(vhds.baothanhhoa.vn) - Mặc dù đã bước sang năm thứ 2 chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới 2018 đối với lớp 6 và 7 nhưng đến nay trên địa bàn tỉnh, cả cô và trò ở 2 khối này vẫn chưa có sách giáo khoa (SGK) môn Giáo dục địa phương (GDĐP) để dạy và học.

Khó khăn trong thực hiện môn Giáo dục địa phương

Mặc dù đã bước sang năm thứ 2 chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới 2018 đối với lớp 6 và 7 nhưng đến nay trên địa bàn tỉnh, cả cô và trò ở 2 khối này vẫn chưa có sách giáo khoa (SGK) môn Giáo dục địa phương (GDĐP) để dạy và học.

Khó khăn trong thực hiện môn Giáo dục địa phươngDo chưa có SGK bộ môn Giáo dục địa phương lớp 6 và lớp 7 nên cô giáo Nguyễn Thị Thoa phải tìm kiếm tư liệu trên mạng để soạn bài.

Khai thác tài liệu trên mạng để xây dựng thành bài dạy

Môn GDĐP là nội dung bắt buộc trong chương trình GDPT mới. Môn học cung cấp cho học sinh kiến thức hữu ích về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương… Nội dung được xây dựng theo hướng phát triển năng lực thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, thực tế của một tỉnh trên cơ sở tích hợp các vấn đề cơ bản của tự nhiên, địa lý, lịch sử, văn hóa… của tỉnh, gắn lý thuyết với thực hành, gắn nội dung với thực tiễn.

Do không có SGK nên một giải pháp tạm thời đối với các trường THCS trên địa bàn tỉnh, ở lớp 6 và 7, đó là các giáo viên phải lên internet tải tài liệu và soạn giáo án dạy cho học sinh. Vẫn biết đây là một giải pháp “tình thế” nhưng nếu không thực hiện thì cũng khó có một giải pháp khác nào thay thế.

Chưa có SGK, giáo viên các nhà trường dạy theo hướng dẫn, định hướng của phòng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Cô giáo Nguyễn Thị Thoa, giáo viên dạy môn GDĐP Trường THCS Hoằng Hải (Hoằng Hóa) cho biết: “Theo hướng dẫn, giáo viên có thể sử dụng cả chương trình cũ ở lớp 8, 9, lấy một số nội dung ở trong đó và khai thác thêm tài liệu trên internet để xây dựng thành bài dạy. Nói chung, để có được 1 tiết dạy GDĐP là rất khó khăn”.

Khó khăn hơn nữa cho cả cô và trò ở Trường THCS Hoằng Hải khi mà lớp học không có ti vi để thực hiện kênh hình trực tiếp. Vì vậy, đến giờ GDĐP, giáo viên dạy đến phần nào thì vào trực tiếp điện thoại rồi đi từng bàn cho học sinh quan sát.

Từ Trường THCS Hiền Kiệt (Quan Hóa), cô giáo Lê Thị Thu cho hay: “Đây là một môn học bổ ích vì trong chương trình này đã lựa chọn ra các chủ đề đặc sắc để giúp nâng cao sự hiểu biết của học sinh về danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử... của xứ Thanh. Qua đó học sinh sẽ tự hào về quê hương và có ý thức phát huy, tiếp nối truyền thống thế hệ cha ông xây dựng Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp. Tuy nhiên, đây là môn học mới nên giáo viên gặp rất nhiều khó khăn khi tài liệu tham khảo còn hạn chế”.

GDĐP, ngoài những bài giảng, học sinh cần được tham gia trải nghiệm thực tế để môn học hiệu quả hơn. Thế nhưng, nhiều địa phương, sách không có mà hoạt động trải nghiệm cũng hạn chế như ở huyện Quan Hóa là ví dụ. Thầy giáo Lê Đức Hiếu, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Quan Hóa trải lòng: “Việc giảng dạy môn GDĐP tại các trường học trên địa bàn huyện chủ yếu thực hiện qua bài giảng tự xây dựng của giáo viên. Vì đời sống của Nhân dân trên địa bàn huyện còn khó khăn nên rất ít nhà trường tổ chức cho học sinh đi thực tế tại các điểm di tích lịch sử hay danh lam, thắng cảnh …”.

Đến thời điểm hiện nay, môn GDĐP cũng là môn duy nhất trong chương trình GDPT mới chưa có SGK.

Chờ… thẩm định giá

“Không chỉ riêng tỉnh Thanh Hóa chưa có SGK môn GDĐP mà đây còn là tình trạng chung đối với tất cả các địa phương trong cả nước”, ông Mai Công Mãn, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT tỉnh nhấn mạnh. Theo đó, đối với Thanh Hóa, tháo gỡ bằng cách, để có chương trình học cho học sinh, trên cơ sở đề cương đã được UBND tỉnh phê duyệt, phòng chuyên môn sẽ hướng dẫn các nhà trường dạy theo các chủ đề. Từ đây, giáo viên sẽ khai thác tài liệu dạy cho học sinh.

Liên quan đến vấn đề, sau 2 năm dạy chương trình GDPT mới đối với lớp 6 và lớp 7 nhưng hiện vẫn chưa có sách GDĐP, ông Mãn cho hay: “Về tài liệu thì có rồi, khó khăn ở việc in ấn, định giá, chủ yếu vẫn là thẩm định giá. Tỉnh nào cũng đang vướng ở chỗ này. Hiện bên tài chính đang thẩm định giá để cho in ấn. Trong lúc này, cứ phải chờ đợi…”.

Đối với bậc tiểu học, nội dung GDĐP được tích hợp với hoạt động trải nghiệm. Đối với bậc THCS, THPT, nội dung GDĐP của tỉnh được thiết kế dưới hình thức lĩnh vực và chủ đề của lĩnh vực với tổng thời lượng là 35 tiết/lớp/năm học. Ở bậc trung học, nội dung GDĐP được biên soạn thành bộ tài liệu GDĐP của một tỉnh có giá trị như SGK.

Bài và ảnh: Việt Hoàng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]