(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhiều trường học ở các huyện miền núi trong tỉnh đã được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, nhưng qua nhiều năm, hệ thống cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị dạy học bị hư hỏng... Khi đến hạn xét công nhận lại nhiều trường đã không đủ điều kiện...

Nhiều trường học ở miền núi khó được công nhận lại chuẩn quốc gia

Nhiều trường học ở các huyện miền núi trong tỉnh đã được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, nhưng qua nhiều năm, hệ thống cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị dạy học bị hư hỏng... Khi đến hạn xét công nhận lại nhiều trường đã không đủ điều kiện...

Nhiều trường học ở miền núi khó được công nhận lại chuẩn quốc giaĐã quá thời hạn công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia nhưng Trường THCS Lương Trung (Bá Thước) vẫn thiếu 2 phòng học và một số trang thiết bị dạy học.

Trường Tiểu học Hồi Xuân (Quan Hóa) là một trong những trường được công nhận trường chuẩn quốc gia đầu tiên của huyện Quan Hóa (năm 2009). Hiện nay, thời hạn đề nghị công nhận lại trường chuẩn đã quá hạn, nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường chưa đảm bảo các tiêu chí. Ông Hoàng Kiên Cường, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Để Trường Tiểu học Hồi Xuân được công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia, nhà trường cần sửa chữa 5 phòng công vụ, xây dựng 4 phòng học, thư viện, các công trình phụ trợ, mua sắm trang thiết bị dạy học... dự kiến cần khoảng 4 tỷ đồng. Nguồn kinh phí lớn, nếu không có sự quan tâm của huyện và ngành chức năng thì mục tiêu công nhận lại trường chuẩn quốc gia của nhà trường không thể đạt được.

Theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Quan Hóa, hiện trên địa bàn có 24 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 48,9%. Tính đến thời điểm hiện tại có 13 trường đã hết thời gian công nhận đạt chuẩn quốc gia, cần phải đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để công nhận lại như: Trường Tiểu học Hồi Xuân, Trường Tiểu học Phú Nghiêm, Trường Mần non Thiên Phủ, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Phú Xuân...

Ông Lê Đức Hiếu, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quan Hóa, cho biết: Qua khảo sát thực thế cho thấy, các trường học đã quá hạn công nhận lại chuẩn quốc gia đều có những khó khăn riêng, nhưng tập trung là tiêu chí cơ sở vật chất. Hiện nay, phòng học của nhiều trường không đủ diện tích theo quy định mới, nhiều phòng xuống cấp, thiếu phòng học, phòng thực hành bộ môn và trang thiết bị dạy học...

Tại huyện Bá Thước, tính đến thời điểm hiện tại có 3 trường học đã quá hạn công nhận trường chuẩn quốc gia, đó là Trường THCS Lương Trung, Trường Tiểu học Điền Quang, Trường THCS Lương Nội. Ông Hà Tự Nhiên, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bá Thước, cho biết: Các trường quá hạn công nhận lại đều đáp ứng được các tiêu chuẩn như công tác tổ chức, chất lượng dạy học... Riêng tiêu chí về cơ sở vật chất thì hầu hết là khó khăn. Bởi lẽ, theo thông tư mới về kiểm định chất lượng và đánh giá trường đạt chuẩn quốc gia thì một số tiêu chí buộc phải tăng lên.

Theo ông Nhiên, nguồn ngân sách của huyện dành cho sự nghiệp giáo dục có hạn, trong khi đó kinh phí để sửa chữa, xây dựng các phòng học, phòng chức năng và các công trình phụ trợ rất lớn. Đây chính là một “rào cản” khiến nhiều trường học gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục công nhận lại trường chuẩn. Để từng bước tháo gỡ những khó khăn, huyện Bá Thước phải “liệu cơm gắp mắm”, ưu tiên đầu tư kinh phí cho các trường đã gần đáp ứng các điều kiện xây dựng kết cấu hạ tầng, mua sắm trang thiết bị để công nhận lại; đối với những trường cần nguồn vốn đầu tư lớn sẽ phải có lộ trình mới thực hiện được.

Nhiều huyện miền núi khác trong tỉnh cũng gặp không ít khó khăn trong việc công nhận lại trường chuẩn quốc gia, chủ yếu do hệ thống cơ sở vật chất, như thiếu phòng học, phòng chức năng, nhà đa năng, công trình vệ sinh... Đã có nhiều địa phương quyết liệt trong việc tìm nguồn, tạo nguồn, kêu gọi đầu tư, thực hiện xã hội hóa để hỗ trợ giáo dục, xây dựng trường chuẩn nhưng đây không phải là việc dễ và không phải địa phương nào cũng làm được. Do nguồn kinh phí hạn hẹp, nhiều trường học đạt chuẩn rơi vào tình trạng xuống cấp về cơ sở vật chất, không chỉ ảnh hưởng đến việc duy trì, giữ vững mức độ chuẩn sau 5 năm mà còn ảnh hưởng cả tới chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.

Nhiều trường học ở miền núi khó được công nhận lại chuẩn quốc giaPhòng học của Trường Tiểu học Hồi Xuân (Quan Hóa) đang xuống cấp, không đủ điều kiện công nhận lại trường chuẩn quốc gia.

Ông Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Theo Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học thì các tiêu chuẩn đều cao hơn các quy định cũ, như diện tích phòng học bộ môn; phòng nghỉ cho giáo viên phải đạt tỷ lệ 10 lớp/1 phòng; các trường THCS phải có phòng khoa học xã hội; các trường THPT phải có thêm phòng âm nhạc, phòng mỹ thuật,... Trong khi đó, hầu hết các nhà trường được xây dựng từ nhiều năm trước, thiết kế cũ, một số hạng mục không có hoặc thiếu, hoặc xuống cấp; thiết bị dạy học của nhiều trường chưa được đầu tư đồng bộ... khiến việc công nhận lại trường chuẩn ở các huyện miền núi gặp rất nhiều khó khăn.

“Hiện nay, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia của cả tỉnh nói chung và các huyện miền núi nói riêng cũng đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, ngành và là một trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đây là “bệ đỡ” quan trọng để các địa phương hoàn thành các mục tiêu đề ra trong việc xây dựng trường chuẩn quốc gia. Để tháo gỡ những khó khăn ở các trường học quá hạn công nhận trường chuẩn, các địa phương cần chủ động, nỗ lực vượt khó, huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học cho các nhà trường, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, không hiệu quả gây thất thoát nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về công tác xã hội hoá giáo dục nhằm tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho trường học. Các nhà trường cần chủ động khắc phục khó khăn, phối hợp với các cấp, ngành để đảm bảo các tiêu chí và hồ sơ công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia. Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu bộ môn, chuẩn về trình độ đào tạo... Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở các huyện miền núi đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, ông Nguyễn Văn Dĩnh cho biết thêm.

Bài và ảnh: Xuân Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]