(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Xã Quảng Long được biết đến là vùng đất có bề dày về lịch sử - văn hóa và truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, là một trong những địa phương thành lập chi bộ Đảng sớm nhất của huyện Quảng Xương. Trải qua các giai đoạn lịch sử, truyền thống đó đã được Đảng bộ và nhân dân trong xã phát huy, đưa địa phương từ một vùng quê nghèo khó vươn lên đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đổi thay trên quê hương cách mạng Quảng Long

(VH&ĐS) Xã Quảng Long được biết đến là vùng đất có bề dày về lịch sử - văn hóa và truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, là một trong những địa phương thành lập chi bộ Đảng sớm nhất của huyện Quảng Xương. Trải qua các giai đoạn lịch sử, truyền thống đó đã được Đảng bộ và nhân dân trong xã phát huy, đưa địa phương từ một vùng quê nghèo khó vươn lên đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.

Ôn lại lịch sử

Cách đây 70 năm trước, vào ngày 16/1/1947, Chi bộ Côn Minh - tiền thân của Đảng bộ xã Quảng Long được thành lập. Từ đây, chi bộ Đảng đã trực tiếp lãnh đạo nhân dân đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong 9 năm kháng chiến, xã Quảng Long có gần 100 thanh niên tham gia bộ đội chiến đấu ở các chiến trường; huy động hơn 1.000 lượt người tham gia thanh niên xung phong, dân công tiếp vận. Có gia đình cả 2 cha con, hoặc cả 3 anh em... cùng vào bộ đội, hầu hết đều trở thành cán bộ, đảng viên trong quân ngũ. Trong số đó có 7 người con ưu tú đã hi sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, hàng chục người là thương binh trở về từ cuộc chiến. Riêng các đồng chí hoạt động tại địa phương thì được cách mạng giáo dục, phần lớn đều trưởng thành, được huyện, được tỉnh rút lên làm cán bộ nòng cốt trên các mặt trận, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cách mạng chung của quê hương, đất nước.

Đến cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân Quảng Long vừa sản xuất, vừa chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, cùng với quân dân cả nước “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong cuộc đấu tranh này, cả xã có 481 đoàn viên, thanh niên gia nhập quân đội, trong đó 135 gia đình có từ 2 con trở lên, 2 gia đình có từ 4 - 5 con vào bộ đội. Đặc biệt, nhiều gia đình cả 3 đời đều vào bộ đội, 42 gia đình cả cha và con đều đi đánh giặc. Trải qua 20 năm chiến đấu gian khổ, ác liệt, 110 người con ưu tú của quê hương Quảng Long đã anh dũng hi sinh, 55 thương - bệnh binh, có người bị nhiễm chất độc da cam đến nay con cháu vẫn còn bị ảnh hưởng. Toàn xã đã cung cấp cho huyện, tỉnh, trung ương hàng trăm cán bộ là đảng viên có đủ đức, đủ tài và không ít người đã phát huy năng lực, trở thành người đứng đầu của các ban, ngành trong tỉnh.

Bí thư Đảng ủy xã Quảng Long Vũ Hoài An.

Tự hào hôm nay

Đi qua 2 cuộc chiến tranh khốc liệt, Đảng bộ xã Quảng Long lại tiếp tục lãnh đạo nhân dân bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Biết bao thách thức, gian nan nhưng phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, Đảng bộ và nhân dân nơi đây đã không ngừng ra sức thi đua giành được nhiều thành tựu quan trọng, từng bước làm đổi thay bộ mặt nông nghiệp, nông thôn của xã. Sự thay đổi đó ngày càng trở nên rõ nét, nhất là kể từ sau khi địa phương bước vào thưc hiện công cuộc đổi mới của Đảng (1986). Từ đây, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Đảng bộ xã Quảng Long đã đoàn kết, khắc phục khó khăn, lãnh đạo nhân dân thực hiện nhiều chương trình KT-XH cho hiệu quả. Nổi bật và gần đây nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.Mặc dù xuất phát điểm thấp (mới chỉ đạt 8/19 tiêu chí) thế nhưng, nhận thấy đây là một cuộc “cách mạng” có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo đà làm thay đổi diện mạo, đời sống của người dân nên ngay từ khi bắt tay vào thực hiện, Đảng bộ xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, giúp các đảng viên và quần chúng nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc xây dựng thành công NTM. BCĐ xây dựng NTM của xã do Bí thư Đảng ủy xã làm Trưởng ban đã giao cho các tổ công tác thường xuyên giao ban nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của nhân dân và những khó khăn cần tháo gỡ. Để nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người lao động, BCĐ giao cho Hội nông dân vận động các hội viên gương mẫu đi đầu trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình kinh tế, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất cho năng suất, chất lượng cao... Không muốn nhân dân phải chịu áp lực đóng góp quá lớn, xã đã vận động các doanh nghiệp, con em xa quê thành đạt tham gia ủng hộ, đồng thời ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ kích cầu nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình có trong hạng mục quy định.

Từ những cách làm đó đã giúp người dân dần hiểu rõ và thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Để rồi như được tiếp thêm luồng sinh khí mới, khắp nơi trên địa bàn xã người dân hăng hái thi đua sản xuất, đưa cơ giới hóa vào thu hoạch, trồng trọt; đồng thời tích cực chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi theo tư duy hàng hóa, vừa đảm bảo được khâu tiêu thụ, vừa hạn chế những rủi ro do thiên tai, dịch bệnh. Nhiều hộ dân cũng đã mạnh dạn đầu tư kinh doanh, mở rộng quy mô, đa dạng hóa các mặt hàng, dịch vụ. Nhờ đó mà đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 18,5% (năm 2010) xuống còn 4,83% (năm 2015); nâng thu nhập bình quân 13 triệu đồng lên gần 23 triệu đồng/người/năm. Cũng trong 5 năm đó, những câu chuyện về người dân tự nguyện đóng góp tiền mặt, ngày công cho đến góp đất, hiến đất cho các công trình công cộng dần trở nên phổ biến. Tổng cộng đã có gần 67ha đất được nhân dân góp tặng. Không ít gia đình và con em xa quê còn ủng hộ thêm với tổng số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Vì vậy mà trong số 142.203 triệu đồng huy động cho xây dựng NTM, nguồn vốn do nhân dân và con em xa quê đóng góp đạt tới 113.800 triệu đồng (chiếm tới 80%). Từ nguồn vốn đó, Quảng Long đã thay da đổi thịt với hàng trăm ngôi nhà và công trình vệ sinh được xây mới; hệ thống nhà văn hóa - khu thể thao thôn được sửa sang mở rộng; hàng chục km đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, hệ thống nắp cống rãnh thoát nước được bê tông hóa... Tất cả những điều đó đã dần làm thay đổi diện mạo của xã, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tạo thành sức mạnh tổng hợp đưa Quảng Long trở thành xã đạt chuẩn NTM trong năm 2016.

Nhà văn hóa đa năng - Nơi từ đây sẽ diễn ra các sự kiện chính trị, kinh tế - xã hội của xã.

Trong niềm vui kỷ niệm Đảng bộ xã Quảng Long tròn 70 năm tuổi (16/01/1947 - 16/01/2017) và đón nhận xã văn hóa, xã đạt chuẩn NTM, Bí thư Đảng bộ xã Vũ Hoài An phấn khởi cho biết: “Thành tựu của ngày hôm nay là kết quả phấn đấu không mệt mỏi của Đảng bộ và nhân dân trong xã trong suốt 70 năm qua. Mỗi một khóa, mỗi một nhiệm kỳ, các thế hệ cha anh cứ nỗ lực nối tiếp nhau đoàn kết, khắc phục khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đó cũng là lý do mà tính đến năm 2015, Đảng bộ đã có 19 năm liên tục được công nhận trong sạch vững mạnh, được Tỉnh ủy, Huyện ủy tặng thưởng nhiều Bằng khen, Giấy khen. Đặc biệt, năm 2005, xã Quảng Long đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Tri ân các thế hệ cha anh đi trước, Đảng bộ và nhân dân trong xã sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, phấn đấu xây dựng Quảng Long trở thành xã kiểu mẫu NTM trong những năm tới đây”.

Mai Vui



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]