(vhds.baothanhhoa.vn) - Sản xuất tự cung, tự cấp lại thêm diện tích đất canh tác ít, trình độ dân trí còn thấp, tư duy kinh tế lạc hậu... là những nguyên nhân kìm hãm khiến cuộc sống của người dân ở bản Khoa, xã Phú Sơn (Quan Hóa) nhiều năm qua cứ mãi quẩn quanh vì nghèo đói, thiếu thốn.

“Đuổi” nghèo ở bản Khoa

Sản xuất tự cung, tự cấp lại thêm diện tích đất canh tác ít, trình độ dân trí còn thấp, tư duy kinh tế lạc hậu... là những nguyên nhân kìm hãm khiến cuộc sống của người dân ở bản Khoa, xã Phú Sơn (Quan Hóa) nhiều năm qua cứ mãi quẩn quanh vì nghèo đói, thiếu thốn.

“Đuổi” nghèo ở bản KhoaNgoài trồng lúa, ngô, bà con trong bản còn tranh thủ lên rừng hái măng về luộc đem bán kiếm thêm thu nhập.

Chông chênh bản nghèo

Con đường vào bản Khoa, một trong hai bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của xã Phú Sơn cùng với Suối Tôn chông chênh, xa vời vợi dù chỉ cách trung tâm xã chừng gần 10km đường chim bay. Theo bí thư kiêm trưởng bản Phạm Thị Thao cho biết: Vốn quen với tập quán canh tác lạc hậu, kinh tế dựa vào lâm nghiệp, chăn nuôi nhỏ lẻ và ruộng lúa, nên cuộc sống của bà con Nhân dân trong bản cứ mãi đói nghèo, lạc hậu. Bản có 77 hộ thì có 34 hộ nghèo, 35 hộ cận nghèo.

Do giao thông đi lại xa xôi, nhiều đoạn xuống cấp, mỗi lần ra trung tâm xã, huyện người dân thường tranh thủ mua thêm nhu yếu phẩm trong sinh hoạt. Lo lắng nhất là mỗi khi nhà nào có người ốm đau, sinh đẻ, việc di chuyển đến cơ sở y tế cũng hết sức gian nan, đặc biệt là mỗi lần mưa bão. Chưa kể, việc thiếu đất sản xuất, nguồn nước chủ yếu sử dụng từ khe, suối, nhà văn hóa xuống cấp... cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống vật chất lẫn tinh thần của nhiều hộ dân. Thanh niên không có việc làm ổn định nên phần lớn đi làm ăn xa, hoặc tìm hướng xuất ngoại, số còn lại ở nhà bám trụ vào rừng luồng với ít lúa nương rẫy. Tuy vậy, thời gian gần đây, giá luồng xuống thấp, sức tiêu thụ giảm khiến người dân trồng luồng gặp nhiều khó khăn.

Chị Hà Thị Muôn (40 tuổi, dân tộc Mường), cho biết: Đã nhiều năm qua, từ ngày lấy chồng rồi sinh con, tính ra cũng đã hơn 20 năm có lẻ, ngoài một số công việc như hái măng rừng bán, chăn nuôi thêm ngan, gà để tăng thu nhập, kinh tế gia đình tôi chủ yếu phụ thuộc vào ít lúa, ngô với hơn 1 sào luồng. Nguồn thu nhập bấp bênh, gia đình tôi luôn sống trong cảnh thiếu trước, hụt sau...

“Đuổi” nghèo ở bản KhoaLàm ăn khó khăn khiến gia đình chị Hà Thị Muôn (40 tuổi, dân tộc Mường) mãi chưa thoát nghèo.

Khó khăn không chỉ có vậy, ở nơi bản nghèo này, sự học của con trẻ cũng bị ảnh hưởng theo cuộc mưu sinh của người lớn. Bản không có điểm trường mầm non, chỉ có điểm trường lẻ bậc tiểu học, nhưng số lượng học sinh ít nên phải dồn hết về điểm trường Suối Tôn và Tai Giác. Với các cháu bậc THCS còn khó khăn hơn vì không còn được hưởng chế độ bán trú. Điều này khiến phụ huynh tốn nhiều thời gian đưa đi, đón về. Những ngày thời tiết không thuận lợi, học sinh nghỉ học nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của nhà trường.

Tìm lối thoát nghèo cho người dân

Bản Khoa có gần 400 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Mường, Thái. Về mặt sinh kế, những năm qua, bà con thường xuyên được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi phát triển sản xuất như: lợn nái, bò sinh sản... Nhờ chịu khó làm ăn, nhiều hộ có điều kiện mua sắm một số vật dụng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Tuy nhiên, để duy trì cuộc sống ổn định lâu dài, người dân cần từng bước từ bỏ thói quen sản xuất manh mún, áp dụng khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt để nâng cao năng suất. Thời gian qua với mong muốn làm chủ cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, 43/77 hộ gia đình ở bản Khoa đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế.

Năm 2023, từ nguồn vốn vay 100 triệu đồng, chị Phạm Thị Yêu (SN 1986) mua 4 con bò sinh sản. Hiện đàn bò đẻ thêm 2 con, nâng tổng số cả đàn là 6 con. Từ khi có vốn làm ăn, lại thêm vốn tính cần cù, cuộc sống gia đình chị bớt vất vả hơn. “Thời gian tới, gia đình tôi dự định vay thêm vốn để đầu tư mở rộng, tái thiết mô hình chăn nuôi tăng thêm thu nhập, có điều kiện cho con cái được học hành đầy đủ”, chị Yêu cho biết.

“Đuổi” nghèo ở bản KhoaDo sinh sống trên sườn đồi nên một số hộ dân ở bản Khoa có nguy cơ sạt lở đất mùa mưa bão.

Quyết thay đổi cuộc sống, ngoài trồng ít lúa, ngô trên nương, ông Hà Văn Quân (SN 1966) mạnh dạn vay 100 triệu đồng mua trâu, bò sinh sản. Nhờ tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, sau thời gian chăm sóc, đàn trâu, bò phát triển khỏe mạnh, không ngừng gia tăng số lượng theo từng năm. Kết quả này đã tạo động lực cho gia đình ông thêm phần tự tin, tiếp tục mạnh dạn nghiên cứu, đầu tư để thực hiện các mô hình sản xuất khác nhằm hiện thực hóa giấc mơ thoát nghèo.

Ông Phạm Văn Tư, Chủ tịch UBND xã Phú Sơn, cho biết: Cùng với việc đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo thông qua các nguồn vốn, chính sách của Trung ương, của tỉnh, trong những năm qua chính quyền địa phương không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức tự giác trong phát triển kinh tế đối với bà con trong xã nói chung, bản Khoa nói riêng. Cùng với đó là từng bước nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2024, các công trình nhà văn hóa, đường giao thông nội bản sẽ hoàn thành việc sửa chữa và đi vào hoạt động, đáp ứng niềm mong mỏi của bà con Nhân dân, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để giao thương buôn bán, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo...

Bài và ảnh: Viết Trung



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]