.

Tri ân các Anh hùng liệt sĩ

Hằng năm, vào các ngày lễ, tết, nhất là dịp 27-7, các cấp ủy, chính quyền địa phương và các tầng lớp Nhân dân, thân nhân các liệt sĩ về lại Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Đồng Tâm thắp nén hương thơm, tri ân sâu sắc trước sự hy sinh lớn lao của các Anh hùng liệt sĩ.

Năm nay, nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2023), đoàn đại biểu của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa do đồng chí Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu, đã đến dâng hoa, dâng hương viếng các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Đồng Tâm. Giữa khung cảnh bình yên, nén hương trầm phảng phất thoảng đưa trong gió; những lọ hoa tươi thắm được đặt trên phần mộ các Anh hùng liệt sĩ, càng thêm xúc động, thiêng liêng.

Ông Bùi Trung Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Thiết Ống (Bá Thước), cho biết: “Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đối với gia đình chính sách, người có công, thương binh, bệnh binh trên địa bàn xã. Đồng thời phối hợp thực hiện nhiều hoạt động như tham gia lễ truy điệu, an táng hài cốt liệt sĩ, quân tình nguyện, chuyên gia hy sinh tại Lào về yên nghỉ tại nghĩa trang. Hằng năm, giao cho các đoàn thanh niên chăm sóc phần mộ liệt sĩ, dọn vệ sinh, thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ vào dịp 27-7, các ngày lễ, tết tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Đồng Tâm. Vào tối 26-7-2023, đã diễn ra chương trình thắp nến tri ân của đoàn viên, thanh niên thuộc các đơn vị Tỉnh đoàn Thanh Hóa, Huyện đoàn Bá Thước, xã Thiết Ống và đoàn viên, thanh niên, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Huấn luyện – Cơ động (Bộ đội Biên phòng tỉnh) cùng các tầng lớp Nhân dân xã Thiết Ống.

Thiếu tá Lê Đình Hạnh, Bí thư Đoàn cơ sở, Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động (Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa), cho biết: Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động có nhiệm vụ chính là huấn luyện chiến sĩ mới và sẵn sàng cơ động lực lượng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Là những người lính, được sống trong thời bình, đơn vị chú trọng đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là chiến sĩ mới thể hiện trách nhiệm, lòng biết ơn của thế hệ trẻ thông qua hoạt động “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, từ đó tiếp tục rèn luyện, cống hiến, gìn giữ, bảo vệ Tổ quốc bình yên, vững mạnh. Cụ thể, hằng năm, vào dịp lễ, tết, ngày 27-7, đơn vị thực hiện các hoạt động trao quà, tri ân các gia đình chính sách, người có công, thương binh, bệnh binh trên địa bàn xã Thiết Ống; dâng hương, thắp nến tri ân tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Đồng Tâm. Tham gia chăm sóc, vệ sinh khuôn viên nghĩa trang và phối hợp với các ngành chức năng thực hiện lễ an táng, truy điệu hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào về yên nghỉ tại nghĩa trang. Khi các đoàn công tác trong và ngoài tỉnh về dâng hương, dâng hoa tại nghĩa trang, đơn vị đã cử đội tiêu binh thực hiện các nghi thức trang trọng trong buổi lễ và luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Người quản trang thầm lặng

Đến thăm Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Đồng Tâm, ai cũng cảm nhận được sự linh thiêng xen lẫn niềm xúc động tự hào. Góp phần làm nên sự tôn nghiêm ấy có sự đóng góp của những người quản trang. Hiện nay, ở nghĩa trang có 3 người ngày ngày chăm sóc, trông coi. Đó là ông Phạm Văn Nguyễn (tổ trưởng) và các bà Hà Thị Thủy, Trịnh Thị Nhi, đều quê ở xã Thiết Ống.

Tháng Bảy - Trên Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Đồng TâmÔng Phạm Văn Nguyễn chăm sóc phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Đồng Tâm.

Vào dịp tháng bảy, tổ quản lý nghĩa trang cũng bận rộn hơn ngày thường bởi nhiều đoàn công tác đến dâng hương, dâng hoa; thân nhân các gia đình liệt sĩ đến thăm, viếng phần mộ liệt sĩ. Ông Nguyễn, bà Thủy, bà Nhi thường xuyên quét dọn, vệ sinh, cắt tỉa cây, hoa trong khuôn viên; hướng dẫn các đoàn công tác, thân nhân liệt sĩ dâng hương, dâng hoa tại nghĩa trang. Dẫn chúng tôi đến thắp hương tại phần mộ liệt sĩ, ông Phạm Văn Nguyễn cẩn thận chỉnh sửa ngay ngắn lại lọ hoa trên phần mộ và nhặt từng chiếc lá, nhổ bụi cỏ mọc xung quanh mộ. Với ông Nguyễn, hàng ngày chăm sóc phần mộ, trông coi, đảm bảo an ninh tại nghĩa trang là công việc thầm lặng nhưng rất đổi tự hào.

Ông Phạm Văn Nguyễn là người con dân tộc Mường, thôn Chiềng, xã Thiết Ống. Ông có 28 năm gắn bó với công việc quản trang. Ông kể với chúng tôi nhiều kỷ niệm, trong đó có cuộc gặp gỡ khoảng năm 2010. "Khi ấy đã rất khuya, có thân nhân đến tìm mộ liệt sĩ nên tôi mời mọi người vào nhà khách nghỉ ngơi, uống nước. Qua giới thiệu được biết, những người này đến từ tỉnh Thái Bình, đã đi tìm mộ liệt sĩ theo giấy báo tử hàng chục năm nay, họ đã sang tận Lào, về Na Mèo (Quan Sơn) tìm kiếm nhưng không có thông tin. Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Đồng Tâm là hy vọng cuối cùng trong quá trình tìm kiếm. Nghe thông tin, quê quán, tôi đã trả lời ngay là có phần mộ của liệt sĩ ở đây và còn nắm rõ được vị trí phần mộ và dẫn người nhà đến phần mộ. Họ vui mừng khôn xiết khi tìm được mộ người thân, chứng kiến những cuộc gặp gỡ như vậy khiến tôi cũng vô cùng xúc động. Đó cũng là niềm vui lớn của người làm quản trang. Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa phối hợp với tỉnh Hủa Phăn (Lào) tổ chức tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ, chuyên gia hy sinh tại Lào trở về đất mẹ và yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Đồng Tâm. Vào dịp tổ chức lễ an táng, truy điệu các liệt sĩ trở về, tôi cùng tổ quản lý nghĩa trang chuẩn bị chu đáo mọi việc ở nghĩa trang để công tác tổ chức buổi lễ được diễn ra trang trọng.

Vừa nói, ông Nguyễn vừa cẩn thận mở tủ trưng bày di vật của các liệt sĩ hy sinh tại chiến trường Lào, giới thiệu với chúng tôi. Đó là đôi dép, bát sắt, cây súng hoen gỉ, đũa, nồi, áo mưa… Ông Nguyễn tâm sự: “Quản trang không phải công việc quá nặng nhọc nhưng thường thì ít ai dám đảm nhận. Việc quản trang chỉ có thể làm tốt khi mình có tấm lòng và nhiệt huyết”.

Ông Lê Phú Hiền, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện Bá Thước, cho biết: Thời gian qua, UBND huyện chỉ đạo phòng LĐTB&XH ký hợp đồng thỏa thuận công việc với 4 người quản lý (3 người quản lý Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Đồng Tâm, 1 người quản lý nhà bia ghi công các Anh hùng liệt sĩ thị trấn Cành Nàng), với mức tiền công tối thiểu tại thời điểm hợp đồng (năm 2019) là 1.400.000 đồng/tháng, riêng ông Phạm Văn Nguyễn là tổ trưởng, tiền công là 1.750.000 đồng/tháng (trích từ nguồn tiết kiệm chi của huyện). Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Đồng Tâm luôn được giữ gìn sạch đẹp, các phần mộ được thắp hương chu đáo là nhờ vào sự trông coi, chăm sóc nghĩa trang của ông Phạm Văn Nguyễn, bà Thủy, bà Nhi. Mặc dù mức hỗ trợ cho việc chăm sóc nghĩa trang thấp nhưng mọi người luôn nhiệt tình, trách nhiệm và tâm huyết với công việc. Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, UBND huyện Bá Thước đang đề nghị Sở LĐTB&XH tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định quy chế quản lý công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang do tỉnh quản lý trên địa bàn huyện Bá Thước.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]