Du lịch Như Xuân khai thác những trải nghiệm mới - lạ để hút khách
Với nhiều tiềm năng phát triển du lịch, song huyện Như Xuân mới tập trung phát triển sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng trong những năm gần đây. Nhằm từng bước khẳng định vị trí, tạo điểm nhấn thu hút du khách, nhiều hoạt động trải nghiệm mới - lạ gắn với lợi thế về địa hình, cảnh quan và văn hóa của đồng bào các dân tộc nơi đây sẽ được ưu tiên khai thác trong thời gian tới.
Hang Kẽm (xã Xuân Bình) có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển trở thành điểm du lịch hấp dẫn.
Như Xuân là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Thái, Thổ, Mường, được thiên nhiên ban tặng những cảnh quan hùng vĩ như thác Đồng Quan, thác Cổng Trời, thác Sao Va, hồ Đồng Cần, hồ Bến En... Đáng chú ý hơn cả là bản sắc văn hóa, tín ngưỡng, ẩm thực đa dạng, độc đáo của cộng đồng các dân tộc là điều kiện thuận lợi để huyện phát triển du lịch với nhiều trải nghiệm hấp dẫn.
Trong bức tranh chung của huyện, xã Hóa Quỳ nổi lên là đầu tàu và điểm sáng trong phát triển du lịch. Đây là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với nhiều núi cao và các khu rừng nguyên sinh, tạo nên cảnh sắc hùng vĩ, thơ mộng, trong đó nổi bật là danh lam thắng cảnh thác Đồng Quan. Thác nước được bắt nguồn từ nhiều khe suối ở đỉnh núi Bù Mùn chảy xuống từ độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Từ chân thác ngược lên khoảng chừng 150m, du khách sẽ được ngắm nhìn những tầng thác huyền ảo mà người dân nơi đây gọi là “thác tiên”. Không chỉ là một khu bảo tồn sinh thái, thác Đồng Quan còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử của các tộc người quần cư sinh sống nơi đây. Khi đến đây, du khách không chỉ tắm thác, thưởng thức ẩm thực, mà có thể tham gia vào các hoạt động đi bộ khám phá rừng nguyên sinh và hòa mình vào không gian văn hóa với “điệu múa bắt nhái”, “điệu xòe thương nhau”, “hát đốm”, trò diễn “chậm đò ho”... của đồng bào các dân tộc Thái, Thổ.
Cùng với những điểm đến quen thuộc như Đồng Quan, thác Cổng Trời (xã Hóa Quỳ), Di tích lịch sử Đình Thi (thị trấn Yên Cát)... huyện Như Xuân đã, đang nghiên cứu đưa vào khai thác du lịch tại làng cổ Tân Hùng (xã Thanh Phong) và hang Kẽm (xã Xuân Bình). Trong đó, làng Tân Hùng là ngôi làng duy nhất của huyện còn lưu giữ gần 80 ngôi nhà sàn cổ của đồng bào dân tộc Thái.
Trước đó, huyện đã mời một số đoàn khảo sát, chuyên gia du lịch đến khảo sát, đánh giá tiềm năng và chia sẻ định hướng phát triển du lịch tại những địa phương này. Theo chuyên gia du lịch Ngô Kỳ Nam, huyện có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển đa dạng sản phẩm du lịch chất lượng cao. Ở đây, hoạt động du lịch không chỉ dừng lại ở thưởng thức ẩm thực, ngủ nhà sàn, mà hoàn toàn có thể phát triển đa dạng các chương trình trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn như tour khám phá văn hóa làng cổ, du lịch hang động, dã ngoại... tạo lợi thế cạnh tranh và sự khác biệt với những điểm đến khác trong tỉnh. Tuy nhiên, trong thời gian đầu có những mô hình du lịch tiên phong, đặc biệt khuyến khích thanh niên địa phương tham gia khởi nghiệp. Cùng với đó, cần khảo sát lại hệ thống điểm đến, chú trọng đến kết nối vùng và các điểm du lịch của một số địa phương lân cận. Để làm được điều đó, huyện cần tạo điều kiện thuận lợi để các nhà quản lý, cộng đồng có cơ hội tìm hiểu, học tập kinh nghiệm từ các mô hình du lịch cộng đồng tiêu biểu trong và ngoài tỉnh. Đồng thời tìm hiểu về nguồn khách, định hướng thị trường, cơ chế khuyến khích phát triển du lịch để đầu tư phù hợp.
Nhằm “định vị” điểm đến du lịch, huyện Như Xuân đang nỗ lực đưa vào khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc như múa cá sa, khua luống, hát khặp, nhảy sạp, ném còn, kéo co, bắn nỏ của đồng bào dân tộc Thái; hát đốm, hát ru, hát chậm đò ho, múa hát trống chiêng, đi cà kheo, ném còn, kéo co của đồng bào dân tộc Thổ... Đặc biệt, tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh và ngành văn hóa, thể thao và du lịch, huyện đã gắn bảo tồn, phát huy giá trị các lễ hội văn hóa truyền thống với hoạt động du lịch như: Lễ hội Đình Thi của dân tộc Thổ, Lễ hội dâng trâu tế trời Đền Chín Gian và tục cầu mưa của người Thái... mang đến cho du khách đa dạng trải nghiệm văn hóa đặc sắc, khác biệt của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.
Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân Lê Anh Tuấn, cho biết: “Như Xuân định hướng phát triển theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc”. Trong đó, tập trung phát triển du lịch dựa vào đặc trưng, thế mạnh của từng khu vực gắn với triển khai, thực hiện có hiệu quả Đề án "Phát triển du lịch cộng đồng huyện Như Xuân đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Về phía Tây của huyện tập trung phát triển các hoạt động khám phá, trải nghiệm “thung lũng người Thái vùng 6 Thanh”, với điểm nhấn văn hóa là đền Chín Gian và Lễ hội Dâng trâu tế trời. Về phía Đông, bao gồm các thôn thuộc vùng lõi Vườn Quốc gia Bến En với các sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng mang đặc trưng vùng sông nước, tạo nên những trải nghiệm độc đáo. Đối với khu vực trung tâm, bao gồm các thôn thuộc phạm vi thác Đồng Quan, thác Cổng Trời sẽ phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái và các hoạt động vui chơi, giải trí”.
Bài và ảnh: Hoài Anh
{name} - {time}
-
2024-11-22 12:16:00
Trải nghiệm tour 3 ngày 2 đêm ở Thanh Hóa
-
2024-11-22 10:39:00
Ðất làng Hậu Trạch
-
2024-09-13 15:00:00
Phát triển đa dạng sản phẩm du lịch tại “Vịnh Hạ Long trên cạn của xứ Thanh”
Làng Hội Hiền trên đất Tây Hồ
Thác Đồng Quan: Kỳ vọng trở thành điểm đến hấp dẫn
[WOW! THANH HÓA] Trải nghiệm du lịch xanh tại Làng Du Lịch Yên Trung
Làng Cổ Ninh trên đất Thiệu Vân
Du lịch nghỉ lễ 2/9: Những tín hiệu tích cực từ thị trường trên cả nước
Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông xếp thứ 2 toàn tỉnh về lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng
Biển Hải Tiến đón 57.600 lượt khách du lịch dịp nghỉ lễ Quốc khánh
Sầm Sơn thu hút khách du lịch dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9
Những làng quê cách mạng xứ Thanh ngày ấy và bây giờ: Từ đường họ Tăng nơi hoạt động bí mật của các chiến sĩ cách mạng