(vhds.baothanhhoa.vn) - Vượt qua nhiều khó khăn, với sự nỗ lực không ngừng, giáo dục huyện vùng cao biên giới Mường Lát đang từng bước hoàn thiện, cơ sở vật chất không ngừng được đầu tư quan tâm, chất lượng dạy và học có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, câu chuyện đảm bảo “an cư” cho giáo viên, đặc biệt ở các điểm trường lẻ vẫn luôn là nỗi trăn trở với những người làm công tác giáo dục tại địa phương này.

Đảm bảo “an cư” cho giáo viên tại các điểm trường lẻ huyện vùng cao Mường Lát

Vượt qua nhiều khó khăn, với sự nỗ lực không ngừng, giáo dục huyện vùng cao biên giới Mường Lát đang từng bước hoàn thiện, cơ sở vật chất không ngừng được đầu tư quan tâm, chất lượng dạy và học có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, câu chuyện đảm bảo “an cư” cho giáo viên, đặc biệt ở các điểm trường lẻ vẫn luôn là nỗi trăn trở với những người làm công tác giáo dục tại địa phương này.

Đảm bảo “an cư” cho giáo viên tại các điểm trường lẻ huyện vùng cao Mường LátDo không có phòng ở, các thầy giáo điểm trường bản Ón, Trường Tiểu học Tam Chung, huyện Mường Lát phải tận dụng phòng kho của điểm trường để sinh hoạt hàng ngày.

Là người dẫn đường cho chúng tôi, anh Giáp - cán bộ Tổ liên ngành số 5, 6, xã Trung Lý (Đội liên ngành số 1, xã Trung Lý) tâm sự: Con đường vào điểm trường lẻ mầm non bản Cá Giáng, xã Trung Lý rất khó khăn, hiểm trở với nhiều đoạn đường rừng quanh co, khúc khuỷu, dốc thì cao, suối lại sâu. Mặc dù thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhưng nơi đây vẫn có hai nữ giáo viên “cắm bản”, bám lớp, miệt mài gieo chữ cho học sinh.

Tiếp chúng tôi, cô Vi Thị Phiếu (SN 1993) quê huyện Quan Hóa, chia sẻ: Điểm trường Cá Giáng có 54 học sinh/3 phòng học, 100% dân số là đồng bào Mông. Đường sá khó khăn, cuộc sống của người dân còn nhiều cơ cực vì thế để tiện cho việc lên lớp, các cô phải ở lại trong bản, tận dụng kho của khu phòng học làm nơi sinh hoạt hàng ngày. Dù nhà ở trong địa bàn xã, nhưng cả tuần các cô mới về một lần. Gặp thời tiết mưa gió, đường đất sình lầy, trơn trượt có khi phải mất cả tháng mới rời bản về nhà.

Cô Lò Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trung Lý, cho biết: “Trường hiện có 574 học sinh, với 1 điểm chính và 14 điểm lẻ nhưng chưa khu nào có nhà công vụ, kể cả điểm trường chính. Một số điểm lẻ giao thông đi lại khó khăn, giáo viên không về trong ngày được phải ở lại, hàng ngày sinh hoạt trong căn phòng kho cũ kỹ, xuống cấp, không đảm bảo an toàn”.

Điểm khu bản Chiềng Nưa, Trường Tiểu học Tây Tiến, xã Mường Lý có 2 giáo viên. Cô Lương Thị Hường (quê xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát) được sắp xếp ở tại căn phòng rộng 9m2 để sinh hoạt và làm việc. Phòng xây dựng từ năm 2005, đến nay đã xuống cấp, phần mái có nguy cơ đổ sập...

Cô Hường chia sẻ: “Đa phần các giáo viên lên đây công tác phải ở lại vì đường sá xa xôi, vất vả, có giáo viên cả tuần mới về nhà một lần. Vẫn biết điều kiện nhà ở, sinh hoạt thiếu thốn nhưng chúng tôi vẫn động viên nhau cố gắng vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ”.

Khu bản Ón, Trường Tiểu học Tam Chung, xã Tam Chung cũng là một trong những điểm trường khó khăn bậc nhất của huyện Mường Lát.

Điểm trường bản Ón có 5 lớp/94 học sinh, 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc Mông, cuộc sống còn nhiều khó khăn, hộ nghèo chiếm đa số. Địa bàn dân cư thưa thớt, trình độ dân trí còn thấp, gây không ít khó khăn trong công tác dạy và học.

Thầy giáo Vi Văn Chuân, người có nhiều năm công tác ở đây cho biết: “May mắn là hôm nay các anh lên đây trời tạnh ráo, đường đi lại thuận lợi, chứ những hôm trời mưa đường trơn trượt, sình lầy khó đi và rất nguy hiểm. Điểm trường có 4 giáo viên là nam, chủ yếu người dưới xuôi. Do địa hình khó khăn nên chúng tôi ở lại “cắm bản”, ít khi được về với gia đình”. Ngoài công việc chuyên môn đứng lớp, các thầy giáo đã tận dụng diện tích đất ít ỏi trong khuôn viên trồng rau, cải thiện bữa ăn hàng ngày. Những hôm thời tiết ủng hộ, có nắng thì cuối buổi chiều thứ 6 các thầy về nhà thăm gia đình, chiều chủ nhật lại tay xách nách mang đủ thứ nhu yếu phẩm để chuẩn bị cho một tuần công tác mới.

Thầy Chuân cho biết: Trước đây học sinh điểm trường này phải học tập dưới ngôi nhà mái lá, vách gỗ, nền đất, mùa mưa thấm dột, nhếch nhác. Năm 2018, cơn lũ lịch sử đã cuốn trôi toàn bộ khu điểm trường, nhà trường phải mượn tạm nhà văn hóa cho các cháu học. Giờ đây, khu trường được các tổ chức thiện nguyện xây dựng nhà tôn lắp ghép khá kiên cố, thầy trò phần nào yên tâm giảng dạy, học tập.

Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, cho biết: Những năm qua, địa phương được quan tâm xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học. Tuy nhiên nhiều trường học còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, đặc biệt là nhà ở công vụ cho giáo viên các điểm trường lẻ. Toàn huyện có gần 200 phòng công vụ, trong đó có 6 phòng ở cho giáo viên dựng tạm bằng gỗ, tranh, tre; 58 phòng xuống cấp, cần sửa chữa, nâng cấp. Theo tính toán, nhu cầu đầu tư mới phòng công vụ cho giáo viên toàn huyện khoảng 140 phòng. Đảm bảo “an cư” cho giáo viên là yêu cầu cấp thiết và lâu dài giúp đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác, gắn bó với nghề, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Trong lộ trình quy hoạch xây dựng vùng, huyện Mường Lát sẽ tổ chức cho 100% học sinh lớp 3 trở lên ăn bán trú, mục tiêu hướng đến giảm các điểm trường lẻ. Đồng thời, tranh thủ các nguồn lực, quan tâm, đầu tư của các ban, ngành, đoàn thể từng bước sửa chữa, nâng cấp, xây dựng hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp, phòng ở cho giáo viên, đặc biệt ở những điểm trường vùng sâu, vùng xa nhiều giáo viên xa nhà có nhu cầu về nơi ăn, chốn ở.

Bài và ảnh: Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]